DỰ ÁN CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ TRẺ EM:
Triển khai hiệu quả các hoạt động nâng cao chất lượng dân số
14:55', 29/8/ 2008 (GMT+7)

Tháng 9.2008, dự án Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tỉnh Bình Định do Chính phủ New Zealand tài trợ trong 5 năm (2004-2008) kết thúc. Trong đợt điều tra cuối kỳ về hiệu quả hoạt động của dự án do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD) tiến hành từ ngày 12 đến 20.8, thạc sĩ Trần Thị Thu Hà (cán bộ của RTCCD) đã có cuộc trao đổi cùng PV Báo Bình Định.

 

Năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế trong hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em đã được nâng lên đáng kể. Ảnh: T. Hiền

 

* Qua đợt điều tra, bà có thể đánh giá về hiệu quả hoạt động của dự án.

- Tôi có thể khẳng định đây là một dự án thành công. Giá trị lớn nhất của dự án là hỗ trợ hệ thống y tế toàn tỉnh phát triển hướng theo chuẩn quốc gia về sức khỏe sinh sản (SKSS) dựa vào hệ thống sẵn có. Cụ thể, dự án đã góp phần xây dựng một đội ngũ giảng viên về SKSS mạnh; nâng cao năng lực chuyên môn y tế cho cán bộ y tế tuyến cơ sở tiếp cận và thực hành các dịch vụ chăm sóc SKSS; chất lượng giám sát hỗ trợ của hệ thống y tế cũng tăng lên đáng kể.   

Đối với cộng đồng, kiến thức của bà mẹ về chăm sóc SKBMTE và DS-KHHGĐ được nâng cao. Kết quả phỏng vấn trực tiếp các bà mẹ là đồng bào dân tộc Hrê và Bana ở huyện Vĩnh Thạnh cho thấy họ hiểu rất rõ về các dấu hiệu nguy hiểm trong quá trình mang thai, chuyển dạ và sau sinh. Phần đông các bà mẹ kể được ít nhất 4 biện pháp tránh thai. Đặc biệt, tôi ấn tượng với số ca sinh tại trạm y tế tăng đều qua các năm tại xã Vĩnh Sơn (26 ca trong năm 2004, 37 ca năm 2005, 46 ca năm 2006, 42 ca năm 2007 và 26 ca trong 6 tháng đầu năm nay), điều này rất hiếm thấy tại các xã miền núi khu vực phía Bắc.

* Khi triển khai dự án này, có nhiều ý kiến lo ngại bởi khối lượng công việc quá nhiều, trong khi thời gian thực hiện ngắn…

- Trước hết, dự án có Ban quản lý (BQL) mạnh về kỹ năng quản lý và chuyên môn y tế, kèm theo đó là sự chỉ đạo thống nhất, đồng thuận nên các hoạt động được triển khai lồng ghép vào hệ thống sẵn có của tỉnh. Một thế mạnh nữa là các hoạt động của dự án được triển khai mở rộng trên toàn tỉnh, giúp BQL có điều kiện chủ động trong việc điều phối nguồn lực, kiểm soát chất lượng dịch vụ trong toàn hệ thống y tế.

Theo tôi, 5 năm là đủ để hệ thống y tế bước đầu làm quen với dự án, thay đổi hành vi, tất nhiên năng lực cán bộ trạm y tế và chất lượng dịch vụ đã tốt hơn nhưng sự thay đổi vẫn cần được hỗ trợ thêm.

* Năm 2006, khi thực hiện đợt đánh giá giữa kỳ, RTCCD đã đưa ra một số hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động của dự án. Vậy, đến nay, các hạn chế này đã được khắc phục?

- Năm 2006, RTCCD có nhận định chất lượng hệ thống giám sát hỗ trợ của tỉnh chưa cao, chậm đưa vào sử dụng hệ thống quản lý thông tin y tế (HMIS), tỉ lệ sinh con tại nhà tại các huyện miền núi cao và nữ hộ sinh đã được đào tạo nhưng thụ động, chờ người dân đến trạm sinh đẻ. Nhưng lần đánh giá này, các hạn chế nói trên đã thay đổi hơn cả mong đợi.

Cuộc điều tra cuối kỳ của dự án có quy mô lớn bao gồm cuộc khảo sát hệ thống y tế tuyến tỉnh, huyện và 30 xã phường với gần 1.800 ông bố, bà mẹ có trẻ dưới 24 tháng tuổi và vị thành niên tuổi 15 - 19.

* Với một số mô hình hoạt động được “học tập” từ các tỉnh thành khác như: HMIS, góc thân thiện, Trung tâm tư vấn…  bà có đánh giá gì?

- Đúng là mô hình góc thân thiện và trung tâm tư vấn, Bình Định phải học từ Hà Nội và Huế, nhưng Bình Định đã thành công, hay HMIS cũng được triển khai khá hoàn hảo trong khi các tỉnh khác đều thất bại. Bình Định cũng có cách làm rất sáng tạo là các hộp tài liệu đặt tại các cơ sở y tế, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với thông tin chăm sóc SKSS.

* Thế còn hạn chế của dự án?

- Một số trạm y tế không thể thực hành đỡ đẻ tại trạm. Khi phỏng vấn trực tiếp ở cộng đồng, tôi nhận thấy nhận thức của nam giới về chăm sóc SKSS còn hạn chế. Dự án đã thành công ở mô hình góc thân thiện, nhưng mới có trạm y tế Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn), thị trấn Bình Định (An Nhơn) triển khai thực hiện. Trên cơ sở này, tôi cho rằng, tỉnh nên đưa mô hình góc thân thiện vào các trường học và các xã miền núi; hỗ trợ thêm để tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên y tế và xây dựng cơ chế để nhân viên y tế trạm chủ động xuống thôn hỗ trợ cô đỡ thôn bản trong các ca đỡ đẻ, tạo niềm tin trong dân.

* Cảm ơn bà!

  • T.Hiền (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoàn thành xây dựng 85% số điểm trường lẻ  (29/08/2008)
Tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động  (29/08/2008)
Còn nhiều thách thức  (28/08/2008)
Thêm cơ hội cho thanh niên  (28/08/2008)
Bảo hiểm xã hội huyện, thành phố được in, cấp đổi thẻ BHYT lần hai  (28/08/2008)
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh  (28/08/2008)
Triển khai công tác Tháng An toàn giao thông  (28/08/2008)
Xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội  (28/08/2008)
198 suất quà tặng học sinh Quy Hòa  (27/08/2008)
Khen thưởng 26 học sinh giỏi quốc gia  (27/08/2008)
Trên 2,4 tỉ đồng đào tạo cử tuyển  (27/08/2008)
Vì sao khó xử lý hình sự đối với tội phạm về môi trường  (27/08/2008)
Ly hôn khi đã “xế chiều”  (27/08/2008)
Trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho 3 chiến sĩ  (27/08/2008)
Tiếp tục đổi mới công tác dân vận  (26/08/2008)