Tiệm sửa, đóng giày mới khai trương ở 140 Tăng Bạt Hổ, TP. Quy Nhơn là một cửa tiệm đặc biệt, bởi chủ tiệm, anh Trần Trung Hưng (sinh năm 1976) là người khuyết tật.
|
Anh Hưng (người đứng thứ tư ở hàng đầu, từ trái sang) cùng đồng đội tại Hội thao dành cho người khuyết tật. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
* Thành quả đầu tiên
Năm 4 tuổi, sau một cơn sốt cao, Hưng bị bại liệt đôi chân. Hồi đó còn quá nhỏ nên Hưng chưa biết thế nào là buồn. Hưng sống hồn nhiên, vô tư trong tình thương yêu của gia đình. Ngày vào lớp 1, Hưng được ba mẹ đưa đến trường cùng bạn bè trang lứa. Giờ ra chơi, Hưng nhìn các bạn chạy nhảy, đá bóng, nhảy dây... mà khóc thầm. Đó là lần đầu tiên Hưng thấm thía nỗi đau, sự mất mát lớn lao mà mình đang gánh chịu.
Không đầu hàng, cậu bé 7 tuổi nuôi ý chí chống chọi lại sự nghiệt ngã của số phận. Hàng ngày, Hưng lần mò tập đi trong nhà rồi ra đến con đường đất trong xóm. Từ đường đất, Hưng tập đi ra đến bãi biển (nhà Hưng cách bãi biển khoảng 500m). Những ngày tập đi, cơ thể của anh đầy vết bầm tím vì ngã. Có lúc, mẹ anh bật khóc khi bắt gặp vết bầm trên cơ thể con mình. Bà quyết sẽ nghỉ dệt chiếu để dìu con tập đi. Lúc ấy, dù còn nhỏ tuổi, Hưng đã biết nghề dệt chiếu của mẹ là miếng cơm, manh áo của cả nhà nên cố gắng vững bước trên đôi chân của mình.
Nhờ nỗ lực vượt khó, Hưng đã đi được bằng đôi chân không lành lặn của mình.
* Từ thợ trở thành ông chủ
Dù cuộc sống khó khăn, cha đạp xích lô, mẹ tảo tần dệt chiếu, bán trứng vịt lộn để nuôi 6 anh chị em nhưng Hưng vẫn cố gắng bám trường, bám lớp với thành tích 9 năm liền là học sinh khá, giỏi. Nhưng rồi ước mơ tiếp tục học lên THPT của anh đành phải gác lại, vì cha mẹ anh đều đã già yếu, không thể bám trụ với nghề để nuôi con. Bỏ lại phía sau tuổi học trò hồn nhiên, Hưng được người anh đưa vào TP. Hồ Chí Minh học làm thợ dán đế giày. Ở đây, Hưng miệt mài làm việc với mong muốn sẽ được học nghề đóng giày. Thế nhưng, một lần nữa cậu bé tật nguyền đành phải khép lại ước mơ của mình để trở về nhà chăm sóc cha mẹ già yếu, thay cho các anh chị đi làm ăn xa, lập gia đình…
Không nản chí, Hưng tìm đến hiệu giày Da (đường Tăng Bạt Hổ, TP. Quy Nhơn) xin làm công. Từ đó, Hưng gắn bó với tiệm giày này suốt gần 12 năm. Anh giải thích: “Nghề đóng giày vận dụng chủ yếu là đôi tay và trí óc nên rất phù hợp với mình”.
Nghề đóng, sửa giày giờ không còn thịnh nữa, nhiều tiệm đóng giày đã phải đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh nghề khác. Cửa tiệm nơi anh làm cũng chung cảnh ngộ. Nhưng Hưng nghĩ: Dù nghề đóng giày không còn thịnh nhưng có thể còn nhiều người khuyết tật hoặc có kích cỡ đôi chân khác biệt cần đến mình. Anh may mắn được cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga cho vay dài hạn một ít vốn không lãi suất. Người chủ cũ nhường mặt bằng cửa tiệm cho anh với giá thuê “mềm” để Hưng tiếp tục sống với nghề. Vậy là mở tiệm.
Tiệm sửa, đóng giày của Hưng mới khai trương được 2 tháng nhưng thu hút cũng kha khá khách. Đa số là khách quen, biết tay nghề của anh từ khi còn là thợ.
Đặc biệt, cửa tiệm của Hưng chuyên đóng giày khiêu vũ - một thứ “hàng độc” để ông chủ trẻ thu hút nhiều khách đến với tiệm mình. Nắm bắt được xu hướng và nhu cầu của khách hàng trong việc tìm kiếm một đôi giày khiêu vũ phù hợp, anh đã mày mò tự học và thử nghiệm thành công nhiều loại giày khiêu vũ cho khách. Anh cho biết: “Giày khiêu vũ là loại “đặc chủng”, khung và đế chắc chắn, đế lót nhung dày, bám sàn nhưng phải có độ “lướt”. Loại này khó đóng vì phải bó sát lấy chân nhưng không gây đau, để bàn chân cử động thoải mái trong giày, giữ cân bằng và uyển chuyển trong các vũ điệu”.
|
Anh Hưng đang sửa giày cho khách. Ảnh: H.Y
|
* Sức mạnh của cuộc sống
Nhìn ông chủ tiệm giày tất bật với công việc hàng ngày ít ai ngờ rằng anh từng là vận động viên bơi lội. Cơ hội đến tình cờ vào cuối năm 1997, khi người quen là huấn luyện viên bơi lội đang đi tìm kiếm vận động viên tham gia Hội thao dành cho người khuyết tật toàn quốc ở Quảng Trị. Thấy Hưng khỏe mạnh, huấn luyện viên bảo tập thử. Hưng vốn yêu biển, đã từng tập bơi để có sức khỏe dẻo dai nên lọt qua vòng sơ tuyển dễ dàng. Nhưng lần thi ấy và những giải kế tiếp, Hưng đều thất bại trong việc chinh phục đường đua xanh. Năm 2003, anh mới gặt hái thành công tại giải Paragame toàn quốc với chiếc Huy chương đồng.
Hưng bảo rằng, trong những gì anh đạt được hôm nay có nước mắt, mồ hôi của bản thân và sự động viên của hai đấng sinh thành. Những lúc mặc cảm, tự ti với cuộc sống, anh lại nhớ lời ba dặn dò: “Ông trời vốn dĩ rất công bằng nên không bao giờ lấy đi tất cả mọi thứ của một ai. Tuy con trai của ba không lành lặn, nhưng rồi con sẽ được bù lại những thứ khác. Mà những thứ đó, con phải phấn đấu mới đạt được”.
Và Hưng đang phấn đấu, nỗ lực không ngừng để có được những gì vốn chỉ dành cho những người biết vượt qua chính mình.
|