Những tân sinh viên được tiếp sức đến trường
10:25', 1/9/ 2008 (GMT+7)

Tối 28.8, báo Tuổi trẻ TP HCM phối hợp với báo Giáo dục TP HCM, báo Phú Yên, Đài PT-TH Bình Định và Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT, Hội Khuyến học của 3 tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên đã tổ chức Lễ trao học học bổng “Tiếp sức đến trường” (đợt 1- năm 2008) cho 200 tân sinh viên của 3 tỉnh vừa trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn. Dưới đây là 4/67 gương mặt tân sinh viên tiêu biểu của tỉnh Bình Định được nhận Học bổng.

Cô gái mồ côi được tiếp sức

Trang Thị Vi, sinh năm 1989, quê ở thôn Vạn Ninh, xã Mỹ Tài, Phù Mỹ đã trúng tuyển vào ngành Công nghệ sinh học - Đại học Đà Lạt với số điểm 21 điểm. Về Quy Nhơn nhận Học bổng “Tiếp sức đến trường” Vi cho biết, đây là lần thứ 3 em đến thành phố biển: lần đầu là đi thi đại học, lần thứ 2, đi cắt kính cận và lần này- nhận Học bổng “Tiếp sức đến trường”.

 

Trang Thị Vi. (Ảnh: QH)

 

Hoàn cảnh của Vi hết sức khó khăn. Cha mất từ khi em còn rất nhỏ nên bây giờ em không thể hình dung ra gương mặt cha. Má Vi cũng mới mất vì căn bệnh ung thư (năm 2006) sau một thời gian dài phải cầm cự với thuốc men để lại món nợ lớn. Hiện giờ, Vi sống với ông ngoại, 86 tuổi. Cuộc sống của 2 ông cháu phụ thuộc vào 5 sào ruộng đã cho thuê (vì ông, cháu đều không đủ sức lao động), mỗi năm được 500 kg thóc. Thi thoảng, ông ngoại kiếm được chút ít tiền từ mấy gốc dừa, tre, 3 sào đất trồng mì và nuôi mấy con gà…

Cuộc sống quá khó khăn. Tốt nghiệp THCS, Vi đã bỏ học dù năm học nào cũng đạt "học sinh tiên tiến". Thương Vi, Hội phụ nữ xã động viên em đi học lại và cấp cho em 150 ngàn đồng/ năm để trang trải tiền sách, vở; xã Mỹ Tài đưa ông cháu vào diện hộ nghèo, mỗi tháng trợ cấp thêm được 65.000 đồng. Thầy cô, nhà trường thì không thu bất cứ một khoản phí nào đối với cô học trò nghèo, bạn bè chu cấp thêm tài liệu, sách giáo khoa. Vậy là, Vi tiếp tục học bậc THPT tại trường THPT Nguyễn Trung Trực. Ngày ngày, Vi đạp xe đạp đi học vì trường cách nhà đến 10-11 km. Hôm nào mưa lụt phải tá túc tại nhà bạn bè… Khó khăn như vậy, nhưng Vi vẫn cố gắng học và học giỏi. Cô đã thi đậu vào đại học Đà Lạt với điểm số khá cao (21 điểm). Vi tâm sự: “Hoàn cảnh khó khăn như vậy mà Vi vẫn được đi học là đã hơn nhiều bạn rồi!”. Bây giờ, đậu đại học, Vi lo nhất là không có tiền để đóng học phí. Vi mong muốn, sau khi vào trường sẽ được Đoàn, Hội thanh niên giới thiệu cho việc làm thêm để có thể vừa học, vừa kiếm được tiền trang trải chi phí học tập.

Hai anh em sinh đôi cùng đậu đại học

 

Hai anh em sinh đôi Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Sĩ. (Ảnh: QH)

 

Đó là Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Sĩ, cùng sinh năm 1990, quê ở xã Cát Trinh, Phù Cát. Cả Dũng và Sĩ đều thi vào 2 trường đại học: Quy Nhơn và Đà Lạt. Dũng thì đậu vào Đại học Quy Nhơn với 18 điểm, còn Sĩ, đậu Đại học Đà Lạt với 17,5 điểm. Ba má Dũng- Sĩ làm nông. Gia đình thuộc diện hộ nghèo. Làm ruộng nhà không đủ ăn, ba Dũng- Sĩ đấu giá thêm ruộng để làm, nông nhàn thì đi phụ hồ kiếm thêm thu nhập; má Dũng- Sĩ, rảnh làm nông thì xoay ra chằm nón. Anh em Dũng, ngoài giờ học tranh thủ đi cuốc đất, làm rẫy. Nhà có 5 anh em, anh Hai học hết lớp 9 phải bỏ học vì nhà nghèo. Ba má quyết tâm “không để thêm đứa con nào thất học nữa” nên cố gắng đầu tư cho Dũng- Sĩ học, tiếp đến là lo cho các em, đứa đang học lớp 10, đứa vào lớp 6. Hỏi về chuyện anh em sinh đôi thì có những thuận lợi gì? Dũng- Sĩ bật mí: “cả anh em đều thích ngành sinh học và kế toán. Cùng hỗ trợ nhau học tập, nhất là khi làm các bài tập khó và đều thích đi cuốc đất hơn phải nấu cơm…”. Là con nhà nghèo, việc đầu tư phương tiện học hành của gia đình cho mấy anh em còn nhiều hạn chế. Dũng- Sĩ đi học một buổi, một buổi ở nhà phải đi chăn bò, làm nông, thậm chí còn giúp mẹ chằm nón để kiếm thêm tiền chi phí học tập

Dũng- Sĩ tâm sự: "Đợt này, cả hai anh em đều được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” nên ba má đã bớt được một mối lo. Nhưng để lo cho cả 2 con cùng học đại học xa nhà thì chặng đường tiếp theo chắc chắn không hề dễ dàng chút nào. Bởi vậy, 2 đứa đã bàn với nhau, ổn định việc học được vài tháng phải đi làm thêm để trang trải học phí hỗ trợ cho ba má".

“Sau cơn mưa trời lại sáng”

Phạm Thành Luân, sinh năm 1990, quê ở xã Phước Thuận, Tuy Phước. Em vừa đậu Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ngành Điện- Điện tử với 21,5 điểm. Ba em đi biển và mất cách đây 9 năm trong một chuyến xa khơi gặp giông tố, một mình má Luân phải tảo tần nuôi 4 anh em ăn học. Là anh cả, trách nhiệm của Luân đối với gia đình cũng khá nặng nề. Luân kể: Nhà em chỉ có 2,5 sào ruộng nên làm ruộng không đủ ăn. Má em phải tranh thủ  mua tôm, cá ngư dân đánh bắt trên đầm Thị Nại đem ra chợ bán kiếm thêm tiền cho con ăn, học.

 

Phạm Thành Luân. (Ảnh: QH)

 

Thương má vất vả, Luân đã cố gắng học tập thật giỏi. Em thi đậu vào lớp 10 chuyên Toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Lớp 10, Luân đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến. Năm học lớp 11, lớp 12, Luân đều là học sinh giỏi; đạt giải nhì và giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 11 và lớp 12… Nhà nghèo, để cho con học trường chuyên, mỗi tháng má Luân phải gồng mình lên lo khoản chi phí học tập cho con khoảng 500 ngàn đồng/tháng. Biết hoàn cảnh của Luân, nhà trường, thầy giáo chủ nhiệm và các bạn trong lớp cũng đã có sự quan tâm, trợ giúp rất nhiều làm Luân yên tâm hơn với việc học. Luân tâm sự: “Bây giờ đậu đại học, má em rất vui nhưng cũng lo lắng nhiều hơn. Em dự kiến vào trường sẽ kiếm việc làm thêm để đỡ gánh nặng cho má”.

Luân cho biết, em sẽ cố gắng học thật tốt để có thể tìm được học bổng. Sau này ra trường, có kết quả học tập tốt sẽ tìm được việc làm tốt để phụ giúp má nuôi các em ăn học đến nơi đến chốn. Em tự hào về má, một người phụ nữ nông thôn chân chất, cút cui, tận tụy nuôi con ăn học. “Má là người biết tính toán, cần kiệm, lấy khoản này đắp đổi khoản kia… nên tụi em tuy khổ nhưng đều đảm bảo được việc học, không đứa nào phải bỏ học vì nghèo”- Luân tâm sự.

Cậu tân sinh viên nghèo này rất câu phương ngôn “sau cơn mưa trời lại sáng”. Khó khăn lúc này sẽ là động lực để em phấn đấu học tập, tạo tiền đề cho tương lai của mình và gia đình, nhằm thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.

“Tôi đã được nhận những nguồn động viên rất lớn”

Đó là tâm sự của Ngô Thị Lệ Chiêu, cô tân sinh viên vừa đậu ngành Luật Thương mại Quốc tế (20,5 điểm) và ngành Luật Tài chính ngân hàng chứng khoán (17,5 điểm) của khoa Kinh tế đại học Quốc gia TP HCM. Quê Chiêu ở Tân Thạnh, Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn. Ba bị mất sức lao động. má nguyên là thanh niên xung phong trở lại địa phương sau chiến tranh, thương binh, bị bệnh nặng. Ở vùng mà “biển không ra biển, nông không ra nông”, nhà lại không có ruộng, không có ghe, không có người lao động nên thu nhập của gia đình Chiêu rất thấp. Cả nhà phải sống dựa vào nghề dệt chiếu mà “làm cả ngày dệt được 4 đôi cũng chỉ lấy công làm lời được 15- 20 ngàn đồng”- bà Võ Thị Sanh- mẹ của Chiêu kể chuyện. Cô bé Chiêu, trước đây cũng phải 1 buổi học, 1 buổi ở nhà dệt chiếu cùng mẹ. Chỉ đến năm học lớp 12, bài vở nhiều, phải tập trung cho việc học, thi cử nên Chiêu mới chỉ dệt chiếu vào lúc rảnh.

 

Ngô Thị Lệ Chiêu và má. (Ảnh: QH)

 

Nhà có hai con gái. Chị của Chiêu (Ngô Thị Lệ Sâm) hiện đang học đại học Quy Nhơn. Cô cũng đang phải đi dạy kèm để tự lo chi phí học tập. Giờ đến Chiêu, chuẩn bị đi học xa nhà, lo cho con ăn học đến nơi đến chốn chắc chẳng dễ dàng gì. Bà Sanh tâm sự: “Con nó học được mà để nó phải bỏ học, cha mẹ có tội rất lớn nên dù khó khăn đến mấy, tui cũng phải cho các con ăn học.” Bà Sanh còn cho biết, bà vừa được vay 1 suất tín dụng dành cho sinh viên của Ngân hàng chính sách xã hội. Khoản vay này sẽ giúp các con bà yên tâm hơn trong những năm theo học đại học.

Còn Lệ Chiêu thì cho biết: “Em sẽ nỗ lực học tập để hoàn thành 4 năm đại học và mong rằng sẽ tìm được việc làm ổn định, gần nhà để có thể chăm sóc cho ba má, sức khỏe của ba má không được tốt…”. Trong lễ trao Học bổng “Tiếp sức đến trường”, ngoài học bổng của báo Tuổi Trẻ, Chiêu đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và phần thưởng của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Hoàng Hà, của các doanh nghiệp và cá nhân có tấm lòng khuyến học, khuyến tài khác. Chiêu cho biết: “Đây là nguồn động viên rất lớn đối với em. Sau này, được thành đạt, em nhất định sẽ giúp đỡ cho các em tân sinh viên nghèo như mình đã từng được giúp đỡ”.

  • Quỳnh Hoa

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một xã có tỷ lệ học sinh đậu ĐH, CĐ năm 2008 đạt 38,46%  (01/09/2008)
Chế độ phụ cấp cho cán bộ làm việc theo cơ chế một cửa  (01/09/2008)
Tôn vinh tấm gương nhân ái thanh niên Chữ thập Đỏ  (01/09/2008)
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả quản lý giáo dục  (01/09/2008)
Niềm tin của một người khuyết tật  (30/08/2008)
Tăng cường nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên  (30/08/2008)
Thành lập Bệnh viện Mắt Bình Định  (30/08/2008)
Khám bệnh, cấp thuốc cho nạn nhân chất độc da cam  (30/08/2008)
206 đảng viên được trao Huy hiệu Đảng đợt 2.9  (30/08/2008)
Lãnh đạo tỉnh thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh  (30/08/2008)
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tiếp đoàn cán bộ hưu trí huyện Hoài Ân  (30/08/2008)
Triển khai hiệu quả các hoạt động nâng cao chất lượng dân số  (29/08/2008)
Hoàn thành xây dựng 85% số điểm trường lẻ  (29/08/2008)
Tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động  (29/08/2008)
Còn nhiều thách thức  (28/08/2008)