Ngày 13.8.1945, phát xít Nhật đầu hàng Hồng quân Liên Xô và phe đồng minh. Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc. Thời cơ cách mạng đã điểm. Tại Hội nghị Tân Trào ngay hôm đó, Trung ương Đảng ta ra lời hiệu triệu kêu gọi toàn Đảng “các đồng chí phải sáng suốt trong lãnh đạo và cương quyết hy sinh trong cuộc chiến đấu để giành độc lập cho Tổ quốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi toàn dân: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng lên, đem sức ta mà giải phóng cho ta. Chúng ta không được chậm trễ”. Lời hiệu triệu của Đảng và thư kêu gọi của Bác Hồ thổi bùng lên cao trào khởi nghĩa.
|
Ngày 2.9.1945 trên 50 vạn nhân dân thủ đô mít tinh tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu
|
Ngay tối 13.8.1945, nhận được tin Nhật đầu hàng, Ủy ban vận động Việt Minh tỉnh Bình Định họp khẩn cấp tại Ga Quy Nhơn nhận định: tình thế cách mạng đã xuất hiện, song việc chuẩn bị lực lượng chưa đầy đủ. Cho nên, một mặt phải nhanh chóng tập hợp lực lượng, cử người gặp Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh bàn kế hoạch phối hợp hành động. Mặt khác phải điều tra nắm thật chắc tình hình của địch. Tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng căn cứ vào chỉ thị ngày 12.3.1945 của Đảng, Hội nghị chủ trương: “Dù tình hình nào cũng phải kịp thời phát động quần chúng vùng lên giành chính quyền trước khi quân đồng minh đến địa phương”. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa (UBKN) và lập đội tự vệ cứu quốc tập trung. Ngày 18.8, UBKN của tỉnh được thành lập. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh lần lượt diễn ra trong bầu không khí sôi sục cách mạng.
Tại Quy Nhơn, tối ngày 21.8, UBKN quyết định kế hoạch chiếm thị xã tỉnh lỵ. Sáng ngày 23.8, hàng ngàn công nhân lao động và các tầng lớp quần chúng cờ giăng, trống thúc, rầm rập kéo về sân vận động Quy Nhơn. Trước hơn 10.000 người, đại biểu UBKN kêu gọi quần chúng nhất tề xông lên giành chính quyền. Ngay sau đó lực lượng quần chúng tại sân vận động Quy Nhơn có các đội tự vệ cứu quốc dẫn đầu chia thành 2 đoàn tiến chiếm các mục tiêu quan trọng: Dinh công sứ, Tòa đốc lý, rồi hợp điểm chiếm trại bảo an tỉnh. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời (NDCMLT) tỉnh Nguyễn Huệ ra đời.
Tại Bình Khê (Tây Sơn) ngày 22.8, UBKN Bình Khê huy động lực lượng tự vệ Đơlinhông tước vũ khí đơn vị tự vệ bảo an của Nhật. Ngày 24.8, hơn 3.000 quần chúng với lực lượng tự vệ cứu quốc dẫn đầu tiến chiếm huyện đường, buộc tri huyện Bình Khê giao chính quyền cho Việt Minh.
Tại Phù Mỹ, ngày 22.8, Việt Minh phía bắc huyện huy động nhân dân liên tổng biểu tình. Việt Minh phía nam huyện lập UBKN. Chiều ngày 24.8, gần 3.000 quần chúng với vũ khí thô sơ kéo về phủ đường tịch thu sổ sách, ấn tín, thành lập Ủy ban NDCMLT huyện Phù Mỹ.
Tại Hoài Ân, ngày 24.8 lực lượng vũ trang của huyện đột nhập huyện đường buộc tri huyện giao ấn tín và chính quyền cho Việt Minh. Ngày 26.8, Ủy ban NDCMLT huyện ra mắt tại cuộc mít tinh có hơn 3.000 đồng bào tham dự.
Tại Tuy Phước, chiều ngày 22.8 Ủy ban vận động Việt Minh huy động quần chúng yêu nước chiếm phủ lỵ Tuy Phước, bắt tên tri phủ. Tối ngày 26.8, UBKN được thành lập phát động quần chúng giành chính quyền ở làng, xã. Chiều ngày 3.9 Ủy ban NDCMLT huyện được thành lập.
Tại An Nhơn, ngày 22 và 23.8, Việt Minh thị trấn Bình Định và trại canh nông huy động lực lượng tham gia các cuộc biểu tình cùng nhân dân Tuy Phước, Quy Nhơn chiếm phủ lỵ Tuy Phước và tỉnh lỵ Quy Nhơn. Ngày 25.8, Việt Minh An Nhơn chiếm phủ đường, buộc tri phủ giao ấn tín, vũ khí. Từ ngày 26-29.8 các xã lần lượt giành được chính quyền. Ngày 3.9, Ủy ban NDCMLT huyện được thành lập ra mắt tại cuộc mít tinh ở sân vận động thị trấn Bình Định với hơn 4.000 quần chúng tham dự.
Tại Hoài Nhơn nơi có phong trào Việt Minh mạnh, từ ngày 21.8 chính quyền bù nhìn ở các xã tan rã, bọn tổng lý tìm cán bộ Việt Minh giao bằng, triện. Ngày 29.8 tại sân vận động Bồng Sơn, hơn 5.000 quần chúng tham gia mít tinh thành lập Ủy ban NDCMLT huyện Hoài Nhơn.
Tại Phù Cát, ngày 24.8, nhân dân phía bắc huyện biểu tình thị uy, tịch thu bằng, triện, sổ sách của bọn tổng lý. Từ ngày 27-30.8 quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở các xã. Ngày 31.8 gần 1.000 quần chúng yêu nước do đội tự vệ sắt dẫn đầu đã chiếm huyện đường buộc tri huyện giao chính quyền cho Việt Minh. Chiều ngày 3.9, tại sân vận động An Hành (thị trấn Ngô Mây hiện nay) hơn 3.000 đồng bào tham gia cuộc mít tinh thành lập Ủy ban NDCMLT huyện Phù Cát.
Sau hơn một tuần lễ từ ngày 23.8 đến ngày 31.8.1945 nhân dân Bình Định đã vùng lên giành chính quyền trong toàn tỉnh thắng lợi. Trước cơn bão táp cách mạng của quần chúng, bộ máy chính quyền của đế quốc, thực dân, phong kiến sụp đổ hoàn toàn.
Đảng bộ và nhân dân Bình Định vô cùng tự hào đã góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử - giành chính quyền về tay nhân dân, xóa bỏ vĩnh viễn ách thống trị của đế quốc, thực dân, phong kiến.
Cách mạng Tháng Tám là một trong những thắng lợi lớn nhất của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước rất hào hùng của nhân dân Việt Nam, là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đối với Bình Định thắng lợi trọng đại này không chỉ là thành quả của chặng đường 15 năm đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, nhưng rất vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân mà còn là thành tựu to lớn trong mấy thập kỷ đấu tranh từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta của các chiến sĩ yêu nước Bình Định, hết lớp này đến lớp khác, kiên cường đứng lên chống đế quốc và tay sai giành độc lập cho Tổ quốc và tự do cho nhân dân...
|