Năm học 2007- 2008 là năm học thứ 2 thực hiện cuộc vận động “2 không” với 4 nội dung (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với học sinh (HS) ngồi nhầm lớp và vi phạm đạo đức nhà giáo) của ngành GD- ĐT. Qua đó, chất lượng giáo dục đã thực chất hơn, đào tạo “mũi nhọn” có sự phát triển và các điều kiện phục vụ cho dạy và học đã được tăng cường…
|
Ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT trao bằng khen cho các GV đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh (giải Nhì) năm học 2007-2008. Ảnh: N.Q
|
* “Chất” được nâng lên
Đến năm học 2007- 2008, toàn tỉnh đã có 181 trường mầm non (39 trường công lập, 70 trường bán công, 60 trường dân lập và 12 trường tư thục), 242 trường tiểu học, 133 trường THCS và 49 trường THPT (34 trường công lập, 14 trường công lập tự chủ, 1 trường tư thục), 8 trung tâm GDTX-HN, 2 trường cao đẳng, 2 trường TCCN, 1 trung tâm ngoại ngữ và 9 cơ sở tin học tư thục. Toàn tỉnh có trên 375 ngàn học sinh (HS) các cấp, giảm hơn so với năm học trước 14.853 HS chủ yếu là ở bậc tiểu học và THCS.
Chất lượng giáo dục mầm non được giữ vững và có mặt tiến bộ nhờ thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non theo hướng tích hợp các nội dung chăm sóc giáo dục theo chủ đề, tăng cường các hoạt động cho trẻ. Tỉ lệ cháu được theo dõi bằng biểu đồ tăng trưởng đạt 98,7%; tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 7,1%.
Bậc mầm non có 94,8% số GV đạt chuẩn, trong đó có 15% GV trên chuẩn; bậc tiểu học có 96% số GV đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn có 45%; bậc THCS có 52% số GV trên chuẩn trong số gần 99% số GV đạt chuẩn; THPT có 99,8% GV đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn có 1,2%... |
Đối với giáo dục tiểu học, ngành đã triển khai giảm tải nội dung, chương trình SGK sát với hoàn cảnh và trình độ HS ở địa phương. Toàn tỉnh đã có 127 trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày với 826 lớp, 25.072 HS, chiếm tỉ lệ 52,4% số trường tiểu học trong tỉnh. Giáo dục THPT cũng có nhiều biện pháp tích cực và đồng bộ để nâng cao chất lượng như tăng cường thanh kiểm tra giáo viên (GV) thực hiện quy chế chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách ra đề thi. Tỉ lệ HS được công nhận tốt nghiệp THCS đạt 98,3%; tốt nghiệp THPT đạt 82,2% (cao hơn năm ngoái là 71,37%).
* Thêm nhiều nguồn lực
Năm học 2007- 2008, ngành GD-ĐT đã xây dựng thêm được 207 phòng học, cải tạo sửa chữa 96 phòng học với tổng kinh phí gần 37,4 tỉ đồng. Toàn tỉnh hiện có 144 trường đạt chuẩn quốc gia (5 trường mầm non, 88 trường tiểu học, 49 trường THCS và 2 trường THPT); 252 thư viện đạt chuẩn quốc gia. Sở GD- ĐT đã trang bị thêm 1.000 máy tính, 50 máy chiếu đa năng, 13 máy in phục vụ đề án giảng dạy và đưa tin học vào nhà trường với tổng kinh phí 10,3 tỉ đồng. Dự án Chăm sóc và giáo dục mầm non do Chính phủ New Zealand tài trợ đang được triển khai đã và sẽ tiếp tục bổ sung cho ngành 109 phòng học mẫu giáo tại 58 xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Tỉ lệ HS tiểu học được xếp loại học lực giỏi đạt 39,5%, khá 38,5%, trung bình: 18,6%, yếu: 3,4% (tiếng Việt) và 32% giỏi, 43,4% khá, 20,9% trung bình, 3,7% yếu đối với môn Toán. Bậc THCS có 10% HS đạt học lực giỏi, 32,2% khá, 47% trung bình, 10,4% yếu, 0,27% kém; bậc THPT có 1,08% số HS giỏi, 21,7% khá, 59,4% trung bình, 17,5% yếu và 0,26% kém. |
Phong trào phấn đấu trở thành GV dạy giỏi sôi nổi, rộng khắp trong tất cả các ngành học, cấp học. Kết quả, có 33 GV tiểu học và 39 GV THCS được công nhận GV dạy giỏi cấp tỉnh. Đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được chuẩn hóa và trên chuẩn. Đánh giá về thực hiện nhiệm vụ năm học 2007- 2008, ông Cao Văn Bình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Chất lượng giáo dục đã được đánh giá đúng thực chất hơn, công tác quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến ở một số lĩnh vực, đã ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, chạy theo thành tích, thiếu kỷ cương trong giáo dục… Tuy nhiên, ngành GD-ĐT còn bộc lộ nhiều khó khăn như chất lượng giáo dục toàn diện vẫn còn thấp so với yêu cầu; một bộ phận GV chưa thay đổi trong phương pháp giảng dạy; tình hình HS THPT bỏ học đang có chiều hướng tăng; công tác phổ cập GD bậc trung học chưa đạt tiến độ… vẫn đặt ra những thách thức đối với ngành GD-ĐT trước thềm năm học mới”.
|