CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN VSATTP:
Vẫn loay hoay…
8:16', 4/9/ 2008 (GMT+7)

Đầu năm 2007, Bình Định bắt đầu triển khai thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (giấy chứng nhận VSATTP) theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT ngày 9.3.2006 của Bộ Y tế. Đây là “công cụ” để các cơ quan chức năng quản lý triệt để vấn đề VSATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Nhưng sau 2 năm, chỉ có 14,6% cơ sở có trong tay tờ giấy này.

 

Kiểm tra VSATTP tại một cơ sở. Ảnh: T.Hiền

 

* Chủ cơ sở... không biết (?)

Cuối tháng 7.2008, trong đợt kiểm tra VSATTP phục vụ Festival Tây Sơn-Bình Định, khi đoàn thanh tra liên ngành tỉnh yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận VSATTP thì hầu hết các cơ sở hải sản trên đường Trần Độc (TP Quy Nhơn) không có.  

Bà Ngàn, chủ một cơ sở ở khu vực này, cho biết, nhân viên của quán có khám sức khỏe, tập huấn kiến thức về VSATTP (bản thân bà cũng có) nhưng lại… không biết có giấy chứng nhận VSATTP (?). Đây cũng là lý do được nhiều chủ cơ sở đưa ra “đối phó” mỗi khi đoàn thanh tra hỏi đến. Thậm chí, có nhiều nhà hàng quy mô lớn, có đầy đủ giấy tờ thủ tục lớn, nhỏ nhưng vẫn một mực không biết tờ giấy này lấy từ đâu, có tác dụng gì(?).

Một thành viên của đoàn thanh tra cho rằng, đây chỉ là lý do mà các chủ cơ sở đưa ra để “bao biện”. Bởi việc hướng dẫn thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận VSATTP cho các cơ sở là một bài giảng trong khóa tập huấn kiến thức. Nếu chủ cơ sở đã tham gia tập huấn thì nhất thiết cũng phải biết quy định này.

* Cơ quan chức năng... loay hoay

Trong khi chủ cơ sở thờ ơ thì cơ quan chức năng vẫn loay hoay với chủ trương cấp giấy chứng nhận VSATTP.  Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, cho biết: “Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay, việc cấp giấy chứng nhận VSATTP vẫn còn hạn chế”.

Có rất nhiều vướng mắc để lý giải tình trạng này: một số địa phương chưa chỉ đạo kiên quyết, đặc biệt ở cấp xã, phường mức độ quan tâm của các cấp chính quyền chưa cao; nhận thức của một bộ phận chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến sản phẩm còn hạn chế, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, hoặc cơ sở thức ăn đường phố; lực lượng thanh tra xử lý VSATTP mỏng; điều kiện cơ sở so với các tiêu chuẩn quy định còn quá thấp…

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới có 1.106/7.546 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VSATTP, chiếm tỉ lệ 14,6%. Trong đó, tuyến tỉnh cấp được 88/207 cơ sở, tỉ lệ 42,5%; tuyến huyện 485/2.215 cơ sở, tỉ lệ 21,9%; tuyến xã 533/5.125 cơ sở, tỉ lệ 10,4%. Chỉ có 3/11 huyện, thành phố triển khai được việc cấp giấy chứng nhận VSATTP là TP Quy Nhơn, An Nhơn và Hoài Nhơn.

Theo quy định, ngoài các giấy tờ mang tính thủ tục, các cơ sở phải đảm bảo các tiêu chuẩn khác để được xét cấp giấy chứng nhận VSATTP, bao gồm: cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ chế biến, con người. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, các điều kiện nói trên có phần khập khiễng so với thực tế. Nếu cứ chiếu theo các quy định này thì việc cấp giấy chứng nhận VSATTP cho các cơ sở thực phẩm không khả quan.

Đó là hiện nay, phần lớn cơ sở đều sản xuất theo quy mô hộ gia đình nên rất khó đạt các quy định để được cấp giấy chứng nhận. Đơn giản nhất là khâu khám sức khỏe cũng rất khó khăn. Theo đó, người trực tiếp chế biến thực phẩm phải thực hiện rất nhiều loại xét nghiệm: xét nghiệm vi khuẩn lao, viêm gan A, nuôi cấy vi trùng đường ruột để phát hiện các loại ký sinh đường ruột… Các xét nghiệm này được làm hằng năm, hay 6 tháng/lần đối với cơ sở chế biến thực phẩm ăn liền. Đối với các cơ sở nhỏ lẻ, việc cùng lúc bỏ ra vài trăm ngàn đồng cho một người lao động khám sức khỏe là không khả thi trong điều kiện của họ.

* Xử phạt: Khó khả thi

Thủ tục để được cấp giấy chứng nhận VSATTP của một cơ sở phải đảm bảo 6 tiêu chí: đơn đề nghị, giấy đăng ký kinh doanh (nếu có), bản thuyết minh cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, bản cam kết đảm bảo VSATTP, giấy chứng nhận đủ sức khỏe và giấy chứng nhận đã tham gia các lớp tập huấn kiến thức. Phần thủ tục này được áp dụng chung cho tất cả các cơ sở. Sau 2 lần thẩm định, nếu cơ sở vẫn không đạt thì cơ quan chức năng có quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở này. Nhưng thực tế, chưa có cơ sở nào bị đình chỉ hoạt động mà vẫn được tạo điều kiện để chỉnh sửa lại.

Những cơ sở có quy mô càng nhỏ thì nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng càng cao. Tuy nhiên, mức xử phạt 10-15 triệu đồng áp dụng chung cho tất cả cơ sở không có giấy chứng nhận VSATTP là không khả thi và rất khó áp dụng với các cơ sở thức ăn đường phố, bởi hầu hết đều rơi vào đối tượng nghèo, ít vốn.

Vì thế, việc tìm kiếm một giải pháp quản lý phù hợp với từng loại hình cơ sở thực phẩm rất cần thiết trong thời điểm này để bảo đảm chất lượng VSATTP.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thêm nhiều thị trường xuất khẩu lao động mới  (04/09/2008)
Ra quân phát động Tháng An toàn giao thông  (04/09/2008)
Suy nghĩ về ngày khai giảng  (03/09/2008)
Cụ thể hóa những quy định về bảo vệ quyền lợi người lao động  (03/09/2008)
Tổ chức Partage Việt Nam tặng học bổng cho học sinh nghèo học giỏi  (03/09/2008)
"Anh chị Pháp" với trẻ làng phong   (02/09/2008)
Thăm, tặng quà cho các đơn vị và gia đình chính sách, hộ nghèo ở Nhơn Châu  (02/09/2008)
Tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo  (02/09/2008)
Chất lượng đã... “thực chất” hơn!  (02/09/2008)
Cám ơn tiếp sức!  (02/09/2008)
Thương lắm mẹ Vừng!  (02/09/2008)
Kịp thời cứu sống một ngư dân bị bệnh hiểm nghèo trên biển  (02/09/2008)
Sục sôi những ngày tháng Tám lịch sử ở Bình Định  (02/09/2008)
BTV tăng thời lượng phát sóng phim truyện   (01/09/2008)
Công chiếu phim về Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh   (01/09/2008)