Năm 2008, để thực hiện mục tiêu giảm từ 1,5 - 2% số hộ nghèo, huyện An Nhơn đã đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN).
|
Các làng nghề truyền thống ở An Nhơn đã tạo được nhiều việc làm cho người lao động, giúp họ có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Lưu
|
* Trao… “cần câu” cho hộ nghèo
Theo số liệu điều tra năm 2007, trên địa bàn huyện An Nhơn còn 2.880 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,69% (theo tiêu chí mới). Trong đó, 216 hộ dân có nhà vách đất, nền đất, mái tôn đã xuống cấp nghiêm trọng có thể bị sập bất cứ lúc nào…
Gia đình ôâng Nguyễn Ngọc Ánh, 56 tuổi, ở xóm 3, thôn Tân Dương, xã Nhơn An trước đây rất nghèo. Để nuôi 4 con ăn học, ông đã phải lên Tây Nguyên làm nghề xây dựng, còn vợ bán bánh mì tại chợ An Thái, xã Nhơn Phúc. Được vay vốn XĐGN, vợ chồng ông đã xây dựng hơn 400m2 hồ trong vườn nhà để nuôi cá lóc, cá bống tượng, cá rô phi đơn tính, ba ba và chình. Mỗi năm, gia đình ông Ánh lãi khoảng 50 triệu đồng từ việc thu hoạch cá và thoát được nghèo, kinh tế dần ổn định, có của ăn của để.
Để XĐGN có hiệu quả bền vững, huyện An Nhơn đã thực hiện phương châm trao cho các hộ nghèo “cần câu” để họ tự câu cho mình những “con cá” cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế qua tạo việc làm. Từ đầu năm 2008 đến nay, đã có 3.142 lao động nông thôn có được việc làm (1.807 người là lao động trong tỉnh và 1.223 người lao động ngoài tỉnh. Trong đó, có 112 người có việc làm ổn định) từ các “Phiên giao dịch việc làm” được tổ chức tại các địa phương.
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề cũng được ngành chức năng ở An Nhơn quan tâm đặc biệt. Từ đầu năm đến nay, huyện đã mở được 14 lớp hướng nghiệp dạy nghề cho 350 lượt người tham gia; 10 lớp tập huấn kỹ năng sản xuất nông nghiệp với hơn 700 lượt nông dân tham gia. Sau những lớp tập huấn, nông dân đã được cán bộ khuyến nông “sát cánh” để hướng dẫn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả. Các hộ nghèo luôn được tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn từ các dự án tín dụng ưu đãi, giải quyết việc làm…
|
Ông Nguyễn Ngọc Ánh bên hồ cá rô phi. Ảnh: Vũ Đình Thung
|
* Giảm nghèo bền vững
Ông Lê Hoàng Long- Phó Chủ tịch UBND huyện An Nhơn, cho biết: “Huyện đã đặt mục tiêu phải tạo điều kiện cho hộ nghèo có thu nhập ổn định để từng bước cải thiện cuộc sống, không tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới”. Để thực hiện mục tiêu đó, ngoài đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, xây dựng thêm các cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống để tạo việc làm cho người lao động, An Nhơn còn thực hiện chính sách xã hội đối với người nghèo. Để hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, ngoài nguồn kinh phí của tỉnh là 7 triệu đồng/nhà, huyện còn huy động các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ thêm mỗi căn nhà 3 triệu đồng.
Công tác XĐGN ở huyện An Nhơn còn được triển khai xuống cộng đồng dân cư. Mỗi công dân đều cảm thấy có trách nhiệm trong việc tạo điều kiện giúp đỡ những hộ đói, nghèo trong tinh thần tương thân tương ái nhằm phần nào giúp họ vượt qua khó khăn. Ông Bùi Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, cho biết: Đối với những hộ nghèo trong xã, chúng tôi luôn khuyến khích họ tìm tòi, học hỏi cách làm ăn của những hộ nông dân sản xuất giỏi trong địa phương. UBND xã còn tạo điều kiện cho họ vay vốn theo hình thức tín chấp và tổ chức tập huấn để mở ra cho họ hướng làm ăn. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn ngày càng giảm. Nếu như năm 2006, Nhơn An giảm được 2,32% số hộ nghèo thì năm 2007 giảm được 3,06% số hộ nghèo.
|