Hân hoan ngày hội khai trường
6:46', 5/9/ 2008 (GMT+7)

Sáng nay, ngày 5.9, cùng với cả nước, hơn 370 ngàn học sinh (HS) và 18 ngàn cán bộ, giáo viên (GV) ngành GD- ĐT tỉnh đã hân hoan đón chào khai giảng năm học mới 2008 - 2009. Năm học có chủ đề: “Ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”.

 

Đồng chí Vũ Hoàng Hà trao phần thưởng cho những HS xuất sắc Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: T.Hiền

 

* Rộn ràng ngày hội

Từ ngày hôm qua, nhiều trường mầm non, phổ thông trong tỉnh đã tổ chức khai giảng sớm. Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đồng chí Vũ Hoàng Hà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến chung vui cùng với thầy trò nhà trường. Năm học vừa qua, ngôi trường “mũi nhọn” này của tỉnh đã tiếp tục gặt hái nhiều thành tích rất đáng tự hào với 99,7% số HS được xếp loại học lực loại khá, giỏi; 100% số HS tốt nghiệp THPT với tỉ lệ khá, giỏi lên đến 56,7%. Trường có 148 HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh, trong đó có 12 giải nhất; 23 giải HS giỏi quốc gia, 44 huy chương Olympic 30/4; 90,2% số HS lớp 12 năm học 2007-2008 thi đậu đại học (nguyện vọng 1).

Phát biểu tại lễ khai giảng, đồng chí Vũ Hoàng Hà đã nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà thầy và trò nhà trường đã đạt được trong năm học vừa qua. Đồng thời, đề nghị trường tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2008 - 2009. Là trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh, nhà trường cần tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ GV, chất lượng GD và cơ sở vật chất nhằm bồi dưỡng HS giỏi, tạo nguồn cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH tỉnh nhà.

Với vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị - xã hội của tỉnh, TP Quy Nhơn đã có nhiều sự quan tâm, đầu tư cho GD-ĐT. Sáng hôm qua, TP cũng đã chọn 3 trường điểm (Mầm non 2/9, Tiểu học Lý Thường Kiệt và THCS Lê Hồng Phong) để tổ chức khai giảng sớm. Là một trong số ít trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn 2) của tỉnh, Trường tiểu học Lý Thường Kiệt đã luôn được lãnh đạo ngành, địa phương và phụ huynh HS quan tâm, chăm lo. Năm học vừa qua, trường đã tạo ra được mặt bằng chất lượng GD đại trà vững chắc, trong đó, có 26 HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh và 5 HS đạt giải cấp TP. Rất nhiều HS đã đạt giải trong các Hội thi Họa, Kể chuyện, Tiếng hát Hoa phượng đỏ, Hội khỏe Phù Đổng, Tin học các cấp… Trong “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” năm học 2008 - 2009, thầy trò nhà trường quyết tâm thực hiện tốt các cuộc vận động “Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”…

Năm nay, HS huyện Tuy Phước đã đến trường sớm hơn mọi năm. Ngay từ 12.8 HS THCS và ngày 18.8, HS tiểu học của huyện đã đến trường và ngày mai, hầu hết các trường cũng sẽ đồng loạt khai giảng. Ông Trần Hữu Tường, Trưởng phòng GD- ĐT huyện cho biết: “Năm nào huyện cũng tổ chức dạy và học trước 1-2 tuần so với các địa phương khác để tránh lũ”. Cũng như nhiều địa phương khác, việc đầu tư xây dựng trường lớp phục vụ năm học mới của huyện Tuy Phước có chậm hơn so với mọi năm do giá vật liệu xây dựng biến động. Vậy nên, trong tháng 9 này, huyện mới bắt đầu giao mặt bằng thi công 70 phòng học cho 9 trường phổ thông. Tuy vậy, ngoài Trường THCS số 2 Phước Sơn sẽ phải mượn 1 cụm trường của Trường tiểu học số 2 Phước Sơn để học tạm, các trường có kế hoạch xây dựng khác vẫn có thể khắc phục được để đảm bảo tổ chức việc dạy và học cho HS. “Tuy Phước sẽ không có tình trạng HS phải học ca ba” - ông Tường đã khẳng định chắc nịch như vậy trước ngày khai giảng năm học mới.

 

Ông Phạm Quang Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đánh trống khai trường năm học 2008-2009. Ảnh: T.Hiền

 

Không khí khai trường cũng đang rộn rã tại các huyện miền núi, các vùng dân cư khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Để đón năm học mới, ngành GD-ĐT huyện An Lão đã xây dựng thêm 28 phòng học cho HS mẫu giáo, tiểu học, THCS. Trường THCS An Hòa cũng đang được đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển của HS. Đặc biệt, với 3 trường mẫu giáo mới được xây dựng và thành lập (An Nghĩa, An Toàn, An Vinh) và 6 điểm trường lẻ, 1 điểm trường mẫu giáo chính được dự án “Chăm sóc GD mầm non” đầu tư, An Lão đã có thể tuyên bố phủ kín lớp mẫu giáo tại tất cả các thôn vùng cao xa xôi. “Đây cũng là năm học đầu tiên, huyện có thể huy động cả trẻ 3 tuổi vào mẫu giáo (trước đây, huyện chỉ huy động được trẻ từ 4-5 tuổi)” - ông Trương Tứ, Trưởng phòng GD-ĐT huyện An Lão cho biết. An Lão có 1/2 số HS là người dân tộc thiểu số sống ở các thôn vùng cao. Đa số HS người dân tộc thiểu số đến trường chưa có quần áo mới, giày dép mới nhưng được sự quan tâm, ưu ái của Nhà nước, của tỉnh, các em đã được hỗ trợ sách giáo khoa, vở, sinh hoạt phí (theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị); HS nội trú, bán trú được tỉnh hỗ trợ tiền ăn. Năm học này, tỉnh cũng đã xây dựng thêm 4 phòng ở nội trú cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung Hưng và hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng khu nội trú cho HS Trường THPT An Lão số 2, trước đây HS phải cất lều quanh trường để học. Mục tiêu mà ngành GD-ĐT An Lão đặt ra cho năm học này là: “Tập trung khắc phục tình trạng HS bỏ học; tăng cường cơ sở vật chất để xây dựng thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn 1 và giai đoạn 2); phấn đấu 3/10 xã, thị trấn hoàn thành phổ cập bậc trung học”.

Cũng như An Lão, HS người dân tộc thiểu số huyện Hoài Ân năm nay có thêm niềm vui được có trường mới. Ông Trần Văn Thơm, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hoài Ân cho biết: “Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hoài Ân được thành lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho HS người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao của huyện có một môi trường học tập thuận lợi, hạn chế HS bỏ học và ngành cũng sẽ thực hiện được tốt hơn nhiệm vụ nâng cao dân trí, phổ cập GD THCS”. Ngoài được thành lập thêm Trường Phổ thông dân tộc nội trú, năm nay, Hoài Ân đã chủ động đầu tư và hoàn thành xây dựng 44 phòng học mới mang lại sự khởi sắc cho gương mặt trường, lớp ở huyện. Ông Thơm cho biết thêm: “Hoài Ân có đội ngũ GV ổn định với tỉ lệ vượt chuẩn đào tạo khá cao (mầm non trên 15%; tiểu học 80% và THCS 70%) đảm bảo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học”.

 

HS lớp 1 hân hoan trong ngày khai giảng. Ảnh: Q.H

 

* Những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới

Năm học 2008- 2009, toàn tỉnh có khoảng trên 370 ngàn HS các cấp bước vào năm học mới. HS tiểu học và THCS sẽ tiếp tục giảm, HS THPT có xu hướng tăng lên. Ngoài 181 trường mầm non, 242 trường tiểu học, 133 trường THCS và 49 trường THPT. Năm học này, ngành GD-ĐT đã thành lập thêm nhiều trường mới như: THPT Vân Canh, PTDTNT Hoài Ân, THCS bán trú Canh Thuận (Vân Canh) và tiếp tục xây dựng các trường THCS, THPT để hoàn thành việc tách mô hình trường 2 cấp (cấp THCS và THPT) như Nhơn Phong (An Nhơn), Nguyễn Trân (Hoài Nhơn), Cát Hưng (Phù Cát)… Đầu tư mua sắm bàn ghế HS, GV, bảng chống lóa… với tổng kinh phí khoảng 44 tỉ đồng (chỉ riêng khối các trường THPT và trực thuộc Sở GD-ĐT). Ngoài ra, ngành còn đầu tư 2,5 tỉ đồng mua sắm thêm máy tính, máy in… phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các trường THPT. Năm học mới, ngành cũng đang tuyển thêm 336 GV (288 GV THPT và 48 GV THCS) cho các trường THPT, PTTH…

Nói về nhiệm vụ năm học mới, ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Ngành sẽ tiếp tục thực hiện 3 cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD; mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; đồng thời, tiếp tục giữ vững thành quả phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS, tiến hành phổ cập GD bậc trung học; tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp GD (đặc biệt là các môn Văn, Sử, Địa, GD công dân); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học; khắc phục lối dạy thầy đọc, trò chép, hướng dẫn HS cách tự học. Nâng cao năng lực của hệ thống quản lý GV, đổi mới quản lý tài chính, huy động các nguồn lực để phát triển GD; phát triển mạng lưới trường, lớp theo yêu cầu phổ cập GD, củng cố tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị GD và SGK theo quy định đạt chuẩn quốc gia. Chăm lo và đầu tư cho sự phát triển đội ngũ GV và cán bộ quản lý GD…”.

Tiếng trống khai trường đã rộn rã khắp các nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, từ nơi khó khăn đến vùng thuận lợi. Phụ huynh HS và toàn xã hội luôn luôn kỳ vọng vào sự đột phá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả GD của ngành GD-ĐT trước mỗi năm học mới.

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp sức đến trường cho 2 sinh viên nghèo học giỏi  (04/09/2008)
Triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động cơ quan hành chính nhà nước  (04/09/2008)
Đầu tư 2,5 tỉ đồng cho ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường  (04/09/2008)
Xóa đói giảm nghèo ở An Nhơn  (04/09/2008)
Vẫn loay hoay…  (04/09/2008)
Thêm nhiều thị trường xuất khẩu lao động mới  (04/09/2008)
Ra quân phát động Tháng An toàn giao thông  (04/09/2008)
Suy nghĩ về ngày khai giảng  (03/09/2008)
Cụ thể hóa những quy định về bảo vệ quyền lợi người lao động  (03/09/2008)
Tổ chức Partage Việt Nam tặng học bổng cho học sinh nghèo học giỏi  (03/09/2008)
"Anh chị Pháp" với trẻ làng phong   (02/09/2008)
Thăm, tặng quà cho các đơn vị và gia đình chính sách, hộ nghèo ở Nhơn Châu  (02/09/2008)
Tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo  (02/09/2008)
Chất lượng đã... “thực chất” hơn!  (02/09/2008)
Cám ơn tiếp sức!  (02/09/2008)