Năm học mới đã bắt đầu với sự kỳ vọng của toàn xã hội về sự cải thiện chất lượng giáo dục, điều kiện dạy và học, chương trình và SGK… Ngành Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh ta sẽ có những giải pháp khả thi gì để tạo nên bước đột phá đáp ứng yêu cầu của mọi người, mọi nhà? Trong không khí hân hoan của ngày khai trường năm học 2008-2009, ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT, đã có cuộc trò chuyện cởi mở với báo Bình Định.
|
HS tiểu học đang được toàn xã hội quan tâm, chăm lo.
- Trong ảnh: HS lớp 1 Trường TH Lý Thường Kiệt (TP. Quy Nhơn) hân hoan trong ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Ảnh: Q.H |
° Thưa ông, chủ đề của năm học 2008-2009 là “ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh (HS) tích cực”. Những vấn đề này tuy không mới nhưng khi đã đặt ra thành vấn đề trọng tâm thì lại là rất mới?
- Đúng vậy! Chân lý thì cũ nhưng vẫn luôn luôn mới. Mục tiêu của GD-ĐT là giáo dục toàn diện nhằm hoàn thiện nhân cách, giúp HS có thể phát huy tối đa về trí lực, thể lực và năng lực cảm thụ chân-thiện-mỹ. Bên cạnh những yêu cầu về chất lượng dạy và học, những vấn đề mà năm học 2008-2009 hướng tới cũng không nằm ngoài việc giáo dục toàn diện cho HS theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục sẽ được thực hiện bằng việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin trong ngành GD-ĐT: kết nối internet, nối mạng edu.net, phát triển hệ thống email; ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông để phục vụ đổi mới công tác dạy và học, đổi mới phương pháp dạy và học thông qua việc triển khai công nghệ E-Learning, phát triển nội dung thông tin số về giáo dục, phát triển học liệu đa phương tiện; tăng cường giao lưu trao đổi bài soạn qua mạng giữa các giáo viên. Xây dựng, khai thác và sử dụng ngân hàng bài giảng điện tử, ngân hàng đề thi. Tích cực khai thác, sử dụng và dạy học bằng phần mềm mã nguồn mở, tăng cường sử dụng các phần mềm để mô phỏng các thí nghiệm nhỏ, đơn giản…
Đổi mới quản lý tài chính sẽ là thực hiện từng bước cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho các trường THPT và trực thuộc theo hướng lập kế hoạch và giao trần ngân sách trung hạn (3 năm). Thực hiện phân cấp quản lý tài chính cho các cơ sở giáo dục nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản của các cơ sở giáo dục. Thực hiện “3 công khai” trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập để người học và xã hội giám sát, đánh giá, đó là: công khai về chất lượng đào tạo; công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; công khai thu chi tài chính. Và, “4 kiểm tra”: về phân bổ và sử dụng ngân sách, việc thu và sử dụng học phí trong nhà trường, việc sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức cho nhà trường, việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
Đối với phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, cán bộ quản lý giáo dục và các thầy cô giáo cần nắm được 5 nội dung chủ yếu: xây dựng trường, lớp xanh - sạch - đẹp - an toàn; dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của HS ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập; rèn luyện kỹ năng sống cho HS; tổ chức các hoạt động tập thể vui chơi, lành mạnh; HS tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa cách mạng ở địa phương. Để thực hiện, các nhà trường phải giải quyết dứt điểm 3 vấn đề: mỗi nhà trường đều có nhà vệ sinh và tổ chức HS làm vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên; mỗi trường phổ thông đều nhận chăm sóc và phát huy một di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng; lựa chọn và đưa vào trường học các trò chơi dân gian hoặc hoạt động vui chơi tích cực. Nói một cách ngắn gọn, phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” được toàn ngành nỗ lực xây dựng thể hiện trong 23 chữ: “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học, kết quả ra kết quả”…
|
Năm học 2008-2009, ngành GD-ĐT phát động cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Ảnh: Q.H |
° 23 chữ nói ra thì đơn giản nhưng thực hiện được là cả một quá trình phấn đấu dài lâu. Chỉ riêng chuyện đầu tư cho dạy và học tin học trong nhà trường, nhiều năm qua, chúng ta vẫn còn đang loay hoay với điểm xuất phát vì thiếu tài lực?
- Trong năm học vừa qua, Sở GD- ĐT đã mua thêm được 1.000 máy tính, 50 máy in phục vụ cho đề án đưa tin học vào giảng dạy tại nhà trường với tổng kinh phí gần 10,3 tỉ đồng. Năm nay, ngành sẽ tiếp tục trang bị thêm cho các trường THPT, các trung tâm GDTX-HN máy tính, máy in, máy chiếu kỹ thuật số, màn hình, máy tính xách tay để thực hiện giáo án điện tử trong nhà trường. Kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin là 2,5 tỉ đồng… Đó đã là một sự cố gắng lớn của ngành, của tỉnh.
Cơ sở vật chất của ngành GD- ĐT những năm qua đã được đầu tư khá nhiều, hệ thống trường lớp ngày càng phát triển rộng khắp ở tất cả các khu vực dân cư, tạo điều kiện cho HS đến trường ngày càng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa các điều kiện phục vụ giáo dục thì vẫn còn là… “muối bỏ biển”. Một số trường học được xây dựng lâu năm, không đúng tiêu chuẩn quy định đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được xây dựng lại. Nhiều trường còn thiếu khu hiệu bộ, phòng bộ môn, thư viện, sân chơi, bãi tập, khu vệ sinh… mặt bằng chật hẹp, không đủ tiêu chuẩn để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Việc bảo quản và sử dụng các trang thiết bị, đồ dùng dạy học còn hạn chế. Tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước của mỗi địa phương, các trường và phụ huynh HS vẫn còn rất lớn…
° Ngành GD-ĐT được “sở hữu” số lượng tài sản hết sức khổng lồ và đối tượng phục vụ cũng rất lớn. Vậy nên, để chuẩn hóa, hiện đại hóa việc dạy và học đối với ngành vẫn đang và luôn là thách thức. Nếu chỉ dựa vào sự đầu tư của Nhà nước, chúng ta sẽ không đủ tài lực để phát triển giáo dục, còn “xã hội hóa” giáo dục thì đang được thực hiện rất chậm chạp, khó khăn?
|
Lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Quy Nhơn - trường tư thục đầu tiên và duy nhất ở bậc học THPT của tỉnh. Ảnh: Q.H |
- Trong những năm qua, ngành đã luôn đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 05 của Chính phủ và hiện tại là Nghị định 69 của Chính phủ (ngày 30.5.2008) về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề…; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức kinh tế - xã hội tham gia vào công tác chuyển đổi hoặc thành lập trường theo kế hoạch xã hội hóa giáo dục đã được phê duyệt; khuyến khích tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, khắc phục có hiệu quả tình trạng HS bỏ học; khuyến khích mọi đóng góp, sáng kiến nhằm huy động sức người, sức của phục vụ sự nghiệp GD-ĐT… Tuy nhiên, kết quả tư thục hóa các trường phổ thông, mầm non không như ý muốn, bởi khi thực hiện thì vướng về nguồn gốc đất đai, tài sản, cơ chế ưu đãi… Hơn nữa, các trường THPT bán công hầu hết đều nằm ở vùng không thuận lợi về kinh tế nên ít nhà đầu tư đặt vấn đề.
Năm học 2008-2009 tỉnh đã không còn trường THPT bán công vì tất cả đều được chuyển thành trường công lập tự chủ 100% kinh phí. Hiện tại, chỉ có một nhà đầu tư đặt vấn đề tiếp nhận 1 trường THPT tự chủ hoàn toàn ở TP Quy Nhơn để chuyển thành trường tư thục chất lượng cao. Sở đang xem xét đề án này cùng các sở, ngành có liên quan trước khi trình UBND tỉnh quyết định. Tháng 9.2008 này, Bộ GD&ĐT sẽ có lộ trình chuyển đổi cụ thể các loại hình trường mà mục tiêu hàng đầu là đảm bảo lợi ích của HS và giáo viên phải tốt hơn sau khi chuyển đổi. Để thực hiện tốt “xã hội hóa”, Sở khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm xây dựng mới trường học từ mầm non đến phổ thông, còn các địa phương (tỉnh, huyện) phải quy hoạch đất đai để phục vụ cho yêu cầu này.
° Nhân dịp năm học mới 2008- 2009, ngành GD-ĐT muốn gởi thông điệp gì đến tất cả các HS, các bậc phụ huynh HS và toàn xã hội?
- Đối với HS, các em phải biết ước mơ và phải hành động để thực hiện ước mơ. Bởi vì, ước mơ mà không hành động thì dù hy vọng có cánh cũng không đạt được mục đích. Đối với phụ huynh HS và toàn xã hội, chúng tôi mong có sự cộng đồng trách nhiệm cùng với ngành trong việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ. Bởi, “nếu vườn cây nhà mình không có quả hoặc ít quả thì đừng vội trách ánh mặt trời mà mỗi người hãy tự hỏi mình đã chăm sóc vườn cây đó đến đâu!”.
° Cám ơn ông!
|