Đến nay, dự án Chăm sóc và giáo dục mầm non (ECCE) do Chính phủ New Zealand tài trợ đã hoàn thành hầu hết việc xây dựng các điểm trường lẻ ở 58 xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Dự án hoàn thành sẽ cải thiện cơ sở vật chất trường, lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thu hút trẻ mầm non đến trường ở những nơi khó khăn, xa xôi nhất…
|
Chuyên gia của Dự án ECCE tập huấn chuyên môn cho giáo viên mầm non về sử dụng nguyên liệu phế thải làm đồ chơi cho cháu.
|
* Những lớp mầm non đạt chuẩn
Trước đây, không chỉ ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả những vùng nông thôn, thị trấn, thị tứ, hệ thống trường, lớp mẫu giáo vốn đã không đạt quy chuẩn, hầu hết lại xuống cấp nghiêm trọng do một thời gian dài làm “con đẻ” của các hợp tác xã (sau giao cho xã) nên ít được quan tâm, đầu tư. Với các điểm trường lẻ, trường chính thuộc dự án ECCE được xây dựng và đưa vào sử dụng, gương mặt giáo dục mầm non vùng khó khăn đã thật sự khởi sắc.
Huyện Vân Canh có 7 điểm trường thuộc dự án này đã được xây dựng xong như điểm trường thôn Bình Long (Canh Vinh), Canh Giao (Canh Hiệp), Suối Mây, Hiệp Hà (thị trấn Vân Canh), Kà Bông (Canh Liên), Kà Xim, Hà Văn Trên (Canh Thuận)… Mỗi điểm trường lẻ có 1-2 phòng học rộng khoảng 40 m2/ phòng và có hệ thống vệ sinh, nước sạch tại chỗ cho cô giáo và học sinh, kho chứa đồ… tất cả được ốp gạch men sạch sẽ. Ngoài nguồn đầu tư từ dự án (khoảng 200-250 triệu đồng/phòng học), huyện Vân Canh còn “đối ứng” xây dựng tường rào, cổng ngõ cho các điểm trường, tạo nên sự hoàn thiện, khang trang, sạch đẹp…
Đến nay, ngoài Vân Canh, các điểm trường mẫu giáo thuộc dự án ECCE của các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, An Nhơn, Phù Mỹ… cũng đều đã hoàn thành. Tại Vĩnh Thạnh, tuy các công trình được triển khai chậm nhưng tiến độ đã được đẩy nhanh hơn. Huyện còn huy động nhân dân tham gia ngày công, cùng phòng GD-ĐT làm tường rào, cổng ngõ… tạo ý thức cộng đồng trách nhiệm “nhà nước và nhân dân cùng chăm lo giáo dục mầm non”.
* Góp phần “phủ kín” lớp mẫu giáo
Bên cạnh các hoạt động truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, xây dựng đội ngũ cán bộ truyền thông viên cho các xã thụ hưởng dự án… việc đầu tư và hoàn thành các điểm trường mầm non ở 58 xã đặc biệt khó khăn đã đem lại sự khởi sắc cho giáo dục mầm non các huyện. Ông Trương Tứ, Trưởng phòng GD-ĐT huyện An Lão cho biết: “Cùng với sự đầu tư xây dựng phòng học mẫu giáo của dự án ECCE, năm học 2008-2009, huyện An Lão đã có thể “phủ kín” lớp mẫu giáo ở tất cả các thôn, làng vùng cao của huyện. Năm học này, huyện cũng đã huy động được cả học sinh 3 tuổi vào mẫu giáo”. Bà Đoàn Thị Trung Hiếu, Quản đốc dự án đánh giá: “Dự án hoàn chỉnh sẽ tạo cơ hội cho việc phát triển giáo dục mầm non nói chung, đặc biệt là đối với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Đem lại cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non cho các vùng khó khăn…”.
|
Điểm trường Hòa Mỹ - Bình Thuận (Tây Sơn). |
Dự án ECCE xây dựng 69 phòng học mẫu giáo tại các điểm trường lẻ và 11 điểm trường chính (từ 3- 4 phòng học, phòng hiệu bộ, bếp, phòng y tế, kho và nhà vệ sinh) cho 58 xã khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa của 11 huyện, thành phố trong tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 62 tỉ đồng (trong đó, 2,3 tỉ dành cho công tác truyền thông; 5 tỉ để trang bị đồ dùng, đồ chơi, còn lại là xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp). |
Đặc điểm của giáo dục mầm non là lớp học gắn với thôn, bản. Nhưng trước đây, do thiếu phòng học nên học sinh phải học nhờ nhà kho, nhà rông, trường tiểu học… Dự án đã giúp học sinh mẫu giáo ở những vùng này có lớp học riêng biệt đạt được tiêu chí tối thiểu. Qua tuyển sinh vào mẫu giáo năm học 2008-2009, các phòng GD-ĐT cho biết, tỉ lệ học sinh ra lớp ở các huyện miền núi, vùng cao đã cao hơn nhiều so với trước đây. Điều đó đã thể hiện sự tin tưởng của phụ huynh học sinh về những “lớp học ra lớp học” và chính sách, đường lối phát triển giáo dục mầm non của Đảng và nhà nước.
Hiện nay, mạng lưới trường lớp mầm non ở vùng sâu, vùng xa đã được rải đều, phù hợp nhu cầu phát triển giáo dục của địa phương. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới có 5 trường chuẩn quốc gia ở bậc học mầm non. Với 11 điểm trường được xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia, nếu tiếp tục đầu tư về giáo viên và chất lượng giáo dục thì số lượng trường chuẩn quốc gia ở bậc học mầm non sẽ tiếp tục được cải thiện.
Có trường, lớp đẹp, phù hợp chuẩn nhưng làm thế nào để phát huy hiệu quả sử dụng là một vấn đề cần đặt ra. Sau khi tiếp nhận trường, lớp mới, các địa phương phải huy động nhân dân cùng tham gia ủng hộ về nhân lực, vật lực để tiếp tục xây dựng tường rào cổng ngõ, cây xanh, đường điện và thực hiện việc bảo dưỡng, bảo quản mới có thể đem lại hiệu quả sử dụng lâu dài.
|