Doanh nghiệp “tiếp sức” cho người lao động
9:25', 11/9/ 2008 (GMT+7)

Tăng lương, bù trượt giá, tạo môi trường làm việc tốt… là những nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhằm tăng thêm thu nhập cho người lao động (NLĐ) và cũng là cách để giữ chân NLĐ.

 

Do giá cả tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã tăng lương, bù trượt giá để đảm bảo thu nhập cho NLĐ. - Trong ảnh: Công nhân của Công ty cổ phần May Bình Định đang làm việc. Ảnh: N.Phúc

 

* Bù trượt giá, tăng thu nhập

Từ đầu năm đến nay, tình hình giá cả tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến đời sống NLĐ, nhất là NLĐ có thu nhập thấp. Trước tình hình đó, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã cho tăng lương, bù trượt giá nhằm tăng thêm thu nhập cho NLĐ, giúp họ yên tâm làm việc.

Ông Lương Chương, Giám đốc Nhà máy may Phù Mỹ, cho biết, từ đầu năm 2008 đến nay, để đảm bảo đời sống cho công nhân lao động trong tình hình giá cả tăng cao, nhà máy đã điều chỉnh lương cho công nhân từ mức thu nhập bình quân 900 ngàn đồng lên 1,2 triệu đồng/người/tháng. Có tháng sản phẩm nhiều, năng suất cao, thu nhập của công nhân lên đến 2,8 triệu đồng/người/tháng, cá biệt có những công nhân thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Ban giám đốc Nhà máy còn ban hành chính sách hỗ trợ tiền xăng cho công nhân để bù vào giá xăng tăng cao với mức 4.000 đồng/người/ngày (kể cả công nhân đi làm bằng xe đạp), hỗ trợ tiền thuê phòng trọ cho công nhân ở xa với số tiền 50.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, nhà máy còn mua BHXH, BHYT đầy đủ cho hơn 500 công nhân.

Công ty cổ phần May Bình Định hiện đang có gần 1.800 công nhân làm việc, mỗi khi điều chỉnh tăng lương thì công ty phải mất thêm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2008 đến nay, công ty phải chấp nhận tăng lương cho công nhân. Ngoài ra, để khuyến khích, động viên công nhân và góp phần tăng thêm thu nhập cho công nhân, công ty tổ chức nhiều hình thức khen thưởng, như: thưởng công ty, thưởng xí nghiệp, thưởng năng suất, thưởng chuyên cần, thưởng an toàn lao động...; hàng tháng công ty còn chấm điểm để thưởng theo mức A, B, C.

Tính từ đầu năm 2008 đến nay, Công ty cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Tân Việt (Cụm công nghiệp Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), chuyên chế biến hạt điều xuất khẩu đã có 2 lần điều chỉnh tăng lương cho 400 công nhân của công ty. Nhờ đó mức thu nhập của công nhân thời điểm hiện nay đạt
1,7 triệu đồng/người/tháng. Công ty còn tăng tiền ăn ca cho công nhân từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng…

* Giữ chân NLĐ

Từ khi giá cả tăng cao, lương không tăng đã khiến nhiều công nhân phải từ bỏ công việc hiện tại để tìm một chỗ làm có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư trong các cụm công nghiệp ở các huyện cũng đang “hút” lao động, do đó các DN ở các KCN Phú Tài và Long Mỹ lao đao vì lao động bỏ việc.

Theo Ban giám đốc Công ty TNHH Bình Phú (KCN Phú Tài), từ khi giá cả tăng cao công ty đã 2 lần cho điều chỉnh tăng giá khoán sản phẩm để giữ chân NLĐ. Nếu công ty vẫn giữ như giá cũ thì NLĐ sẽ có sự so sánh với các DN khác và bỏ việc để tìm nơi có thu nhập cao hơn.

Ông Phan Hậu, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Tân Việt, tâm sự: “DN nào cũng đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, nhưng không vì thế mà không quan tâm đến đời sống NLĐ. Việc tăng lương, bù trượt giá trong thời buổi giá cả tăng cao là cách mà DN chấp nhận lợi nhuận giảm xuống để cùng chia sẻ khó khăn với NLĐ, giúp họ tăng thêm thu nhập, gắn bó lâu dài với DN”.

Bên cạnh có nhiều DN biết chia sẻ khó khăn với NLĐ, thì vẫn còn một số DN không có chính sách tăng lương, bù trượt giá, thậm chí môi trường làm việc không tốt dẫn đến NLĐ phải bỏ việc. Điển hình, ngày 3.9, toàn bộ 65 công nhân và Quản đốc xưởng của Công ty TNHH ESP-công ty 100% vốn của Úc, chuyên sản xuất các mặt hàng inox xuất khẩu (Cụm công nghiệp Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) đã đồng loạt nghỉ làm việc vì bất bình chính sách lao động, tiền lương của công ty. Theo các công nhân, mức lương mà công ty trả cho họ thấp, trung bình 1,3-1,4 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó công ty lại thường xuyên buộc công nhân làm tăng ca từ 1,5 - 2 ca/ngày, thậm chí 3 ca/ngày, nếu công nhân nào không chịu làm tăng ca thì công ty “dọa” cho nghỉ việc. Thời gian làm nhiều, lương thấp công nhân đã phản ánh lên Ban giám đốc công ty và công ty hứa nâng lương nhiều lần nhưng vẫn không thực hiện nên mới xảy ra tình trạng công nhân đồng loạt bỏ việc.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tái diễn vi phạm cũ  (11/09/2008)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Thanh tiếp xúc cử tri xã Nhơn Lý  (11/09/2008)
Bí thư Tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà tiếp xúc cử tri phường Bùi Thị Xuân  (11/09/2008)
Ly hôn kiểu "8X"  (10/09/2008)
Tưng bừng và khí thế  (10/09/2008)
Sẽ tổ chức Đêm Hội Trung thu tại Trung tâm VHTT tỉnh  (09/09/2008)
SCB Bình Định hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 50 ngôi nhà  (09/09/2008)
Khởi sắc giáo dục mầm non vùng cao  (09/09/2008)
Thăm, hỗ trợ cho gia đình có 2 con nhỏ thiệt mạng do cháy nhà  (08/09/2008)
Trao học bổng cho học sinh đậu đại học  (08/09/2008)
Để việc học tập nghị quyết đạt hiệu quả cao  (08/09/2008)
Khẩn trương rà soát và lập danh mục thủ tục hành chính  (08/09/2008)
Đồng chí Nguyễn Xuân Dương tiếp xúc cử tri phường Ghềnh Ráng và Trần Quang Diệu   (06/09/2008)
Vui tươi, phấn khởi và khí thế   (06/09/2008)
Cộng đồng trách nhiệm cùng ngành GD-ĐT   (06/09/2008)