|
Sau khi chấp hành xong hình phạt, đủ điều kiện thì phạm nhân này sẽ được xóa án tích trong lý lịch tư pháp. Ảnh: N.P |
Lâu nay hoạt động về quản lý lý lịch tư pháp trên cơ sở các văn bản dưới luật, việc áp dụng các quy định pháp luật về lĩnh vực này còn nhiều hạn chế; vì vậy, cần thiết phải ban hành văn bản luật chính thức để điều chỉnh hoạt động này là phù hợp với thực tiễn. Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp có nhiều điểm mới và quy định cụ thể những vấn đề về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, thiết lập Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.
Phạm vi quản lý lý lịch tư pháp là những nội dung mà lý lịch tư pháp cần ghi nhớ để quản lý là nội dung gì, thuộc phạm vi nào; vấn đề này có ý nghĩa quyết định toàn bộ nội dung, quy mô và cơ chế quản lý lý lịch tư pháp. Lâu nay người ta thường cho rằng phạm vi quản lý lý lịch tư pháp bao gồm cả án tích, tiền sự, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp… Theo quan điểm này thì phạm vi quản lý quá rộng. Giới hạn của Dự thảo Luật này chỉ tập trung ở nội dung án tích; xuất phát từ tình hình thực tế của nước ta, có tham khảo kinh nghiệm các nước và nhằm bảo đảm tính khả thi của Luật.
Bản lý lịch tư pháp của cá nhân gồm những nội dung cơ bản về án tích và tình trạng thi hành án của người bị kết án. Yêu cầu cơ bản của thông tin về lý lịch tư pháp của cá nhân là phải được lưu trữ trong trạng thái liên tục, vì vậy việc cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp được quy định cụ thể, chi tiết trong dự thảo Luật bao gồm: việc cập nhật thông tin trong trường hợp có quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; cập nhật thông tin của những bản án tiếp theo; cập nhật thông tin về quá trình thi hành án; việc xóa bỏ thông tin trong Bản lý lịch tư pháp của người đã chết và khi một tội phạm được luật xóa bỏ theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật là tạo cơ sở pháp lý để xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo hướng chuyên nghiệp hóa và từng bước hiện đại hóa. Cơ sở dữ liệu có nội dung gần với dữ liệu lý lịch tư pháp là hệ thống tàng thư căn cước can phạm của ngành Công an, lưu trữ những thông tin về nhân thân (căn cước, lai lịch), tiền án, thông tin diễn biến của những đối tượng bị khởi tố và nhiều thông tin khác thu thập được từ hoạt động nghiệp vụ. Để cung cấp, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, kịp thời, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp độc lập, phục vụ cho công tác quản lý lý lịch tư pháp, dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm và thời hạn của các cơ quan, tổ chức có liên quan cũng như trình tự, thủ tục trong việc cung cấp, tiếp nhận thông tin lý lịch tư pháp.
Theo quy định tại dự thảo Luật, Phiếu lý lịch tư pháp gồm hai loại: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho cá nhân có yêu cầu. Án tích đã được xóa thì không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp cho các cơ quan, tổ chức và cơ quan tiến hành tố tụng. Trường hợp một người đã bị kết án thì Phiếu lý lịch tư pháp số 2 sẽ ghi tất cả các án tích (bao gồm án tích chưa được xóa và án tích đã được xóa). Để đảm bảo tính minh bạch và quyền dân chủ của cá nhân, Dự thảo Luật quy định Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cũng được cấp theo yêu cầu trực tiếp của bản thân người có lý lịch tư pháp mỗi năm một lần, để họ có thể biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Một nội dung hết sức quan trọng của Dự thảo Luật này là việc quy định về xóa án tích; đây là vấn đề mà trước đây có nhiều ý kiến đối lập nhau. Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì việc xóa án tích được chia làm hai loại: xóa án tích đương nhiên và xóa án tích do Tòa án quyết định. Người đã được xóa án tích được coi như chưa can án. Nếu việc xóa án tích được chứng minh bằng Phiếu lý lịch tư pháp thì trong Phiếu lý lịch tư pháp số 1 của đương sự sẽ được ghi là “không có án tích” nên không ai biết là đương sự đã từng can án hay chưa. Việc này tạo điều kiện cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, không bị mặc cảm bởi quá khứ tội lỗi của mình và không bị cộng đồng phân biệt đối xử. Khi người bị kết án đã đủ điều kiện được đương nhiên xóa án tích thì Trung tâm lý lịch tư pháp chủ động thực hiện việc xóa án tích trong Bản lý lịch tư pháp của đương sự, không cần phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận của Tòa án như hiện nay. Đối với trường hợp được xóa án tích do Tòa án quyết định thì Trung tâm lý lịch tư pháp căn cứ vào quyết định của Tòa án để thực hiện xóa án tích trong Bản lý lịch tư pháp của đương sự.
|