LẬP LẠI TRẬT TỰ HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ:
Cần sự hợp tác và đồng lòng của toàn xã hội
10:58', 16/9/ 2008 (GMT+7)

Từ đầu tháng 4.2008 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã ra quân thực hiện Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB). PV Báo Bình Định trao đổi với ông Nguyễn Quả - Phó Ban Thanh tra giao thông (Sở GTVT), thành viên Tổ công tác liên ngành lập lại trật tự HLATĐB tỉnh - xung quanh vấn đề này.

 

Thanh tra giao thông tỉnh kiểm tra, xử lý một trường hợp vi phạm HLATĐB trên QL1A thuộc địa bàn xã Nhơn Hòa (An Nhơn). Ảnh: Ngọc Diên

 

* Xin ông cho biết tình hình thực hiện Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua?

- Căn cứ Nghị quyết 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách, nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông và thực hiện Quyết định số 1856 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự HLATĐB, ngày 13.3.2008, UBND tỉnh đã thành lập ngay Tổ công tác liên ngành (gọi tắt là Tổ công tác 1856), với sự tham gia của nhiều đơn vị có liên quan từ tỉnh đến huyện để triển khai thực hiện Quyết định nói trên.

Từ khi được thành lập, Tổ công tác đã triển khai khá đồng bộ các mặt công tác như: tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân chấp hành pháp luật về ATĐB;  cử lực lượng kiểm kê, chuẩn bị nhân lực, phương tiện để tiến hành giải tỏa theo kế hoạch. Có thể nói, hầu hết người dân đều đồng tình với Quyết định của Thủ tướng, nhất là trong tình hình tai nạn giao thông đang ngày một gia tăng như hiện nay, nên nhìn chung bước đầu triển khai kế hoạch giải tỏa HLATĐB trên địa bàn tỉnh tương đối thuận lợi.

Đến nay, các lực lượng tham gia giải tỏa HLATĐB trên địa bàn tỉnh đã thực hiện gần 1.100 vụ tháo dỡ, cưỡng chế các công trình, vật kiến trúc, cây xanh… trong phạm vi cọc giải phóng mặt bằng trên tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh. Trong đó, có 210 nhà cấp 3, cấp 4; 450 lều quán, nhà tạm, mái hiên; 290 tường rào, cổng ngõ; có 134 biển quảng cáo, biển hiệu…

* Trong thời gian đến, Tổ công tác sẽ tiếp tục thực hiện các công việc gì, thưa ông?

- Công tác giải tỏa HLATĐB trên địa bàn tỉnh được chia thành 3 đợt. Đợt 1 đến nay đã thực hiện xong, nhưng chỉ giải tỏa trong phạm vi 7m, chưa đụng chạm nhiều đến quyền lợi của người dân. Từ nay đến năm 2010 triển khai thực hiện đợt 2, sẽ hoàn thành quy hoạch tổng thể các vị trí đấu nối, các đường gom trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và xóa bỏ cơ bản các điểm đấu nối trái phép vào quốc lộ, tỉnh lộ. Thống kê phân loại các công trình nằm trong HLATĐB và lập dự toán báo cáo Bộ GTVT, UBND tỉnh để cấp kinh phí đền bù, giải tỏa.

Từ 2010 đến 2020 sẽ triển khai thực hiện đợt 3 là rà soát diện tích đất trong phạm vi HLATĐB đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện thu hồi diện tích đất đã cấp. Hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa HLATĐB trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Nhận bàn giao các mốc lộ giới trên các tuyến quốc lộ để quản lý. Hoàn thành việc cắm mốc lộ giới trên các tuyến tỉnh lộ để bàn giao cho chính quyền địa phương cấp huyện, xã quản lý.

Có thể thấy rằng khối lượng công việc thực hiện trong đợt 2 và đợt 3 khá lớn nên sẽ đụng chạm nhiều đến người dân và phản ứng của người dân sẽ khó khăn cho tiến độ và công tác giải tỏa. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông... làm cho người dân hiểu rõ được tầm quan trọng của HLATĐB để bà con tự giác chấp hành. Có như vậy thì công tác giải tỏa HLATĐB mới triển khai thực hiện một cách thuận lợi được.

* Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả lâu dài của công tác lập lại trật tự HLATĐB; và theo ông cần làm gì để tránh tình trạng tái lấn chiếm HLATGTĐB?

- Lập lại trật tự HLATĐB là một việc làm kiên trì, lâu dài, mang tính triệt để, đòi hỏi cần phải có sự hợp tác và đồng lòng, đồng sức của cả toàn xã hội. Để không còn tình trạng lấn chiếm HLATĐB trên địa bàn, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và cần phải kiên quyết trong việc kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm, tái vi phạm.

Điều quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở khu dân cư để nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác của người dân về việc quản lý, sử dụng và bảo vệ HLATĐB. Cần phải làm cho người dân hiểu rõ được tác hại của việc lấn chiếm HLATĐB, như cản trở tốc độ lưu thông của phương tiện giao thông đường bộ, hạn chế tầm nhìn, tạo nhiều yếu tố bất ngờ, gây mất an toàn giao thông dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng…

Việc lập lại trật tự HLATĐB trong điều kiện hiện nay là rất cần thiết, nhằm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và lập lại kỷ cương trong việc thực hiện Luật giao thông đường bộ. Nếu làm tốt được cả 2 công việc này thì tính hiệu quả của công tác lập lại trật tự HLATĐB sẽ rất cao và hạn chế được việc lấn chiếm, tái lấn chiếm trở lại.

* Xin cảm ơn ông !

  • Ngọc Thái (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp  (15/09/2008)
Các đội TNTN chuyên ngành phát huy tốt vai trò  (15/09/2008)
Cứu một ngư dân gặp nạn trên biển  (15/09/2008)
Những tiệm may “hai trong một”  (13/09/2008)
Hơn 1.230 hội viên phụ nữ được tập huấn nghề  (13/09/2008)
Sẽ đón trẻ đến ở trong quý III.2009  (13/09/2008)
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán và đốt pháo  (12/09/2008)
Tặng quà Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt  (12/09/2008)
Một trường hợp mắc bệnh tim hiếm gặp  (12/09/2008)
Thăm và làm việc tại Bình Định  (12/09/2008)
Các đồng chí Vũ Hoàng Hà, Phạm Văn Thanh tiếp xúc cử tri  (12/09/2008)
Những thiệt thòi không đáng có  (12/09/2008)
Trung thu cho mọi gia đình  (12/09/2008)
Tổ chức họp báo phải thông báo trước ít nhất 24 giờ  (11/09/2008)
“Vui hội trăng rằm” với trẻ em mồ côi không nơi nương tựa  (11/09/2008)