|
Với sự chênh lệch tuổi tác trong hôn nhân, quan trọng nhất là người trong cuộc phải biết “kê” cho vừa. (Ảnh: www.mquiz.net) |
Ông bà ta có câu “nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một”. Cuộc sống ngày nay, xem ra câu nói đó càng đúng hơn bao giờ hết khi có nhiều bạn nam trẻ quyết tâm theo đuổi và lấy cho được các “bà chị”…
* Nhất gái hơn hai
Mỹ Ngọc khá xinh xắn, công việc ổn định, lúc nào cũng có vài “vệ tinh” xoay quanh nhưng cô khá kén chọn. Các bạn cùng học đã lần lượt theo chồng bỏ cuộc chơi, riêng Ngọc vẫn ung dung. Đùng một cái, bạn bè nhận được thiệp cưới của cô. Chồng tương lai, chẳng ai khác là chàng nhân viên cùng phòng, thua cô hai tuổi, lâu nay vẫn thường đi chung và xưng “chị chị em em” với Ngọc. Bạn bè thắc mắc thì Ngọc phân trần: “Biết… chết liền. Trước giờ, vẫn mày mày tao tao với hắn đó chứ. Mới đầu hắn đến chơi nhà mình thường xuyên, đòi giới thiệu cô nọ, cô kia. Từ từ, hắn chuyển từ em sang xưng tên, rồi thẳng tiến… “tỉnh tò”. Đầu tiên là bất ngờ, sau mình thấy hắn rất thật tình…”.
Tính cặn kẽ ra, nàng hơn hắn 4 năm và 9 tháng lẻ. Ngay từ lúc gặp nàng ở phòng làm việc ở cơ quan, hắn đã bị “tiếng sét ái tình” bởi vẻ ngoài lịch thiệp và tác phong đầy “pro” của nàng. Hắn được phân công theo dõi mảng hoạt động do nàng phụ trách, nên thường có cơ hội tiếp cận với “bà chị” trong các đợt công tác nằm trong dự án. Với tư cách là người đi trước, nàng đã ân cần kèm cặp, chỉ bảo thêm kinh nghiệm cho hắn rất thân tình. Đôi khi, còn sai vặt nhờ lấy cái nọ, cái kia. Hắn lên kế hoạch tấn công “chị” từng bước một. Mới đầu chỉ là những cuộc viếng thăm mang tính chất công việc, sau nữa là những cuộc đi chơi thân tình kiểu chị- em. Tin hắn và “chị” kết mô đen khiến mọi người ở hai cơ quan bán tín, bán nghi. Ai hỏi, hắn chối bay biến: “Trời đất, nhờ chị để tiến sang em đấy”. Còn “chị” của hắn thì cũng giãy nảy như đỉa phải vôi khi đồng nghiệp bóng gió chuyện này.
Cái kim trong bọc cũng có ngày thòi ra. Biết tôi là bạn thân, không ít lần ba mẹ hắn đến nhờ tôi khuyên hắn tránh xa “bà chị”. Thậm chí còn lên tối hậu thư từ con nếu không nghe lời. Còn hắn chẳng giấu giếm: “Ở bên nàng, mình thấy yên ổn, có cảm giác như được chở che của người chị, người mẹ. Nàng cũng không có thói đỏng đảnh, hay mè nheo của các nàng nhỏ tuổi. Có lẽ một phần là do nhà mình chỉ toàn anh em đực rựa chăng?”
Bỏ qua những trường hợp tình yêu vụ lợi, không trong sáng, thì theo các chuyên gia tâm lý, sở dĩ các chàng trai yêu “bà chị” là vì sự chín chắn, có bản lĩnh hơn của họ trong cuộc sống và cũng không quen thói nhõng nhẽo, dỗi hờn. Trong khi đó, với các nàng có cá tính mạnh cảm giác thì yêu người nhỏ hơn tuổi lại cho họ cảm giác được chở che, bảo vệ người mình yêu thương.
* Kê... cho vừa
Đầu tiên là vấn đề xưng hô, chuyển hệ từ “chị” sang “em”. Chuyện tưởng nhỏ nhưng đâu dễ thay đổi một sớm một chiều.
“Nhận lời… yêu hắn rồi mới tá hỏa không biết gọi sao cho phải”- Ngọc Hương- phụ trách mảng đi tour của khách tại một Công ty du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh- lấy chồng là cấp dưới kém mình hai tuổi- le lưỡi kể lại chuyện tình hai người. Trước mặt mọi người trong cơ quan, Hương gọi tên người yêu, xưng … ấy. Đôi khi quen miệng, cô gọi người yêu cấp dưới “lấy cho chị…” rồi giật mình ngừng lại khiến mọi người trong phòng cười ồ. Cưới nhau rồi, đôi vợ chồng vẫn gọi nhau bằng tên khiến cho cha mẹ hai bên đều không đồng ý. “Tập đến khi mình mang thai thì gọi “anh” đã rất dẻo rồi…”- cô kể.
Trong các mục tâm sự trên các báo mạng như Thanhnienonline.com, tuoitreonline.com, Vnexpress.net… không ít bạn trẻ cũng tỏ bày nỗi khó xử khi “yêu người hơn tuổi”. Dư luận và áp lực gia đình cũng khiến cho đôi bên đều cảm thấy khó xử nên phải viện cầu ý kiến của các chuyên gia tâm lý hay của những người trong cuộc khác.
Lấy chồng kém tuổi hơn mình, điều các nàng ngại nhất vẫn là sợ ra đường bị người trong thiên hạ kêu “chị - em” dù trong thực tế đúng là như vậy. Nhưng với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ làm đẹp ngày nay, cộng với các kỹ thuật thì việc làm bớt đi vài tuổi ở phụ nữ không hề khó khăn. Anh bạn thân của tôi từ ngày lấy được “chị” luôn chủ ý để râu ria cho già hơn, quần áo trông cũng “lùi xùi” hơn trước. Ngược lại, cậu chàng rất chăm lo cho “bà xã” từ hình thức đến nội dung để “nàng dần trẻ đẹp lên trong mắt anh”.
Ngoài ra, sự chênh nhau về suy nghĩ, thói quen tính cách, kinh nghiệm sống, tính quyết đoán… giữa “nàng” và “chàng” cũng là những vấn đề mà người trong cuộc thường phải đắn đo khi quyết định tiến tới hôn nhân. Trong thực tế, cũng có trường hợp “nửa đường rã đám” vì không hòa hợp nhau khi sống chung. Song cũng có rất nhiều đôi sống hòa thuận, hạnh phúc đến lúc già (chả thế mà ông bà ta đã đúc kết: “nhất gái hơn hai”, rồi mới đến “nhì trai hơn một” kia mà). Điều quan trọng nhất vẫn là người trong cuộc đều phải tự tìm cách điều chỉnh lẫn nhau để “kê cho vừa”.
|