Mới đây, tại cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học mới tại một trường THCS ở trung tâm thành phố Quy Nhơn, đa số các bậc phụ huynh đều tỏ ý không hài lòng về việc chiếu sáng ở lớp học. Trong lớp có 6 hộp đèn, mỗi hộp có 2 bóng neon loại 1,2m nhưng chỉ có 3 hộp có đèn sáng; trong tổng số 12 bóng đèn thì chỉ có 5 bóng sáng bình thường, còn 7 bóng còn lại thì tắt hẳn hoặc chỉ nhấp nháy.
Các phụ huynh tỏ ý lo ngại vì với ánh sáng như vậy thì thị lực của con cái họ sẽ bị ảnh hưởng, việc học tập trong lớp cũng bị ảnh hưởng. Không rõ tình trạng trên xảy ra đã bao lâu và sẽ còn kéo dài bao lâu mới chấm dứt. Hỏi cô chủ nhiệm thì cô bảo hỏi nhà trường. Hỏi ban giám hiệu nhà trường thì được trả lời muốn được sửa chữa thì phải báo cáo Phòng Giáo dục thành phố thì mới sửa chữa được (?). Bức xúc về chuyện “đèn đóm” như vậy, một số phụ huynh thắc mắc “năm nào cũng đóng tiền xây dựng trường nhưng chỉ có việc thay vài cái bóng đèn chiếu sáng trong lớp học mà cũng nhiêu khê đến vậy thì các chuyện khác còn rối rắm tới đâu?”. Câu trả lời có lẽ xin dành cho giới hữu trách của ngành giáo dục (!).
Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý là, ở ngôi trường “chuẩn quốc gia” này không chỉ có một phòng học có tình trạng “đèn đóm” như vậy mà hầu hết đều ở trong tình trạng tương tự. Phải chăng khi lắp đèn thì người ta phải làm cho… “đạt chuẩn” còn việc sử dụng thì… “liệu cơm gắp mắm” cho đỡ tốn tiền điện. Cái này thì cũng xin dành cho các vị có trách nhiệm của ngành giáo dục trả lời với quý phụ huynh quý mến của mình.
Ai cũng hiểu rằng trường chuẩn quốc gia là một ngôi trường phải có các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên… đạt đến một chuẩn mực nhất định và không được thấp hơn mức đó. Thế nhưng thực tế thì hoàn toàn không được như vậy. Ở rất nhiều trường cũng “gọi là” có đầy đủ các phòng chức năng như phòng thí nghiệm, phòng học nhạc, phòng học vẽ… Nhưng nhiều khi phòng học nhạc là một phòng xép ở góc cầu thang, vừa nhỏ hẹp vừa tối tăm ẩm thấp; còn phòng học vẽ có khi là một phòng trống trên trần gác dưới mái cổng tam quan của ngôi đình được dùng làm trường học (!)… Vậy thì hỏi rằng “chuẩn” ở chỗ nào?
Biết rằng ngành giáo dục và các cấp chính quyền đang hết sức nỗ lực để có thể hình thành nên những ngôi trường đạt chuẩn. Đó cũng là điều mong muốn của tất cả các bậc phụ huynh cũng như toàn thể xã hội. Bởi lẽ có những ngôi trường như vậy con em chúng ta sẽ có điều kiện để học tập tốt hơn. Thế nhưng, mọi người cũng mong rằng có… trường “chuẩn thì… phải chuẩn” chứ không nên “chuẩn mà… không chuẩn” như ở các ngôi trường vừa nêu. Sở dĩ chúng tôi không nêu tên trường vì hầu hết các “trường chuẩn” đều na ná như vậy. Trong điều kiện còn khó khăn về nhiều mặt thì trước hết các trường xin hãy “chuẩn” những điều kiện thiết yếu nhất như đủ ánh sáng, bàn ghế ngồi đúng tầm… cho học sinh cái đã, chớ nên chạy theo cái danh hiệu “chuẩn hão” mà thực chất thì lại chẳng ra sao.
|