Có lẽ là lần đầu tiên, các chị - những người bán hàng ăn sáng, cà phê, tạp hóa, cá mắm... được tiếp cận một cách bài bản những khái niệm vừa mới lạ vừa gần gũi với công việc hàng ngày của mình: phẩm chất của người làm kinh doanh, quy luật bán hàng, ứng xử trong kinh doanh, những điểm mạnh và hạn chế của phụ nữ làm kinh doanh... Vì thế, ai cũng cảm thấy hứng thú.
|
Một lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử trong kinh doanh cho tiểu thương TP Quy Nhơn. Ảnh: N.S
|
* Học “nghệ thuật” trong kinh doanh
Lớp được chia thành 2 nhóm và bài giảng bắt đầu bằng bài tập đóng kịch, do chính các học viên thủ vai. Vở kịch của nhóm thứ nhất diễn cảnh một gia đình đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Vợ buôn bán nhỏ ế ẩm, chồng làm thợ mộc thu nhập thấp, về nhà lại say xỉn, trong khi 2 đứa con còn nhỏ. Trong lúc chồng lè nhè thì đứa lớn xin tiền nộp học, đứa nhỏ kêu đói bụng đòi ăn. Vợ than thở, chồng say xỉn quát tháo, vợ càng nói chồng càng điên tiết. Vở kịch thứ hai là cảnh một shop quần áo có khách hàng quen đến mua, thử 3 - 4 cái áo vẫn không ưng ý cái nào. Đã vậy, chủ shop còn phát hiện một chiếc áo bị rách trong lúc thử. Chủ giận giữ đòi mỗi bên chịu một nửa, khách kiên quyết không…
Sau khi kết thúc vở kịch, giảng viên kết luận rằng ở tình huống thứ nhất, nếu người vợ im lặng, đợi hôm sau chồng tỉnh táo rồi vợ chồng mới nói chuyện, tìm cách tháo gỡ khó khăn trong gia đình thì sẽ hiệu quả hơn. Tương tự, chị chủ shop nên nhỏ nhẹ để khách chia sẻ với mình chứ giận giữ thì sẽ không bán được hàng mà còn mất khách. Đó là những thông điệp được đưa ra từ bài học kiểm soát sự giận dữ và căng thẳng.
Và đây chỉ là một trong các nội dung được truyền đạt tại lớp tập huấn Kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử trong kinh doanh, vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức cho các tiểu thương trên địa bàn Quy Nhơn cách đây vài ngày. Trước đó, 3 lớp như vậy cũng đã được tổ chức cho tiểu thương TP Quy Nhơn và huyện Tây Sơn trong dịp chuẩn bị cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2008.
Tham dự các lớp này, các tiểu thương được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử trong kinh doanh như: phẩm chất của người làm kinh doanh, quy luật bán hàng, đạo đức trong kinh doanh, để giữ chân khách hàng tốt hơn, ứng xử trong kinh doanh, khắc phục những hạn chế của giới để kinh doanh tốt hơn... Các chị cũng học được những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống như: ra quyết định, những cách để tránh căng thẳng và kiềm chế sự giận giữ...
Chị Huỳnh Thị Duyên (phường Thị Nại, bán hàng ăn sáng) cho biết, đây là lần đầu tiên chị tham gia một lớp tập huấn như thế này và thấy kiến thức nào cũng hay và bổ ích. “Ví dụ như mình hiểu rõ hơn là trước khi ra một quyết định, dù trong cuộc sống hay trong kinh doanh thì cũng phải đắn đo, cân nhắc điều hơn lẽ thiệt, xác định những gì cần có để thực hiện quyết định” - chị nói. Cũng có chị học được những điều đơn giản như chị Bùi Thị Lệ Thủy (phường Quang Trung, bán cà phê tại nhà). Chị nói: “Những kiến thức trên tôi cũng đã có biết, từ phim ảnh, sách báo, kinh nghiệm bản thân, nhưng không được sâu sắc và đầy đủ như thế này. Tham dự lớp, ngoài kiến thức về văn hóa ứng xử trong kinh doanh, tôi còn học được những điều khác, chẳng hạn nên nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào để chồng cùng chia sẻ việc nhà chứ không nên ôm đồm một mình rồi trách móc chồng”.
* Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nữ
Các lớp học đều được tổ chức vào buổi chiều để phù hợp với công việc tiểu thương. Cách truyền đạt cũng mới, đó là để học viên chủ động giải quyết vấn đề, từ chính thực tế cuộc sống và suy nghĩ của họ, giảng viên chỉ là người hướng dẫn và kết luận. Trong quá trình đó, các học viên cùng nhau thảo luận, làm bài tập nhóm, thực hành kỹ năng. Chính cách học đó đã tạo hứng thú cho các học viên và đa số đều tiếp thu dễ dàng. Điều đó được thể hiện rõ qua không khí sôi nổi của lớp học và sự tích cực, hứng thú của học viên.
Và không chỉ tiếp thu được những kiến thức chính là văn hóa ứng xử trong kinh doanh mà các chị còn biết được thêm những kiến thức khác như: thế nào là giới, giới tính, nguyên tắc thúc đẩy bình đẳng giới, một số kỹ năng sống. Chị Đặng Thị Hồng Hạnh - giảng viên của lớp - cho biết: “Đây vừa là những kiến thức nền, đồng thời cũng là cách dẫn dắt học viên đi vào vấn đề, theo từng bậc, giúp các chị dễ dàng tiếp thu hơn. Như khi chúng tôi giới thiệu về giới, giới tính, bình đẳng giới, những điều cần làm trước khi đưa ra một quyết định... là để giúp các chị hiểu rõ hơn về tâm lý, nhu cầu khách hàng nữ, biết phụ nữ làm kinh doanh thì có thuận lợi và khó khăn gì, linh hoạt cách ứng xử trong gia đình nhằm tìm kiếm sự đồng lòng, chia sẻ của gia đình, để việc kinh doanh thuận tiện hơn...”.
Các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử trong kinh doanh trên nằm trong khuôn khổ Dự án Hà Lan (Nâng cao năng lực phụ nữ), do tổ chức Nuffic (Hà Lan) hỗ trợ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trước đó, cũng từ nguồn kinh phí của dự án này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã tổ chức 7 lớp tập huấn Khởi sự doanh nghiệp cho hơn 200 hội viên là nữ tiểu thương và 3 hội thảo về xây dựng, phát triển thương hiệu, hội nhập WTO cho các nữ doanh nhân trong tỉnh.
Sau tất cả các khóa học, hội thảo này, hầu hết các học viên đều đánh giá kiến thức thu được là rất bổ ích đối với họ. Đây cũng chính là một trong những mục đích mà Dự án Hà Lan hướng đến: nâng cao khả năng quản lý và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ.
|