Nối gót cha làm sư đoàn trưởng
15:7', 23/9/ 2008 (GMT+7)

Chuyện “cha truyền con nối” trong nghề làm mỹ nghệ, nghề dạy học, nghề y… thường thấy, nhưng “nối gót” cha làm sư đoàn trưởng có lẽ hiếm thấy trên đời. Chuyện lại xảy ra ở ngay vùng quê nghèo xã Mỹ Hoà (Phù Mỹ). Đó là hai cha con Đại tá Trương Đức Chữ và Đại tá Trương Đức Nghĩa. Điều đặc biệt là cha trước, con sau, cả hai đều làm đến chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn B15 ở Quân khu 5.

 

Đại tá Trương Đức Chữ và Đại tá Trương Đức Nghĩa

 

Đại tá Trương Đức Chữ năm nay đã 83 tuổi nhưng còn khá minh mẫn. Trò chuyện cùng ông ở căn nhà đơn sơ số 10 Lê Quý Đôn, Đà Nẵng mới thấy dù bước ra từ lũy tre làng hay được trưởng thành ở miền Bắc, cả hai cha con đều có những nét rất tương đồng.

Trước hết đó là sự ham học, khát khao làm giàu kiến thức. Đại tá Trương Đức Chữ xuất thân từ gia đình hiếu học, khi còn bé, mẹ và anh đi làm thuê, chắt chiu tiền cho ông học chữ, vì vậy ông luôn trân trọng sách vở, tranh thủ mọi lúc mọi nơi nâng cao hiểu biết. Nhờ vậy khi làm cán bộ tiểu đoàn, tập kết ra Bắc tiếp tục theo nghiệp nhà binh, công tác ở Cục Tác chiến, rồi Phó đoàn trưởng Đoàn kinh tế 352, đến Sư đoàn trưởng Sư đoàn B15 chiến đấu trên đất bạn Campuchia, ở đâu ông cũng để lại dấu ấn sâu sắc bởi sự thông minh, biết kết hợp lý luận vào thực tiễn. Trương Đức Nghĩa cũng thế, hồi mới đi bộ đội, anh đã say mê đọc nghiến ngấu tủ sách của cha mình, trong đó có nhiều bộ sách quý về quân sự, những bộ hồi ký dày của các tướng lĩnh. Chữ nghĩa đối với họ quan trọng như vũ khí. Chẳng phải ngẫu nhiên, mà khi tại ngũ cả hai cha con đều từng nhiều năm làm ở Văn phòng Bộ Tư lệnh, dày thêm kinh nghiệm để sau này vận dụng trên cương vị mới.

Cả hai còn giống nhau ở sự quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, kiên trì vượt khó. Trong Hồi ký: “Bảy mươi năm một chặng đường”, Đại tá Trương Đức Chữ kể lại khi ông làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 17 của Tỉnh đội Quảng Nam, kháng chiến chống Pháp, ông đã học cách đánh đặc công để huấn luyện cho đơn vị mình và thu được thắng lợi giòn giã. Khi làm Phó phòng B, Cục Tác chiến, phái viên chiến trường Bộ Tổng tham mưu, ông cũng là người có nhiều đề xuất táo bạo trong tham mưu cách đánh góp phần giải phóng hoàn toàn quận lỵ Thượng Đức (Quảng Nam)- 1974.

Khi làm nhiệm vụ quốc tế, ngày đầu Sư đoàn thiếu lương thực trầm trọng, ông chủ trương "đặt ba lô là tăng gia sản xuất'', nhờ vậy mà dần dần đơn vị thực túc binh cường. Sự năng động, quyết liệt ấy, có lẽ anh Nghĩa đã học được từ người cha thân yêu của mình và đưa vào thực tế khi làm Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 143- Sư đoàn B15 bốn năm trước. Ít ai nghĩ vùng bán sơn địa khô khốc ngày đó có bàn tay chiến sĩ cải tạo đã trở thành vườn hoa tươi đẹp và là mô hình điểm của cả Quân khu 5. Sau này khi làm Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn H, Đại tá Trương Đức Nghĩa cũng là người có nhiều đóng góp trong việc cải tạo khuôn viên cũ thiếu đồng bộ ở các tiểu đoàn thành cảnh quan thống nhất như bây giờ. Bà Nguyễn Thị Kỳ, mẹ anh Nghĩa, kể rằng, bà cảm nhận sự giống nhau giữa hai cha con “họ” là đức tính sống nghĩa tình, thủy chung với đồng chí đồng đội; quân sự nhưng không xa rời chính trị; dù ở cương vị nào cũng để lại tình cảm ấm áp với người xung quanh. Bằng chứng là mấy tháng trước khi ông Chữ bị huyết áp cao dẫn đến tai biến phải nằm viện dài ngày, có rất nhiều người trước đây là lái xe, công vụ, chiến sĩ hiện ở xa vẫn tìm đến tự nguyện trực bên ông. Và cũng có nhiều cán bộ trẻ được anh Nghĩa dìu dắt, giúp đỡ dẫu hiện làm ở nhiều đơn vị khác nhau vẫn đến chăm sóc ông Chữ, coi như cha mình. Đó chính là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.

Được hỏi cảm xúc khi đảm nhận chỉ huy một Sư đoàn Anh hùng LLVTND mà cách đây 30 năm người cha là thế hệ đặt viên gạch nền móng, Đại tá Trương Đức Nghĩa bộc bạch: “Vinh dự, tự hào lắm và càng thấy trách nhiệm nặng nề. Tôi nghĩ mình có rất nhiều việc phải làm để cùng CB-CS xây dựng Sư đoàn ngày càng phát triển, vững mạnh, xứng đáng với sự tin tưởng của Quân khu, của quê hương, sự cống hiến lớn lao của lớp cha anh đi trước, trong đó có cha tôi”.

  • Hồng Vân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khởi động năm học mới  (23/09/2008)
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII sẽ khai mạc ngày 16.10  (23/09/2008)
Ưu tiên đầu tư cho miền núi các công trình bức thiết, phục vụ dân sinh  (23/09/2008)
Một số cán bộ xã triệu tập dân để hành hung, nhục mạ?  (22/09/2008)
Hội thi “Tìm hiểu luật giao thông đường thủy nội địa”  (22/09/2008)
Giúp trẻ em mồ côi, khuyết tật  (22/09/2008)
Trao học bổng Tiếp sức đến trường  (22/09/2008)
Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp xã  (22/09/2008)
Bà cụ “3 trong 1”  (21/09/2008)
Đi cùng nữ tiểu thương  (21/09/2008)
Nhiều hoạt động hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”  (20/09/2008)
Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện  (20/09/2008)
Điều tra dư luận xã hội về đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh  (20/09/2008)
80 học sinh của tỉnh Bình Định nhận học bổng Vinamilk  (19/09/2008)
Điều tra hành vi nguy cơ của nhóm đối tượng gái mại dâm  (19/09/2008)