Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước, là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống. Sau khi giải thể Ủy ban DS-GĐ-TE, nhập bộ phận DS-KHHGĐ về Sở Y tế, đòi hỏi bức thiết nhất lúc này là phải ổn định bộ máy tổ chức để triển khai các hoạt động. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh - đã có cuộc trao đổi với PV báo Bình Định.
|
Một buổi truyền thông về công tác DS-KKHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ảnh: T. Hiền
|
* Sau một thời gian dài tách nhập, xin ông cho biết tình hình tổ chức của bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ hiện nay?
- Bình Định là một trong 10 tỉnh, thành phố của cả nước được Chính phủ đánh giá là đã thực hiện sớm và đầy đủ nhất cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ. Theo một văn bản mới đây của Chính phủ, cho đến ngày 16.9.2008, cả nước còn 2 tỉnh chưa thành lập Chi cục; 14 tỉnh, thành chưa thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ; 7 tỉnh chưa bàn giao trụ sở Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em trước đây của tỉnh cho Chi cục DS-KHHGĐ; 18 tỉnh, thành chưa bàn giao trụ sở Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em trước đây của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cho Trung tâm DS-KHHGĐ.
Ở tỉnh ta, các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, xã đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện đầy đủ nội dung Công điện 695/CĐ-TTg ngày 9.5.2008 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế được thành lập, 11 Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thành phố cũng lần lượt được hình thành; toàn bộ nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị thuộc Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em trước đây đã được giao cho Chi cục và các Trung tâm.
* Vậy còn công tác tổ chức đội ngũ chuyên trách DS-KHHGĐ ở tuyến xã hiện như thế nào?
- Đội ngũ chuyên trách DS-KHHGĐ ở xã hiện vẫn được duy trì và ổn định như cũ nhưng hiện vẫn còn vướng mắc. Văn bản của UBND tỉnh ban hành cách đây vài tháng đề nghị các địa phương bàn giao cán bộ chuyên trách dân số xã về trạm y tế quản lý, nhưng đến thời điểm này, một số địa phương vẫn chưa thực hiện. Tỉnh cũng đang đốc thúc các địa phương nhanh chóng rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức đội ngũ chuyên trách dân số xã để bàn giao về trạm y tế, giải quyết thỏa đáng các chế độ chính sách để họ yên tâm công tác.
Tất nhiên, đó chỉ là trước mắt, còn để ổn định về lâu về dài đội ngũ dân số xã theo hướng dẫn tại Thông tư 05/2008/TT-BYT ngày 14.5.2008 thì còn nhiều việc phải làm ở tầm vĩ mô. Chúng tôi cũng đang gặp rắc rối vì hầu hết chuyên trách dân số xã không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về trình độ và các yếu tố khác theo quy định. Về vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể về trách nhiệm của các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng các văn bản pháp quy, các chế độ chính sách để hoàn thiện hệ thống làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở.
* Liệu những hạn chế của công tác tổ chức bộ máy các cấp như ông vừa nói trên sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động của công tác DS-KHHGĐ?
- Phải nói rằng đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ bị mất đà khi giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em. Từ khi hình thành lại bộ máy mới, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền chúng tôi đang “xốc” lại đội hình, bắt tay ngay vào công việc. Vừa củng cố tổ chức vừa triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đợt 2 từ ngày 15.8 đến ngày 30.9.2008 ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đồng thời triển khai một số dự án khác theo kế hoạch được giao. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch đợt 3. Quả thật, khi hệ thống công tác tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ các cấp chưa hoàn thiện thì sự vận hành sẽ còn một số trục trặc ở khâu này hay khâu khác. Và thật sự, công tác DS-KHHGĐ mới được tập trung trong 5 tháng cuối năm, nhưng chúng tôi đang phấn đấu, đến cuối năm 2008, toàn tỉnh sẽ thực hiện trên 80% các chỉ tiêu hoạt động của công tác DS-KHHGĐ.
Thời gian qua, Tổng cục DS-KHHGĐ cảnh báo tình trạng gia tăng dân số trở lại và tỉ lệ chênh lệch giới tính ngày càng tăng cao. Bình Định cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Tuy nhiên, để có số liệu chính xác về vấn đề này, chúng tôi đang kiểm chứng tính xác thực số liệu báo cáo từ cơ sở, do một thời gian báo cáo không đầy đủ.
* Sắp tới, Chi cục sẽ có những động thái nào để đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ, hạn chế mức sinh cũng như khắc phục các yếu điểm trong thời gian qua?
- Trước hết, chúng tôi sẽ tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền huy động lực lượng của toàn xã hội tham gia công tác DS-KHHGĐ. Tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quyết định để hoàn thiện bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở đủ mạnh. Đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ làm công tác này, đặc biệt chú trọng đến công tác ghi chép, quản lý hồ sơ sổ sách và báo cáo các chỉ số về công tác DS-KHHGĐ của mỗi cộng tác viên (nhân viên y tế thôn, bản) và chuyên trách DS-KHHGĐ ở xã. Phối hợp chặt chẽ với hệ thống thực hiện dịch vụ KHHGĐ, tổ chức cung cấp đầy đủ, thuận tiện, kịp thời và đưa dịch vụ KHHGĐ đến tận người dân. Nghiên cứu các nội dung, phương thức tuyên truyền mới phù hợp với từng đối tượng. Làm tham mưu cho các cấp lãnh đạo xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm chính sách DS-KHHGĐ. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động công tác này để đào tạo tại chỗ, bổ sung những thiếu hụt kịp thời về công tác thống kê, báo cáo và kiến thức về tuyên truyền vận động trực tiếp của cộng tác viên đến từng đối tượng. Đó là những giải pháp trước mắt.
Còn về lâu dài, để giảm sinh vững chắc thì phải giải quyết đồng bộ các vấn đề về cơ cấu dân số, phân bổ dân số và đặc biệt là chất lượng dân số nhằm đảm bảo độ tin cậy cho người dân thực hiện gia đình ít con và duy trì vững chắc mức sinh thay thế.
* Xin cảm ơn ông!
|