Năm học mới 2008- 2009, huyện An Lão đã huy động được 557 trẻ trong độ tuổi từ 3-5 đến lớp mẫu giáo, đạt tỉ lệ 88,13% so với số trẻ trong độ tuổi…
|
Huyện An Lão có 6 điểm trường phụ và 1 trường chính được Dự án ECCE đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: QH)
|
Trẻ đến lớp đông hơn
Lớp mẫu giáo của cô Võ Thị Hường ở thôn 1, xã An Trung có 23 học sinh người dân tộc H’re. Trong đó, có 8 cháu 5 tuổi, 9 cháu 4 tuổi, còn lại là 3 tuổi. Dạy lớp ghép nhiều độ tuổi, cô giáo phải vật lộn với các chương trình khác nhau, trong khi nhiều cháu chưa nói được tiếng phổ thông, thật không đơn giản. Để hoàn thành trách nhiệm, cô Hường đã cố gắng làm thêm nhiều đồ chơi, tranh vẽ… bởi phải có hình ảnh trực quan học sinh mới có thể tiếp thu được các chủ đề của chương trình học một cách đầy đủ nhất. Cô giáo Vũ Thị Hường là người Kinh, bám trụ với các học sinh vùng cao đã 20 năm nay.
Trước đây, cô Hường dạy ở thôn 6, cách nhà khoảng 4-5 km. Cô tâm sự: “Lớp mẫu giáo đã được Dự án Chăm sóc và giáo dục mầm non, do Chính phủ New Zealand tài trợ xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm học đến nay nên trông đã khang trang, sạch đẹp và đảm bảo các tiêu chuẩn của một phòng học dành cho học sinh mẫu giáo, chứ như trước đây thì còn tạm bợ lắm. Bởi vậy, năm học này, phụ huynh học sinh đã đưa con ra lớp đông hơn các năm trước…”. Thấy tôi nhìn quanh lớp học, cô Hường cho biết thêm: “Mấy bộ bàn ghế học sinh được đưa từ lớp học cũ về nên chưa đồng bộ. Đồ dùng, đồ chơi… của cháu chưa được đầy đủ. Ngoài lớp học ra, sân chơi, tường rào, cổng ngõ cũng còn tạm bợ…cần được đầu tư xây dựng thêm”.
|
Những học sinh mẫu giáo người dân tộc H’rê tỏ ra thích thú với các món đồ chơi. (Ảnh: QH)
|
Năm học này, xã An Trung có 6 lớp ghép mẫu giáo cho học sinh 3 độ tuổi với 115 học sinh, tăng hơn năm ngoái 62 học sinh. Bà Nguyễn Thị Ái Dân, cán bộ chuyên trách mầm non của Phòng GD-ĐT An Lão cho biết: “Năm nay, An Trung có 2 điểm trường mẫu giáo được Dự án chăm sóc và giáo dục mầm non đầu tư xây dựng (thôn 1 và thôn 5). Các phòng học khác, trước đây cũng đã được Chương trình 135 đầu tư khang trang… Nhờ công tác truyền thông (cũng thuộc Dự án chăm sóc giáo dục mầm non) đạt hiệu quả tích cực, nên phụ huynh người dân tộc thiểu số đã đưa con em ra lớp rất đông, không chỉ ra lớp mẫu giáo 5 tuổi mà còn 3-4 tuổi…”
Khởi sắc giáo dục mầm non vùng cao
Trước đây, tỉ lệ học sinh người dân tộc thiểu số ra lớp mẫu giáo ở An Lão còn thấp (khoảng 50- 60%). Ông Trương Tứ, Trưởng phòng GD-ĐT huyện An Lão cho biết: Do điều kiện dân cư ở các thôn, làng vùng cao còn thưa thớt và sống rải rác, không tập trung nên muốn mở lớp mẫu giáo phải mở đến địa bàn từng thôn học sinh mới đi học được. Vậy nhưng, số lượng học sinh trong độ tuổi mẫu giáo của từng thôn lại rất ít, nên ngành cũng chưa xây dựng được trường, lớp riêng cho các cháu. Phần lớn, học sinh mẫu giáo vùng cao phải học nhờ trường tiểu học, kho đội, nhà rông… nên số lượng học sinh ra lớp hàng năm thấp.
|
Cô giáo Võ Thị Hường dạy lớp ghép học sinh 3 độ tuổi (3,4,5 tuổi). (Ảnh: QH)
|
Năm nay, nhờ Dự án Chăm sóc và giáo dục mầm non (ECCE), huyện An Lão đã được xây dựng 6 phòng học mẫu giáo đủ quy cách ở 6 thôn thuộc các xã khó khăn như An Trung, An Dũng, An Quang, An Tân, An Hưng và 1 trường mẫu giáo chính (gồm 4 phòng học và các phòng chức năng) tại xã An Hòa. Ngoài ra, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, huyện cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm 5 phòng học mẫu giáo ở xã An Hòa, An Nghĩa, An Toàn. Ông Trương Tứ cho biết: Hiện nay, 27/29 thôn của 6 xã miền núi, đặc biệt khó khăn của huyện đã có lớp mẫu giáo với 28 lớp, 557 học sinh ra lớp (đạt tỉ lệ 88,1% so với số trẻ trong độ tuổi). Xã An Quang có 63 học sinh ra lớp ở cả 3 độ tuổi (bé- nhỡ- lớn), đạt tỉ lệ 100%, cao nhất từ trước đến nay; xã An Dũng có 97 học sinh ra lớp (năm ngoái chỉ có 57 em); xã An Hưng có 77 học sinh (năm ngoái 53 em)… Đây là một tín hiệu vui đối với giáo dục mầm non vùng cao huyện An Lão.
Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, năm học này, huyện cũng đã tuyển thêm 5 giáo viên mẫu giáo, nâng tổng số giáo viên trực tiếp giảng dạy lên 43 người. UBND huyện cũng đã ra quyết định thành lập 4 trường mẫu giáo riêng biệt cho xã: An Quang, An Dũng, An Trung, An Hưng (trước đây, do ban giám hiệu trường tiểu học kiêm quản lý mẫu giáo). Ông Trương Tứ cho biết: Nhờ được quan tâm đầu tư, nên 2 năm gần đây, giáo dục mầm non vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã khởi sắc. Các lớp mẫu giáo đã được xây dựng khang trang, mua sắm đồ dùng, đồ chơi… Tuy nhiên, so với yêu cầu, giáo dục mầm non vùng cao An Lão vẫn cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tách trường mẫu giáo ra khỏi khối tiểu học; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên mầm non; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở các thôn, làng vùng cao…”
|