Ra đời cách đây hơn chục năm, với ưu thế giá cả phải chăng, mẫu mã phong phú, các cửa hàng cho thuê trang phục văn nghệ ở TP Quy Nhơn ngày càng chiếm được sự quan tâm của nhiều đối tượng khách hàng. Có nhiều điều thú vị xung quanh chuyện nghề của những nữ chủ nhân các cửa hàng ấy…
|
Chị Minh Hoa (phải) đang tư vấn cho khách hàng. Ảnh: Văn Trang
|
* Những cửa hàng “đặc biệt”
Điểm đặc biệt đầu tiên, đó là đối với các bà chủ, cho thuê trang phục văn nghệ chỉ là nghề tay trái. Trong khi chị Trần Thị Nhơn (cửa hàng Nhơn, 598 Nguyễn Thái Học) là người phụ trách phục trang, NSƯT Lệ Quyên (cửa hàng Việt Quyên, 608 Nguyễn Thái Học) là diễn viên - cả hai đều làm việc tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn, thì chị Võ Thị Minh Hoa (cửa hàng Minh Hoa, 11/6 Võ Văn Dũng) là điều dưỡng ở Bệnh viện đa khoa TP Quy Nhơn.
Hiện nay, để may mới trang phục văn nghệ phải tốn ít nhất từ 200.000-300.000 đồng/bộ. Trong khi đó, mức giá cho thuê dao động từ 10.000-15.000 đồng/bộ, vì vậy, thuê trang phục cho các tiết mục văn nghệ là sự lựa chọn tốt nhất của nhiều đối tượng. Bạn Thúy Kiều, sinh viên trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: “Nếu không có những cửa hàng cho thuê trang phục như thế này, không biết sinh viên bọn mình sẽ xoay đâu ra trang phục biểu diễn”.
Không chỉ những đối tượng “con nhà nghèo” như học sinh, sinh viên, mà ngay cả nhân viên các công ty, xí nghiệp lớn cũng lựa chọn hình thức thuê trang phục cho các tiết mục văn nghệ của mình. Điều đặc biệt là mức giá cho thuê trang phục áp dụng cho từng đối tượng thường khác nhau. Đối với các khách hàng là học sinh, sinh viên, giá cho thuê sẽ thấp hơn 1/3, thậm chí một nửa so với các công ty, xí nghiệp. Như cửa hàng Minh Hoa, đối tượng được cửa hàng giảm giá đặc biệt là ba “nhà”: nhà thờ, nhà chùa và nhà trường.
Hầu hết các chủ cửa hàng đều tự thiết kế mẫu và may trang phục. Không chỉ được tạo ra sản phẩm theo ý mình, đó còn là một hình thức tăng thêm thu nhập. Theo chị Hoa, một chiếc áo dài nếu thuê thợ bên ngoài cũng mất ít nhất 50.000 đồng tiền công. Chính vì vậy, mặc dù không được học nghề bài bản nhưng chị vẫn mày mò, học hỏi để tự may được các bộ trang phục cho cửa hàng của mình. Chị phải tranh thủ kiếm thêm, phụ vào khoản lương điều dưỡng nuôi hai đứa con gái ăn học.
Một điểm đặc biệt nữa là, khi đến với các cửa hàng cho thuê trang phục, khách hàng còn được tư vấn lựa chọn trang phục đúng và đẹp. Chị Quyên tâm sự: “Nhiều khách hàng đến thuê trang phục mà không biết dùng loại nào cho phù hợp, tôi phải tư vấn cho họ. Có trường hợp, tiết mục múa Tây Nguyên, thấy bộ váy Mèo đẹp quá, lại có dù xanh đỏ nên cứ nhất quyết thuê đồ Mèo. Những trường hợp đó tôi phải lựa lời giải thích, thuyết phục cho họ hiểu, nếu họ không chấp nhận, tôi thà mất khách hàng đó chứ nhất quyết không cho thuê sai trang phục”. Kinh nghiệm và vốn hiểu biết nghệ thuật của chị Quyên đã góp phần tạo nên uy tín cho cửa hàng.
* Nữ chủ nhân và niềm đam mê
Nhiều nữ chủ nhân làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, nên khi kinh doanh họ cũng rất “nghệ sĩ”. Nhiều khi, chính cách làm việc ấy khiến họ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Không phải với ai, chủ cửa hàng cũng bắt phải đặt cọc, và mức đặt cọc nếu có cũng khác nhau tùy theo từng đối tượng. Hệ quả là khách hàng thuê đồ rồi… “chuồn” luôn. Chị Quyên đưa cho tôi xem những bằng tốt nghiệp, giấy chứng minh, thẻ sinh viên... mà người thuê đồ để lại. Lại có người trả đủ trang phục, nhưng lại thiếu nợ tiền thuê, có trường hợp nợ đến 2, 3 triệu đồng. Gặp những khách hàng như thế, các chủ cửa hàng chỉ biết lắc đầu, vì “Toàn là người quen, với lại mình là nghệ sĩ, đi đòi nợ, kỳ lắm”, chị Quyên cười.
Thế nhưng làm nghề này cũng có nhiều kỷ niệm vui. Chị Quyên kể lại chuyện mấy học sinh ở Tuy Phước đi xe buýt xuống trả đồ, gặp phải lúc trời mưa, chị phải mua bánh mì cho các cháu, “nhìn mấy đứa nhỏ vừa ướt vừa run, thấy thương lắm, dù sao chúng cũng vì nghệ thuật như mình!”.
Đối với những người ít nhiều gắn bó với nghệ thuật, mở cửa hàng cho thuê trang phục không chỉ tăng thêm thu nhập, mà còn để thỏa mãn niềm đam mê. Cả ngày tập luyện, biểu diễn tuồng, khi nào rảnh, chị Quyên lại loay hoay với mớ đồ văn nghệ. Chị còn truyền cả niềm đam mê cho người con gái.
Đối với chị Hoa, những bộ trang phục treo đầy tường, nằm la liệt dưới nền nhà chính là niềm đam mê duy nhất. Gần mười năm qua, ngày nào cũng thế, sau những ca trực ở bệnh viện, chị chỉ quẩn quanh với mớ đồ. Ngày Chủ nhật, chị ngồi từ 7 giờ sáng đến tận 12 giờ đêm. Từ chối tất cả cuộc vui với bạn bè, tỉ mẩn khâu, vá, giặt ủi, sắp xếp, công việc ấy chiếm hết thời gian của chị. Chị bảo: “Không thể nào dứt ra được, cứ như là người “nghiện” vậy. Cứ ra chợ, thấy loại vải nào đẹp, lại mua về. Xem tivi, thấy mẫu trang phục nào mới là y như hôm sau phải bắt chước may cho bằng được”. Với niềm đam mê ấy, chị luôn cố gắng sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, phù hợp với xu hướng, thị hiếu của giới trẻ nên rất được các bạn học sinh, sinh viên tìm đến. Thỉnh thoảng, chị lại nhận lời đi tập múa cho học sinh. Chị nói: “Được nhìn các cháu xinh xắn trong những trang phục mình may, không niềm vui nào bằng”…
|