Quán không tên, không nhạc, rất “mi-ni” với vài ba bộ bàn ghế nhựa. Ấy vậy mà nhiều người, với niềm hứng thú, sở thích, vì túi tiền không nhiều hay đơn giản chỉ là thói quen (mà cũng có khi là tổng hợp tất cả những lý do trên), đã chọn cho mình không gian ấy để bắt đầu một ngày mới.
|
Khách cà phê cóc thuộc nhiều giới, thành phần khác nhau.
|
* “Khơi nguồn sáng tạo” từ... vỉa hè
6 giờ sáng, ông Hải, chủ quán cà phê đầu đường Lê Lợi (TP Quy Nhơn) đã dọn quán xong và bắt đầu đón những vị khách đầu tiên. Khách của ông là công chức các công sở gần đó, khách lưu trú ở khách sạn Lê Lợi, những bác tài xe ôm, xích lô, công nhân… Chỉ tay về phía khách sạn Lê Lợi, ông kể: “Khách quán tui chủ yếu là ở đó ra. Mỗi tháng khách sạn tổ chức 3 - 4 đợt tập huấn, mỗi đợt vài ngày nên tui bán cũng được 70 - 80 ly cà phê mỗi ngày”.
Cũng như những quán cà phê cóc khác, quán của ông Hải gói gọn trong diện tích chừng 10m2, với một tủ thuốc lá, vài bộ bàn ghế nhựa, thùng đá, thùng nước trà, xô nước rửa ly, mấy két nước ngọt… Khách gọi: “Chú Ba, cho ly đen!”, ông nhanh nhẹn rót cà phê đã pha sẵn ra ly rồi lấy chén đá, hũ đường, trà đá mang lại cho khách. Nơi pha chế cũng chính là chiếc bàn khách đang uống cà phê gần chỗ ông để ly tách. Có khi có cậu con trai phụ, có lúc mình ông chạy ngược chạy xuôi.
Nói đến cà phê cóc, giới sành cà phê thường nhắc đến quán ngay ngã tư Tăng Bạt Hổ - Bà Triệu của chị Thảo. Sáng nào quán cũng đông nghịt khách, từ cán bộ công chức đến văn nghệ sĩ, dân lao động…, cả nam lẫn nữ. Đặc biệt, đến mùa Euro hay World Cup thì buổi sáng nơi đây luôn sôi nổi những cuộc bàn luận và đầy ắp thông tin bên lề trận đấu từ chính khách hàng… Nay thì chị Thảo đã đập căn nhà cũ để xây nhà mới nhưng vẫn không nghỉ bán. Quán dời sang căn nhà gần đó, khách vẫn đông.
Cũng thu hút khá đông khách là 2 quán cà phê cóc trên đường Lê Hồng Phong, trước Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, bàn ghế cũng chỉ có 3 - 4 bộ, vậy mà sáng nào khách cũng chen chúc nhau ngồi. Khách gọi ly đen đá, bà chủ quán cho cà phê pha sẵn và đường vào một chiếc ly nhựa có nắp rồi lắc qua lắc lại cho nổi bọt trước khi chế ra ly, như một batender pha coktail, nhưng với “phong cách” rất bình dân của hàng cà phê cóc.
Những quán cà phê cóc thường đắt hàng vào chừng 6 - 7 giờ sáng, trước khi bắt đầu giờ làm việc. Nhưng cũng có những quán, như quán nhỏ ngay bến xe lam ở đường Trần Quý Cáp (gần chợ Lớn cũ) dọn ra từ lúc 4 giờ sáng để đón khách là các tài xế xe lam, ba gác, xích lô chở hàng xuống chợ.
Lại có những quán cà phê cóc là điểm hẹn làm ăn của nhiều nhóm người đủ thành phần, từ làm ăn buôn bán đến cá độ đá banh hay bài bạc…
|
Cà phê cóc cũng có sức hấp dẫn riêng của mình.
|
* Hấp dẫn cà phê cóc
Cà phê cóc bình dân từ giá cả cho đến cung cách phục vụ. Nên nhiều người thường nghĩ rằng chỉ có giới bình dân, người lao động tay chân mới uống. Nhưng không hẳn vậy. Bởi suy cho cùng thì người ta chọn những quán cà phê lớn cũng chỉ vì muốn tìm một không gian đẹp để thư giãn, chất lượng thức uống và những điều khác là thứ yếu. Vậy nên, với cà phê cóc, bỏ qua những bất tiện về chỗ ngồi, không gian, vẫn có những thế mạnh riêng mà chỉ những ai thường lui tới mới hiểu hết.
Anh Nguyễn Bá, làm việc tại một cơ quan thông tin đại chúng, nói rằng cà phê cóc có những điều rất bổ ích cho công việc của anh mà các quán lớn không có được. Quán nhỏ, khách lại chẳng thuần một giới nào nên chẳng ai e dè, có khi còn tỏ ra hứng thú bởi những điều mình nói ra là “tin nóng”, “tin độc” mà những người xung quanh chưa biết. Khi đó, cà phê cóc là “trung tâm nghe nhìn”, nơi có thể được nghe ngóng rất nhiều chuyện trên trời dưới biển. Còn anh Ngô Phúc, người thường xuyên ghé quán cà phê cóc góc Tăng Bạt Hổ - Bà Triệu thì nói: “Tôi uống ở đây để thường xuyên được nghe “tám” chuyện trên trời dưới đất. Nguồn tin do “hãng thông tấn vỉa hè” cung cấp có cái trúng, có cái trật nhưng phần nhiều khá chính xác. Đó cũng là cách tôi xả stress vậy”.
Rồi, ngồi ở quán cóc, khách cũng có thể cảm nhận rất tường tận mùi vị cuộc sống qua bụi bặm, mùi khói xe, tiếng rao, những sắc màu quán xá, áo quần, xe cộ người đi đường… Quán thường nằm dưới một tán cây, dễ gợi liên tưởng đến “quán cóc liêu xiêu một câu thơ” trong một bài hát về Hà Nội. Khi đó quán cóc là nơi tìm cảm giác mới lạ của những người có thú khám phá những ngóc ngách cà phê. “Đi cà phê vườn, cà phê hộp hoài, lâu lâu ngồi quán cóc thấy hay hay, cảm giác khác hẳn mọi ngày” - một vị khách tình cờ gặp ở quán cóc đường Lê Hồng Phong đã nói vậy.
Còn một điều nữa không thể không nói là cà phê ở đây giá cả cực kỳ rẻ, bằng 2/3, thậm chí 1/3 so với các quán thường. Khỏang 3.000 - 4.000đ một ly cà phê đen, 4.000 - 5.000đ một ly cà phê sữa - sức hấp dẫn của cà phê cóc còn là ở đó.
Và ngoài những ưu thế trên, cà phê cóc còn ẩn trong nó những câu chuyện đời gợi nhiều cảm xúc, không phải từ khách mà chính từ những cuộc trò chuyện chân tình giữa chủ và khách - điều mà những quán cà phê lớn không có được. Như ông chủ quán cà phê đầu đường Lê Lợi, một bữa kể rằng ông vốn là chủ một cơ sở chuyên kinh doanh pháo. Năm đó, ông thế chấp nhà cửa và vay vốn để gom hàng chuẩn bị bán tết, lại cũng đúng lúc Nhà nước cấm đốt pháo. Lô hàng ấy bị hủy và ông trắng tay. Gia đình ông phải ở nhà thuê 7 - 8 năm trời, đến gần đây mới cất được cái nhà nho nhỏ. Cũng từ đận ấy, ông mở cái quán cóc này, tính đến nay là đã 13 năm rồi…
|