Nguy cơ tái nghèo!
15:36', 29/9/ 2008 (GMT+7)

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 5 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam diễn ra cách đây chưa lâu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã nhận định: “Hiện người nghèo đang phải gánh chịu hậu quả của thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế và lạm phát cao. Tỷ lệ tái nghèo đang có chiều hướng tăng lên”. Còn theo Dự báo của Bộ Kế hoạch- Đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam cuối năm 2008 sẽ vào khoảng 14,5%, cao hơn 2,5% - 3,5% so với chỉ tiêu đặt ra là 11 -12%.

Rõ ràng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, được cộng đồng thế giới đánh giá rất cao trong công tác xóa đói giảm nghèo, song trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá cả leo thang và thiên tai, dịch họa liên tiếp xảy ra, tình trạng tái nghèo đang có xu hướng gia tăng tại nhiều vùng trong cả nước, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi. Một tính toán đơn giản cũng cho thấy rõ điều đó là một thực tế khó tránh. Trung bình ở nước ta, mỗi người dân thu nhập một năm chỉ vào khoảng 5-7 triệu đồng. Trong điều kiện tất cả các loại chi phí cho sản xuất và sinh hoạt đều tăng như vừa qua đời sống nhiều người nghèo đã khó càng thêm khó khăn hơn.

Thời gian qua, nhà nước đã dành ra một khoản tiền thích đáng để hỗ trợ người nghèo về giống cây trồng, vật nuôi, trợ giá xăng dầu, vật tư sản xuất… Đặc biệt là chính sách giúp người nghèo nguồn vốn vay với lãi xuất ưu đãi để làm ăn, phát triển sản xuất- kinh doanh tạo cơ hội xóa đói giảm nghèo. Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho biết, sau 5 năm hoạt động, ngân hàng này đã đưa gần 50.000 tỉ đồng (tương đương 3 tỉ USD) vốn vay của Nhà nước đến các hộ nghèo, các đối tượng chính sách. Từ nguồn vốn này, đã có hơn 9,1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn và 1,4 triệu hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thì khu vực nông thôn, nông nghiệp hiện mới chỉ chiếm 17% tổng vốn đầu tư cho nền kinh tế. So sánh tương quan về tỉ trọng trong tổng GDP cũng như tỉ lệ dân số sống ở nông thôn, sống dựa vào nông nghiệp thì rõ ràng là quá mất cân đối. Vì vậy, trên thực tế, với nhiều hộ nghèo thì để vay được vốn không phải là chuyện dễ dàng(!). Thêm vào đó, cùng với cách thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lại không có “bà đỡ” từ phía ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp, nên với đa số nông dân, cũng là những người nghèo, thì từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm luôn luôn gặp rất nhiều khó khăn, thua thiệt đủ đường.

Nhớ lại cách đây vài tháng, đã có lúc giá lương thực, cụ thể là giá gạo, tăng cao chóng mặt. Giá tăng cao nhưng người trồng lúa lợi chỉ chút ít, còn thương lái lợi phần nhiều. Thế rồi, thấy giá lúa tăng, nhiều nông dân đua nhau chặt cây, phá vườn để trồng lúa. Giờ đây, khi đã vào vụ thu hoạch, lúa của nông dân chất đầy nhà mà giá rẻ bèo, chẳng thấy doanh nghiệp nào đến mua khiến nhiều nông dân “ôm” đống lúa mà lòng dạ thì như…”đốt lửa”. Sản xuất- tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, lại rơi đúng vào thời kỳ mà nền kinh tế đang gặp khó khăn, lạm phát đang ở mức cao… chính là nguyên nhân tiềm ẩn rất lớn của nguy cơ tái nghèo ở nước ta hiện nay.

Vì vậy, để công tác xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả, giảm nguy cơ tái nghèo thì một trong những vấn đề mấu chốt là phải có chính sách trọn gói để giải quyết một cách đồng bộ và căn cơ đối với các vấn đề của người nghèo. Bên cạnh việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội thì việc cải thiện hạ tầng, phát triển sản xuất phải có sự chuyển biến nhanh, mạnh, hiệu quả hơn càng sớm càng tốt. Nếu không, tình trạng tái nghèo sẽ ngày càng nghiêm trọng và mục tiêu xóa nghèo sẽ càng trở nên khó khăn hơn không chỉ trước mắt mà cả lâu dài.

  • Trần Tường Ân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trao học bổng khuyến học “Vòng tay đồng đội” lần thứ nhất  (29/09/2008)
Tặng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo  (29/09/2008)
Phí BHYT của các đối tượng chính sách xã hội tăng từ 130.000đ/năm lên 194.000đ/năm  (29/09/2008)
Có nhiều chuyển biến  (29/09/2008)
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện thăm và chúc mừng các cụ thọ trên 100 tuổi  (29/09/2008)
Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy  (28/09/2008)
Ngẫu hứng cà phê cóc  (27/09/2008)
Nữ chủ nhân và những cửa hàng “đặc biệt”  (27/09/2008)
Tăng chế độ đãi ngộ và trợ cấp cho các tổ chức giám định  (27/09/2008)
Toàn tỉnh có 189 cụ có tuổi thọ từ 100 tuổi trở lên  (27/09/2008)
Trẻ đã vui đến trường  (26/09/2008)
100% chi hội nhà báo cơ sở tổ chức xong đại hội  (26/09/2008)
Khen thưởng các cá nhân cảnh giác bắt trộm  (26/09/2008)
“Xốc” lại bộ máy làm công tác dân số ở huyện, xã  (26/09/2008)
Tăng cường dạy nghề  (25/09/2008)