Nghề làm chu nhang ở Đập Đá
9:56', 1/1/ 2009 (GMT+7)

Làm chu nhang được xem là nghề truyền thống của người dân thị trấn Đập Đá (An Nhơn). Trước đây, nghề này chỉ mang ý nghĩa giải quyết thời gian nông nhàn, thế nhưng hiện nay nó đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho không chỉ người dân sở tại mà còn giải quyết được việc làm cho hơn 500 lao động của các địa phương lân cận.

 

Chẻ tre thành chu nhang.

 

Thị trấn Đập được mệnh danh là đất đa nghề, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống đã được nhà nước công nhận. Riêng nghề làm chu nhang phát triển mạnh mẽ nhất. Trước đây, nghề chu nhang chỉ nhỏ lẻ có tính chất trong hộ gia đình. Thời gian nông nhàn, đàn ông đi dạo làng mua dăm cây tre, trảy về cho vợ con chẻ thành từng sợi chu (cọng nhang) rồi bó thành từng bó bán cho các hộ chuyên lăn bột theo phương thức thủ công để làm thành cây nhang. Khi ấy, sản phẩm làm ra cũng chỉ được bán theo cách tính thiên (1.000 cây) hoặc muôn (10.000 cây) và đầu ra cũng chỉ quanh quẩn trong các chợ quê. Từ khi Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng hình thành, nhiều hộ đã đầu tư thành lập nhiều cơ sở làm chu nhang có quy mô lớn thu hút nhiều lao động tại địa phương và hàng trăm lao động ở các xã lân cận như: Nhơn Thành, Nhơn Hậu.

Ở Đập Đá, chúng tôi thấy có đến gần vài chục cơ sở bột nhang làm ăn quy mô lớn, có thể kể tên: Nga Lâu, Lưu Ngãi, Lê Thị Thảo, Công ty Liên lục địa TP HCM, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Thị Ân, Thu Hà, Quỳnh Dao, Nguyễn Thị Hồng, Duy Khương, Thu Trinh… Theo ông Nguyễn Văn Giác, Chủ tịch UBND thị trấn, hằng năm sản phẩm của các cơ sở này xuất ra thị trường trong và ngoài nước có đến hàng ngàn tấn. Công nhân ở đây làm việc theo ca, hoạt động cả ngày đêm. Sự làm ăn hưng thịnh của các cơ sở này đã thu hút trên 500 lao động, với mức lương ổn định từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Phát triển song song với các cơ sở sản xuất bột nhang là những cơ sở chỉ chuyên làm chu nhang. Chị Nguyễn Thị Sương, chủ cơ sở làm chu nhang ở thị trấn Đập Đá, cho biết: “Ở đây có nhiều thanh niên khỏe mạnh chuyên đi lên các tỉnh Tây Nguyên,  vào tận các làng mua tre rồi cưa từng khúc theo quy cách 40-50cm chở cả xe tải về bán theo bó (mỗi bó đều theo quy chuẩn thống nhất bằng cân lượng). Bó tre loại 40cm được bán 110 ngàn đồng/bó, bó loại 50cm có giá 120 ngàn đồng/bó. Mua xong, hộ nào nhận chẻ chu nhang cơ sở sẽ cho người chở tre đến tận nhà. Chẻ xong họ chở đến giao lại cho cơ sở và nhận tiền công 50.000 đồng/bó tre ống. Sau đó, nhân công của cơ sở sẽ cho từng sợi lên máy chà bóng, lựa cọng lép bỏ ra rồi bó lại thành từng bó, mỗi bó 2.500 cây. Khi hoàn chỉnh, sản phẩm này được cung ứng cho các cơ sở làm nhang ở TP HCM với giá 12.000 đồng/bó (2.500 cây). Công việc không có gì nặng nhọc nhưng cơ sở đã giải quyết được việc làm cho gần chục công nhân, với mức thu nhập hơn 800.000 đồng/tháng/người và công việc có đều đặn quanh năm”.

 

Làm bóng sợi chu nhang.

 

Theo cái đà hưng thịnh của nghề làm chu nhang, hơn 150 hộ dân với gần 350 lao động ở đội 10, thôn Bả Canh (thị trấn Đập Đá) trước đây chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quanh năm “bấu” vào những thửa ruộng, mọi chi tiêu đều trông cả vào hạt thóc thì nay ai cũng có thêm nghề để kiếm thêm thu nhập. Nghề chẻ chu không bó buộc về thời gian, rảnh tay lúc nào thì cầm rựa lúc ấy. Người già, con trẻ đều làm được.

Chị Nguyễn Thị Sáu vừa chuốt chuốt thanh tre vừa vui vẻ trò chuyện: “Nhà tôi có 6,5 sào ruộng nhưng vì đông “miệng ăn” quá nên trước đây luôn lâm cảnh túng bấn. Từ năm 2000 đến nay, nhờ nghề làm chu nhang phát triển, sau khi làm xong mùa màng, tôi nhận tre về cho mọi người trong nhà chẻ chu, dù chỉ là “làm xắp” nhưng cũng kiếm được 30.000 đến 40.000 đồng/người/ngày. Từ đó, nhiều khoản chi phí trong nhà đã có nghề chu nhang “lo” nên lúa trong bồ thừa ra mỗi năm mỗi ít, lâu dần thành nhiều và từ cảnh luôn phải đối mặt với sự thiếu hụt, nay gia đình tôi đã có của ăn của để. Vì vậy hầu hết dân đội 10, thôn Bả Canh đều xem nghề làm chu nhang là nghề “tay phải” của chúng tôi”.

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một số doanh nghiệp công bố mức thưởng Tết  (01/01/2009)
Thư chúc mừng năm mới 2009 của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ VN tỉnh Bình Định  (01/01/2009)
Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách an sinh xã hội  (31/12/2008)
Sống cho mình  (31/12/2008)
Được hỗ trợ tiền nước sinh hoạt và thuế nhà đất  (31/12/2008)
Phân bổ kinh phí và gạo hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt  (31/12/2008)
Triển khai nhiệm vụ quốc phòng năm 2009  (31/12/2008)
Trao học bổng, tặng quà Tết cho học sinh nghèo  (30/12/2008)
1.264 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng  (30/12/2008)
Giáo viên-thừa và thiếu!  (30/12/2008)
Lệ phí bản sao không quá 2.000 đồng/trang  (29/12/2008)
Được đầu tư xây mới khu nghiên cứu và chuyên môn kỹ thuật  (29/12/2008)
Cấp học bổng cho sinh viên các tỉnh Nam Lào  (29/12/2008)
Tăng cường bảo đảm TTATGT trước, trong và sau Tết Kỷ Sửu  (29/12/2008)
Khi internet “tấn công” trường học  (27/12/2008)