Tuy chưa có số liệu thống kê một cách đầy đủ, nhưng tình trạng giáo viên (GV) mầm non bỏ việc đã và đang diễn ra ở nhiều trường mầm non, nhất là các trường mầm non ngoài công lập ở TP Quy Nhơn. Công việc cực nhọc, vất vả, lương thấp… khiến nhiều GV không yên tâm gắn bó với nghề, sẵn sàng rời bỏ chỗ dạy khi tìm được công việc khác thuận lợi hơn.
|
Công việc nặng nhọc, lương thấp khiến nhiều GV mầm non bỏ việc. Ảnh: N.Q
|
* Giáo viên tư thục nhiều biến động
Năm ngoái, gởi con ở Trường mầm non bán công Hoa Hồng (đường Trần Hưng Đạo), tôi đã được tiếp xúc với khá nhiều cô giáo trẻ, năng nổ, nhiệt tình trong công việc. Vậy mà, giờ nghe nhiều cô trong số đó đã bỏ việc. Cô N.T.B.H, một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, khá xông xáo trong các hoạt động văn- thể- mỹ thì bỏ việc ở nhà phụ giúp chồng làm kinh doanh; cô T.H, sau khi sinh con và nuôi con nhỏ cũng không trụ lại được với nghề…
Bức xúc với tình trạng GV bỏ việc, bà Phan Thị Hiền, chủ trường mầm non tư thục Sơn Ca (phường Trần Quang Diệu) cho biết: “Từ đầu năm học tới nay, trường đã có 3 GV bỏ việc không báo trước, có cô bỏ việc ngay sau tuần đầu khai giảng làm cho trường hết sức bị động…”.
So với nhiều địa phương khác, các loại hình giáo dục mầm non ở TP Quy Nhơn phát triển khá đa dạng, đáp ứng yêu cầu gởi trẻ của phụ huynh học sinh. Bên cạnh hệ mầm non công lập được mở ra ở các xã khó khăn, hải đảo, các trường tư thục cũng phát triển đều khắp song hành cùng các trường dân lập, bán công. Tuy nhiên, tình trạng GV mầm non bỏ việc hoặc “nhảy” việc từ cơ sở mầm non này đến cơ sở mầm non khác, nhất là ở các cơ sở tư thục là rất đáng báo động, nhất là trong vài năm gần đây.
Một chủ cơ sở mầm non tư thục cho biết: “GV mầm non chủ yếu là nữ, mới ra trường, nhiều cô đến khi lập gia đình, nghỉ sinh là bỏ việc hoặc chuyển đi nơi khác theo chồng...”. Cũng do sự biến động của đội ngũ GV nên ở hầu hết các cơ sở mầm non tư thục, GV nào trụ lâu ở một cơ sở nhiều nhất cũng chỉ 5- 6 năm. Khi GV bỏ việc, “nhảy” việc các trường lại tuyển người mới, hầu hết là GV trẻ, mới ra trường, kinh nghiệm giảng dạy còn ít, lại cần phải có thời gian đào tạo, “thử thách” nên khó mà ổn định để nâng cao chất lượng giảng dạy được.
* Công việc nặng nhọc, lương thấp
TP Quy Nhơn có 522 GV mầm non, trong đó có 221 GV mầm non đang dạy ở các trường, cơ sở tư thục. Theo bà Trần Thị Thanh Trúc, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn: “Nguyên nhân GV mầm non bỏ việc là do lương thấp. Ngoài ra, giữa GV và chủ cơ sở tư thục vẫn còn có những bất ổn về mặt tâm lý...”.
Bình quân lương của GV mầm non dân lập ở TP Quy Nhơn chỉ khoảng 540 ngàn đồng/người/tháng, lại không ổn định; ở hệ tư thục chỉ khoảng 1 triệu đồng/người/tháng, có nơi chỉ trả được 800 - 900 ngàn đồng. Còn khá khiêm tốn so với giá cả hiện nay.
Lương GV thấp do học phí thu thấp. Các trường mầm non bán công thu học phí theo quy định của Nhà nước, phần thiếu hụt được Nhà nước bù. Còn các trường tư thục cũng phải… “liệu cơm gắp mắm”. Theo chủ của một trường mầm non tư thục ở phường Nguyễn Văn Cừ: “Với mức thu học phí hiện nay (110 ngàn đồng/HS/tháng) khó mà trang trải được các hoạt động và trả tăng lương cho GV mà muốn thu thêm cũng khó, vì còn tùy theo điều kiện của mình và cũng phải “nương” theo học phí bán công, nếu không phụ huynh HS khó chấp nhận”.
Lương thấp, tính chất lao động của các cô giáo mầm non lại khá cực nhọc, thời gian làm việc kéo dài 10-11 giờ mỗi ngày, nên nhiều GV không thể yên tâm với công việc. Cô giáo N.T.Đ, đang dạy tại một cơ sở tư thục cho biết: “Nhà tôi ở tận Tuy Phước, tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, Trường CĐSP Bình Định, tôi đã ở lại Quy Nhơn để làm việc. Nhưng với mức lương chỉ khoảng 800 - 900 ngàn đồng/tháng, không đủ để vừa thuê nhà ở vừa trang trải các chi phí ăn uống, sinh hoạt. Tôi rất băn khoăn về tương lai của mình…”.
Lương không đủ sống là lý do khiến đội ngũ GV mầm non, nhất là ở các cơ sở ngoài công lập thường có tâm lý làm việc tạm bợ, sẵn sàng đổi chỗ làm hoặc bỏ việc khi tìm được việc khác có mức thu nhập cao hơn.
* Giải pháp nào?
Khi vào làm việc ở một cơ sở mầm non tư thục, chủ trường có hợp đồng lao động đối với GV, trong đó có điều khoản, GV cam kết nếu nghỉ việc phải báo trước một tháng. Thế nhưng, rất ít GV khi bỏ việc giữ được cam kết này. Bà Trần Thị Thanh Trúc cho biết: “Để hạn chế tình trạng GV bỏ việc, nhảy việc, Phòng GD-ĐT đã yêu cầu các trường hàng năm phải gởi danh sách GV lên phòng, trong đó, phải đề cập đến việc có bao nhiêu GV cũ, GV mới, chuyển về từ trường nào? Nếu có sự chuyển đổi trong nội bộ ngành phải có sự đồng ý của trường cũ và sự tiếp nhận của trường mới…”.
Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là giải pháp “cứng”. Để hạn chế tình trạng GV mầm non bỏ việc, nhảy việc, vấn đề cơ bản vẫn là làm sao tạo được môi trường làm việc tốt, đồng lương đủ sống cho GV.
|