Tết đến mang theo muôn điều phải lo toan. Đối với những hộ thuần nông, hằng ngày không có đồng ra đồng vào, muôn sự đều cậy vào hạt lúa thì đây là quãng thời gian chật vật nhất trong năm. Chưa biết toan tính ra sao đã nghe tiếng rao ngoài đầu ngõ: “Ai có chó bán mua!”…
* Nghề rong chó
Chó vốn chỉ là loài vật nuôi để giữ nhà, thế nhưng hơn 15 năm trước, khi những lái buôn từ miền Bắc vào “đặt chốt” tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh để thu mua chó thì thanh niên các vùng nông thôn bỗng dưng có nghề mới, một cái nghề không cần phải qua học tập và không cần đầu tư vốn liếng nhiều. Phương tiện hành nghề rất đơn giản, chiếc xe đạp, cái giỏ sắt và cái kềm sắt to được thiết kế như kềm nhổ đinh dùng để kẹp cổ chó.
|
Xe chở chó “chuyên dụng” của các thương lái miền Nam. |
Mỗi sáng, cánh rong chó tập trung tại các chốt thu mua, ở đây, các chủ nậu sẽ ứng cho mỗi người một số tiền đủ để mua chó trong ngày. Sau đó mỗi người đi mỗi ngả, bắt đầu chuyến rong mua. Ai đi xe đạp thì quanh quẩn gần nơi chốt, ai có xe máy thì rong ruổi những vùng xa xôi, đi được nhiều nơi và có nhiều cơ hội mua được hàng. Không vội vã, họ cứ đi tà tà và “rải” khắp mọi nẻo đường những lời rao sang sảng: “Ai có chó bán mua!”. Nhiều lái rong vui tính và cũng là để thu hút sự chú ý của người nghe nên đã “chế” ra nhiều lời rao khá hài hước: “Ai có “phản chủ” bán mua!”. Hoặc: “Ai có chó cắn gà, chó “sida” bán mua!”.
Ở nông thôn, không nhà nào là không nuôi vài con chó để “ăn cơm đổ” và làm nhiệm vụ giữ nhà. Nhưng đến khi nhà có việc phải chi tiêu, những lời rao của cánh lái rong liền “chạm” vào sự túng bấn và những con chó liền “phóc” lên thành món hàng thương phẩm. Người bán gọi, người mua ghé xe vào. Con chó sắp bán được chủ nhà cho ăn bát cơm nguội để nó đứng yên cho người mua “coi mắt”. Phương thức mua bán chó là “mua bộ” (định cân lượng bằng mắt). Sau khi thỏa thuận, người mua rút “kềm” khỏi giỏ, len lén đi vòng ra phía sau, con chó đang mải mê “chén” bát cơm đâu biết chiếc kềm đang dần tiến sát vào cổ. Khi con chó phát hiện mình bị tấn công thì cái cổ đã nằm gọn trong gọng kềm và được cho vào giỏ sắt. Chủ nhà được nhận tiền còn người mua lại tiếp tục thả những lời rao cuộn theo những vòng xe cho đến chiều.
Quay về chốt thu mua, lái rong cân hàng nhập vào chuồng chủ nậu và nhận phần tiền chênh lệch giá. Anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Nhơn Khánh (An Nhơn) tâm sự: “Trước đây, thấy anh em trong xóm đi mua chó rong có thu nhập khá, tôi cũng “ham” lắm nhưng rồi cứ thấy ngài ngại cái nghề này nên tôi đi làm gỗ ở Khu công nghiệp Phú Tài. Từ tháng 3 đến nay vì hàng gỗ không xuất khẩu được nên xí nghiệp chỉ hoạt động “cầm hơi”, công nhân thất nghiệp hàng loạt, tôi về quê sắm giỏ, sắm “kềm” theo anh em đi mua chó. Dù mới vào nghề nhưng chỉ cần mỗi ngày mua được vài con chó là tôi đã kiếm được vài trăm ngàn. Gần Tết hàng “ăn” mạnh và tăng giá nên lãi khá”.
* Rong chó vào mùa
Vừa hoàn tất việc gieo sạ vụ đông xuân, cánh đàn ông ở các làng quê Bình Định liền sửa sang kềm, giỏ để rong mua chó. Đây chính thời điểm “hút hàng” nhất trong năm, bởi theo tục lệ tháng Giêng bán chó là xui rủi nên các đại lý chuyên cung cấp chó thịt cho các cửa hàng đặc sản “cầy tơ” từ Bắc vào Nam đều có nhu cầu dự trữ hàng. Cũng chính vì vậy mà giá cả của con chó tháng Chạp cứ tăng vùn vụt. Từ 18.000-19.000đ/kg hồi đầu năm giờ tại các chốt đã thu mua đến 24.000-25.000đ/kg. Các “chốt” bán lại cho thương lái lại được tăng thêm 2 giá nữa. Ấy vậy mà không chốt nào có đủ lượng hàng cung cấp theo yêu cầu của bạn hàng. Anh Trần Đình Dương ở Kim Châu, thị trấn Bình Định (An Nhơn), một người đã có hơn 15 năm làm chủ một chốt cho các thương lái miền Bắc, cho biết: “Các cửa hàng đặc sản có nhu cầu dự trữ đã đành, các đại lý sau khi cung ứng đầy đủ cho các cửa hàng cũng muốn dự trữ cho phần mình nên trong tháng này có bao nhiêu hàng bán cũng không đủ. Năm nay thanh niên thiếu việc làm nhiều nên lực lượng lái rong tăng thêm “quân số” và nhờ vậy mà tôi mới nhanh có đủ chuyến cho bạn hàng”. Anh Nguyễn Văn Thành, một thương lái ở miền Bắc, cho biết thêm: “Tôi là bạn hàng của rất nhiều chốt từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Mỗi chuyến hàng tôi thu được của mỗi chốt từ 5 tạ đến 1 tấn chó nhưng cũng chẳng “bõ bèn” gì so với nhu cầu của những mối hàng ngoài Bắc nên tôi phải “thả quân” lên tận đường biên giới thu mua thêm lượng chó từ bên Lào sang”.
“Hút” hàng là vậy nên trước đây những con chó hàng loại (từ 5kg trở xuống) hoặc những con chó “sida” (bị lác ngoài da) luôn bị các chốt từ chối thì nay tất tần tật đều được cho lên bàn cân. Trong khi đó, giá mua rong vẫn không thay đổi vì dân nông thôn không “cập nhật” được “biến động tăng” của giá chó nên cánh lái rong có cơ hội kiếm lời nhiều hơn. Anh Dương Văn Báu cho biết: “Con chó 10kg tụi em mua cao nhất là 100.000đ, về cân lại cho “chốt” được 240.000đ, mỗi ngày mua được vài ba con là lời “khẳm” rồi”. Còn anh Lê Văn Tài ở xã Phước Hiệp (Tuy Phước), một người bị tật bẩm sinh ở chân phải nhưng lại là một lái rong “thiện nghệ” thì tâm sự: “Em không có xe máy, chân lại bị dẹo không đạp xe đi xa như mọi người được nên em phải tìm ra cách riêng để tiếp cận chủ nhân của những con chó…”.
Cách tiếp cận mà Tài tiết lộ là: vào những buổi chợ phiên, Tài chọn đứng ở một nơi mà mọi người dễ thấy nhất và chặp chặp lại cất tiếng rao: “Ai có chó bán mua!”. Và trong số rất đông người đi chợ phiên luôn có số người có ý định bán chó. Nay ở phiên chợ này mai lại đến phiên chợ khác, cứ thế ngày nào Tài cũng mua được một giỏ chó đầy “lút be”!
|