Tháng Chạp: cúng giỗ, chạp mả, liên hoan cuối năm, tất niên… mọi mâm cỗ hầu như không thể thiếu vắng những chiếc “bánh tráng bẻ giòn giòn”. Thời điểm này mọi năm nghề tráng bánh tráng bội thu, nhưng giờ thì khác…
|
Mưa kéo dài rồi âm u khiến rất ít lò tráng bánh hoạt động. Ảnh: Q.K
|
* Nghề phụ, thu chính
Bình Định có rất nhiều người làm nghề tráng bánh tráng. Có thể kể những làng nghề bánh tráng nổi tiếng như: Trường Cửu (Nhơn Lộc), Hòa Cư (Nhơn Hưng), Kim Châu (thị trấn Bình Định) thuộc huyện An Nhơn và các làng nghề bánh tráng Kim Tây (Phước Hòa - Tuy Phước), Kiên Long (Bình Thành - Tây Sơn), mỗi làng nghề có đến hàng trăm hộ. Ngoài ra, rải rác đó đây trong khắp các vùng nông thôn còn có rất nhiều hộ làm nghề này. Và ngoài những làng nghề chuyên làm bánh tráng bằng gạo kể trên, còn có nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Hoài Nhơn chuyên làm bánh tráng mì.
Nếu mỗi ngày tráng khoảng 1.000 chiếc bánh, sau khi trừ các khoản chi phí, người làm bánh kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày. Ngoài thu nhập hằng ngày, nước vo gạo và bột thừa còn được tận dụng nuôi heo. Thu nhập từ đây được xem là khoản tiền tích góp, để dành. Vì thế, tiếng nghề phụ nhưng tráng bánh lại là nguồn thu chính của nhiều gia đình.
Dù hoạt động quanh năm, nhưng mùa ăn nên làm ra nhất của người làm nghề tráng bánh chính là thời điểm giáp Tết. Bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, các làng nghề trở nên nhộn nhịp và không khí Tết đã hiện diện sớm hơn tại nơi này. Chị Nguyễn Thị Liên, chuyên làm bánh tráng ở thôn Hòa Cư (Nhơn Hưng) kể: “Mọi năm, mùa này phải dậy thật sớm để tráng được nhiều bánh. Bình thường, tui chỉ tráng đến 1 giờ chiều là “xuống lò”, nhưng tháng Chạp thì làm đến khi tắt nắng”.
Bánh tráng tháng Chạp thường “đắt như tôm tươi”, có bao nhiêu cũng không đủ bán. Tất cả các chủng loại, từ bánh tráng mè để nướng, bánh tráng trơn cuốn rau, bánh cuốn chả để làm phong phú thực đơn ngày Tết cho đến đặc sản bánh tráng nước dừa dùng làm quà biếu đều được tiêu thụ rất mạnh. Những người mua sỉ thường mang tiền “đặt cọc” trước với các nhà lò để được mua bánh.
* Héo hon đợi Tết
Tháng Chạp, bánh tráng “ăn” rất mạnh. Vậy mà, hơn tháng nay, trời vẫn mưa liên tục. Đến thời điểm này, vẫn chưa có dấu hiệu hửng nắng nên các hộ làm nghề lo sốt vó. Ngoài chuyện không có thu nhập lo Tết, làm ra được cái bánh ngon cho người khác thưởng thức cũng là một niềm vui của dân làm nghề.
Mấy hôm nay, nhận điện thoại khách hàng giục bánh, chị Đoàn Thị Kim Chi, một hộ tráng bánh chuyên nghiệp ở thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước) đứng ngồi không yên. Bánh tráng phải phơi được nắng mới dẻo, gặp trời tù mù là bánh sượng sượng, dở không chi bằng. Vậy là chị nghĩ đến chuyện làm lò sấy bánh. Bánh tráng sấy bằng than, giá cao hơn bánh tráng phơi nắng một chút, nhưng khách hàng vẫn chuộng.
Theo các hộ làm nghề, có hai kiểu sấy bánh. Gác ngang 1 cây tre vừa tầm cao của những tấm vỉ, rồi dựng những vỉ bánh chụm đầu nhau theo hình chữ V ngược. Khoảng trống ở giữa những vỉ bánh là lò đốt. Hoặc, gác hai cây tre dài song song nhau để làm giá đỡ, rồi chất từng vỉ bánh lên trên. Sấy bánh bằng củi, chi phí ít, nhưng bánh vẫn bị sượng, có màu vàng và mùi khói. Vì thế, cánh thợ làng nghề thường sấy bánh bằng than, mặt bánh nhẵn đều, trắng sạch và dẻo thơm không thua bánh tráng phơi nắng.
Chị Chi tâm sự: “Tháng này mà lò không nổi lửa thì kể như gia đình không có Tết, nhưng làm bánh sấy tốn công mà chẳng lời lãi bao nhiêu. Bình thường, tui “quây” hơn 1.000 cái bánh, chứ thời tiết thế này, làm chỉ được 1/3. Sấy bánh phải canh lửa như nhiệt độ của trời nắng. Vì thế, một người không kham nổi mà phải huy động cả nhà cùng làm đến nửa đêm mới xong”.
Cũng vì quá vất vả nên nhiều hộ chấp nhận bỏ lò. Ngay như lò sản xuất bánh tráng bằng máy của HTX Nhơn Lộc 2 (An Nhơn) hơn tháng nay cũng chỉ tranh thủ được mấy hôm trời nắng. Một thành viên HTX Nhơn Lộc 2 giải thích: “Lượng bánh của máy làm ra lớn mà sấy theo kiểu thủ công thì không được, trong khi đó dây chuyền sấy bằng máy của chúng tôi đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Vì thế, hiện chúng tôi chưa tăng năng suất được”.
|