Trung tâm Hỗ trợ Phát triển CNTT Bình Định - CEDASIT(Sở Khoa học-Công nghệ) là một trong 2 trung tâm nằm trong diện chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học- công nghệ theo Nghị định 115 của Chính phủ. Để chuẩn bị cho bước ngoặt này, Trung tâm đang từng bước đa dạng hóa các loại hình đào tạo, phát triển các dịch vụ để có thể hoạt động ổn định.
|
Một giờ học tại lớp LTV ở CEDASIT. Ảnh: M.H
|
CEDASIT được thành lập theo QĐ số 81/2002/QĐ-UB ngày 22.7.2002 của UBND tỉnh. Một trong các chức năng hoạt động của Trung tâm là hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ. Trung tâm đã tiếp nhận công nghệ đào tạo lập trình viên (LTV) quốc tế của tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới là Aptech Ấn Độ.
Chất lượng đào tạo là vấn đề luôn được Trung tâm ưu tiên hàng đầu. Theo tiêu chuẩn quốc tế của Aptech, trước khi đăng ký học, học viên phải thi trực tuyến trên mạng internet theo ngân hàng đề thi của Aptech. Chương trình học được cung cấp theo chuẩn chung của Aptech Việt Nam và được đổi mới liên tục, cập nhật thường xuyên. Chương trình đào tạo, giáo trình của Aptech được xây dựng công phu hàng năm thông qua việc nghiên cứu, khảo sát nhu cầu và sự phát triển, thay đổi không ngừng của CNTT.
Giáo trình luôn thay đổi buộc giáo viên phải không ngừng tự cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ qua các chương trình học trên mạng internet... để có thể truyền đạt cho học viên tốt hơn. Theo quy định của quy trình chuyển giao, cán bộ, giáo viên của hệ thống Aptech toàn cầu đều phải thi sát hạch qua mạng theo định kỳ hàng quý và được Ấn Độ cấp chứng chỉ. Hàng năm, Trung tâm còn tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ theo các chương trình đào tạo CNTT trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, trung tâm thường xuyên tổ chức lấy phiếu thăm dò, đánh giá của học viên cho từng giáo viên với các nội dung: hỗ trợ cho học viên học tập, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng truyền đạt kiến thức… Qua quá trình đánh giá, giáo viên đạt điểm theo yêu cầu mới được tiếp tục giảng dạy.
Nhờ đào tạo có chất lượng, qua 6 năm hoạt động, số lượng học viên của Trung tâm không ngừng tăng lên; hiện nay có khoảng 950 học viên LTV, kỹ thuật viên mạng quốc tế… đang theo học. Thạc sĩ Thái Hoàng Uẩn, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Khoảng 3 năm trước, những học viên đăng ký các khóa LTV tại trung tâm đa phần là những sinh viên hoặc những người đang làm việc trong lĩnh vực CNTT. Thời gian gần đây số học viên mới tốt nghiệp PTTH đăng ký học các lớp LTV đã tăng nhiều. Ngoài các lớp LTV, các lớp kỹ thuật viên, quản trị mạng… cũng thu hút nhiều học viên hơn trước. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp tại Trung tâm đã tìm được việc làm tại tỉnh và các nơi trong nước”.
Nhằm đa dạng hóa loại hình đào tạo, Trung tâm đã liên kết với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng mở các lớp kỹ thuật viên với số lượng học viên đang theo học tại trung tâm khoảng 450 người. Trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu của học viên, Trung tâm sẽ liên kết với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM mở thêm hình thức đào tạo thạc sĩ CNTT qua mạng. Ngoài lĩnh vực đào tạo, Trung tâm còn mở rộng các dịch vụ: thiết kế phần mềm, xây dựng website, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị máy tính, thiết kế, lắp đặt mạng… Hiện nay, doanh thu của CEDASIT khoảng hơn 2,5 tỉ đồng/năm.
Trung tâm không chỉ đẩy mạnh hoạt động đào tạo qua việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mà còn không ngừng đầu tư về cơ sở vật chất, phát triển các dịch vụ nhằm nâng cao năng lực phục vụ và tính tự chủ để chuẩn bị chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học-công nghệ trong năm tới.
|