Là đơn vị sự nghiệp nên hầu hết các trường, cơ sở giáo dục đều không thưởng Tết cho giáo viên (GV), cán bộ, công nhân viên (CBNV). Với những đơn vị năng động hoặc có điều kiện tạo nguồn thu thì vẫn có khoản tiền, quà… gửi GV - CBNV, nhưng cũng chỉ… “động viên là chính”.
|
Tết đến, đa số GV đều bằng lòng với niềm vui... tinh thần! Ảnh: N.Q
|
* Lương còn... chưa có
Không khí Tết đang đến với mọi người, mọi nhà. Nhưng đối với CB, GV trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hoài Ân), chuyện đón xuân vẫn yên ắng. Hỏi đến chuyện thưởng Tết, nhiều GV ngậm ngùi: Là trường bán công, lương GV của trường chỉ chờ vào việc thu học phí của học sinh mà năm hết, Tết đến, nhiều phụ huynh đang rất khó khăn không có tiền nộp học phí nên chắc chắn là lương tháng 1 cũng không có trước Tết.
Không thưởng Tết, GV ở trường chỉ hy vọng vào các khoản tiền dạy thừa giờ, công tác phí… mà trường còn nợ từ năm ngoái để sắm Tết, nhưng xem ra, hy vọng vẫn quá mong manh. Ông Đào Xuân Tiện, Chủ tịch Công đoàn trường cho biết: “Với mức thu học phí hiện nay (100.000 đồng/HS/tháng) Nhà nước sẽ phải cấp bù học phí cho trường khoảng 460 triệu đồng/năm. Nhưng năm nay, trường chưa nhận được số tiền cấp bù này nên mọi hoạt động ở trường đang rất khó khăn. Các khoản nợ GV cũng khó được thanh toán…”.
Đề cập đến chuyện thưởng Tết, ông Trần Hữu Tường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Phước tỏ ra ngạc nhiên: “Không có đâu, đơn vị sự nghiệp mà, làm gì có nguồn thu để thưởng Tết… Từ lâu ngành đã không có khái niệm về chuyện này!”. Rồi ông Tường lại tự an ủi: “Nhìn chung, đời sống của GV không cao, nhưng có lương ổn định. So với người nông dân, đang còn phải đối mặt với mưa lũ muộn, khó khăn chồng chất thì GV ăn Tết hẳn là … “to” hơn rồi!”.
* Và lương “tháng 13”
Dù ít, Tết đến nhiều trường vẫn cố gắng gởi cho GV món quà “động viên tinh thần” khi thì gói bánh, gói mứt, bì hạt dưa khi thì lít dầu, bì bột ngọt… tính toán sao cho giá trị của mỗi món quà không được quá 30.000- 50.000 đồng. Cũng bởi là “quà tinh thần” nên đối tượng được nhận cũng khá rộng rãi, từ nhân viên hợp đồng, đến CB, GV đã nghỉ hưu. Bà Huỳnh Thị Phương Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn trường THPT Quốc Học cho biết: “Có được khoản phúc lợi này là nhờ trường cho tư nhân đấu thầu quầy photocoppy trước cổng trường. Mấy năm trước chỉ thu được 460.000 đồng/tháng, mới đây đã tăng lên được hơn 1 triệu đồng/tháng…”.
Nhờ tiết kiệm chi tiêu khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, một số trường THPT trong tỉnh đã có lương… “tháng 13”! Ông Phan Ngọc Bộ, Hiệu trưởng trường PTTH Nguyễn Trân (Hoài Nhơn) cho biết: “Năm ngoái, sau khi tính toán tất cả các chi phí cho dạy và học, trả tất cả các khoản chế độ, chính sách cho GV và cộng dồn phúc lợi từ nhiều năm trước, trường đã chi thưởng cho mỗi CB, GV tháng lương thứ 13. Năm nay, còn chờ cán bộ kế toán quyết toán. Nhưng, có lẽ là khó có lương tháng 13 vì phải chi tiền thừa giờ, chấm bài cho GV và tăng cường cơ sở vật chất quá nhiều… Tuy nhiên, năm tới trường sẽ được tách học sinh cấp 2 ra khỏi cấp 3 (hiện nay, trường PTTH Nguyễn Trân có 2 hệ học sinh, THCS và THPT) nên ít nhiều cũng sẽ trích thưởng để tạo không khí vui vẻ trong CB, GV”.
Cũng như trường Nguyễn Trân, trường THPT Quốc Học Quy Nhơn cũng đã bắt đầu có “lương tháng 13” cho GV từ khi được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Cô giáo P.N, dạy Sinh học cho biết: “Năm ngoái, tôi được nhận “lương tháng 13” là 3,5 triệu đồng, cộng với khoản lương tháng 2 được nhận trước 3,1 triệu đồng… cũng là đủ để sắm một cái Tết tươm tất...”.
Còn ông Nguyễn Đình Thọ, Phó Hiệu trưởng trường Quốc Học cho biết thêm: “So với mặt bằng chung của xã hội, mức sống của GV cũng thuộc vào hàng trung bình. Nhìn lên- không được bằng ai, nhưng nhìn xuống- cũng không ai bằng mình. Đã hơn 20 năm gắn bó với nghề, dù có những giai đoạn khó khăn hay những lúc thong thả hơn, gia đình tôi vẫn giữ được truyền thống ăn Tết vui vẻ, ấm cúng, đầy đủ về mặt tinh thần…”
|