Tết Nguyên đán sắp đến, những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khó khăn phải gánh nhiều nỗi lo: mua sắm quần áo cho con, lo bánh kẹo, thịt thà ăn tết… Họ cố đi làm thêm để có tiền mua sắm Tết.
|
Chị Mỹ Hương (bên trái) đang tất bật với công việc đóng gói sản phẩm tại cơ sở chế biến thực phẩm của Công ty Hương Quê.
|
* Gánh nặng
Chị Bùi Thị Mỹ Hương, 40 tuổi (KV1, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn) vốn làm nghề may gia công các loại chăn, mùng, ra… Giáp tết, các cơ sở sản xuất ít hàng nên chị cũng thiếu việc. Chị được một người bạn giới thiệu đến làm thời vụ ở cơ sở sản xuất thực phẩm của Công ty TNHH TM và SX Hương Quê (phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn) với mức lương 900.000đ/tháng. Buổi sáng, chị tranh thủ lo việc gia đình, từ 1 giờ chiều đến 9 giờ tối chị đi làm. Nhiều ngày, chị phải thức dậy từ 4 - 5 giờ sáng để tranh thủ may gia công khi có hàng và về nhà lúc nửa đêm vì có đơn đặt hàng thực phẩm gấp gáp.
Cũng khó khăn như chị Hương, chị Nguyễn Thị Hồng, 53 tuổi (KV9, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn) phải đối mặt với nhiều mối lo toan cho gia đình vào những ngày tết đến, xuân về dù quanh năm đã phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cơn lũ muộn khiến mấy sào ruộng mới sạ của chị ngập nước, cả khu vườn trước nhà nước cũng trắng xóa nên chị chẳng thể trồng thêm rau xanh bán trong ngày giáp tết như mọi năm. Cả năm, chị chưa sắm bộ quần áo mới cho con giờ càng khó khăn hơn. Chị Hồng tâm sự: “Mấy đứa nhỏ thấy bạn bè khoe áo quần mới cứ xuýt xoa mãi, tôi nghe mà não lòng. Tôi cố tìm việc làm thêm để có tiền mua đồ mới cho con”. Chị Hồng đã tìm được công việc làm ở cơ sở sản xuất bò khô trên đường Hùng Vương, TP. Quy Nhơn.
Chị Nguyễn Thị Nhàn ở KV1, phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn, làm thêm cho một tiệm nem, chả ở đường Phan Bội Châu, TP. Quy Nhơn, cho hay: “Là con gái, lại chỉ có một mình, tôi không phải mua sắm cho gia đình, song, thấy các anh mình đều khó khăn nên tìm việc làm thêm để phụ các anh lo sửa soạn mâm cúng tươm tất và mua quà cho các cháu”.
Năm nay, việc làm thêm mùa vụ Tết cho chị em ở những cơ sở sản xuất mứt, bánh kẹo và các món ăn truyền thống như dưa kiệu, bò khô… rất hiếm. Vì vậy, những người có cơ may tìm được việc bán thời gian trong dịp giáp tết càng phải cố làm việc để kiếm thêm thu nhập và giữ chân cho mùa vụ sau.
|
Công việc rim thịt bò tuy không cực nhọc nhưng cần phải khéo léo, kiên nhẫn và tỉ mỉ.
|
* Niềm vui đầu năm
Các công việc như làm kiệu, tai heo muối chua, ngọt hoặc bò khô không nặng nhọc, vất vả nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Dù công việc không phải dãi nắng, dầm mưa, nhưng chị Hương, chị Hồng cũng phải cật lực làm việc cho kịp tiến độ các đơn đặt hàng cận tết. Thời tiết những ngày đầu xuân vẫn se lạnh, vậy mà, trên khuôn mặt các chị vẫn lấm tấm mồ hôi. Đôi bàn tay của chị Nhàn thì sưng phồng, mỏi rã rời vì chưa quen với công việc gói nem, chả.
Họ - những người phụ nữ luôn phải vượt qua hoàn cảnh khó khăn, dốc sức để lo cho hạnh phúc gia đình. Đó là lý do vì sao chị Hương luôn nở nụ cười tươi khi được chúng tôi hỏi thăm. “Tôi may mắn đã tìm được việc làm thêm mà vẫn đảm bảo việc chăm sóc con cái và công việc thường ngày. Vất vả thật đấy, nhưng khi nghĩ đến cảnh con cháu quây quần bên mâm cơm ngày Tết, tôi quên hết mệt nhọc ngay”, chị Hương tâm sự. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị Hồng tạm ứng trước với chủ ít tiền dẫn các con đi mua quần áo tết. Chị Hồng kể: “Nhìn thấy chúng xúng xính, hớn hở mặc đồ mới chạy khoe với mấy đứa nhỏ trong xóm, tôi vui lắm. Tết này, tụi nhỏ cũng có được đồ mới rồi”.
Niềm vui nữa ở các chị em làm thêm mùa vụ Tết là đã học “lóm” được nhiều bí quyết chế biến các món ăn truyền thống kể trên cho gia đình. Những bí quyết trên giúp các chị làm phong phú thực đơn ngày Tết của gia đình mà lại tiết kiệm hơn. Chia tay với các chị, chợt nhớ ra, tôi vội hỏi: “Các chị đã mua sắm gì cho mình chưa?”. Ai cũng ngẩng đầu lên, nở nụ cười hiền hậu kèm theo cái lắc đầu.
|