Tết về ở “làng vắng mẹ”
15:2', 11/1/ 2009 (GMT+7)

Người ta nói, ở Chánh Liêm (Cát Tường, Phù Cát) cứ 10 nhà thì có tới 9 nhà có phụ nữ đi làm ăn xa. Họ đi bán trái cây dạo ở TP. Hồ Chí Minh, bán cốm tận các tỉnh ngoài Bắc; mang gạo, bánh tráng, bún, nước mắm lên bán trên Tây Nguyên... Về Chánh Liêm những ngày cận Tết, mới thấy hết cái hiu quạnh của nhà cửa, bếp núc khi thiếu vắng bàn tay chăm lo của người phụ nữ.

 

Những đứa trẻ ở thôn Chánh Liêm đã quen với cảnh “vắng mẹ”.

 

* “Làng vắng mẹ”

Ở Chánh Liêm có rất nhiều phụ nữ đi làm ăn xa để phụ thêm vào khoản thu nhập ít ỏi, bấp bênh từ nghề nông mà chăm lo cho gia đình, con cái ăn học. Chị Phan Thị Lan có ba đứa con, con trai lớn Đoàn Xuân Vỹ đang học lớp 12, con gái Đoàn Thị Kim Tuyến học lớp 10 và cậu út tên gọi ở nhà là cu Xíu đang học lớp 2. Trước, chị Lan bán trái cây ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng gần đây, người bán ngày một đông, lại có lệnh cấm bán hàng rong, bị đuổi bắt, lập biên bản nhiều lần, chị chuyển đi buôn thực phẩm khô trên Tây Nguyên.

Chị Phan Thị Huệ, chồng chết từ lúc con gái vừa lọt lòng, con vào lớp 1 thì gởi nhà ngoại, vào TP. Hồ Chí Minh bán trái cây dạo đến bây giờ. Nay, con gái chị đang học đại học năm thứ 2 ở TP. Hồ Chí Minh, chị càng có lý do chọn nơi đây làm đất mưu sinh để gần gũi, chăm lo cho đứa con sớm mồ côi cha này. Nhà chị Huệ hầu như chỉ mở cửa khi hai mẹ con cùng về ăn Tết. Chị Nguyễn Thị Lành, cũng theo mọi người trong thôn vào TP. Hồ Chí Minh bán trái cây dạo 3 tháng nay, để hai đứa con nhỏ ngày đêm trông ngóng...

Khó mà nói hết cái khổ trăm bề trong gia đình khi mà người phụ nữ đi vắng thường xuyên. Dường như có một sự phân công lao động bất thành văn nhưng hợp lý: mọi công việc sản xuất, thu hoạch của nhà nông dồn trên đôi vai người chồng; mọi việc chợ búa, giặt giũ, cơm nước do các con đảm trách. Lúc này vai trò của các cô con gái trong nhà được phát huy tối đa, không phân biệt các bé gái ấy là nữ sinh cấp 3 đã thạo việc nhà hay mới chỉ là học sinh tiểu học.

Ở Chánh Liêm, các em học sinh lớp 2, 3 đi học một buổi, một buổi lo chợ búa, cơm nước là chuyện thường. Như bé Nguyễn Thị Thu Thủy, con gái chị Đỗ Thị Hương, mẹ đi đã gần 2 tháng nay thì cũng chừng ấy thời gian em làm quen với việc đi chợ, nấu cơm, tự giặt quần áo cho mình và anh trai đang học lớp 7. Và cũng đã lâu, việc nhà lấy mất  khoảng thời gian vui chơi của em, em cũng như nhiều bạn gái khác trong xóm không còn tụ tập nơi sân nhà để chơi nhảy dây, chơi đồ hàng nữa. “Trước khi đi má dặn, ở nhà ráng học giỏi, siêng làm việc nhà, Tết về má mua đồ mới cho!”- mắt em ánh lên niềm háo hức, mong chờ.

 

Hằng ngày, em Võ Thị Hiếu thay mẹ làm việc bếp núc.

 

* “Đợi má về...”

Người đi chợ Tết Chánh Liêm mấy ngày này phần đông là các bé gái và cụ bà. Trong giỏ xách mang về từ chợ vẫn chỉ là con cá, mớ rau, các đồ dùng sinh hoạt thiết yếu. Dấu hiệu Tết thể hiện ở vài bó nhang, ràng bánh tráng, bịch bún khô mà các cụ bà tranh thủ trời nắng ráo mua về để dành ăn Tết. Còn mọi thứ khác, “sang” hơn, đắt tiền đành phải chờ các chị về, dẫu sắm sanh Tết lúc ấy là đã muộn.

Bà Nguyễn Thị Đồng, 58 tuổi, mẹ chồng chị Nguyễn Thị Lành buồn buồn nói: “Con dâu tôi theo người làng vào Nam bán trái cây đã 3 tháng nay, mới gọi điện về nhà hàng xóm nhờ nhắn là đến 28, 29 Tết mới về. Nghe đâu, xe tàu giờ đắt đỏ lắm, với lại mấy ngày cận Tết người ta mua trái cây chưng nhiều, ráng bám lại bán kiếm thêm ít đồng. Vậy là ngày 25 này nhà dẫy mả, nó không về, tui thì bị cao huyết áp không làm gì được, không biết mình cha con gái Hiếu sắm sanh, nấu nướng có tròn không. Thôi thì ông bà trên trước thương con cháu cơ cực mà xá tội cho...”. Gái Hiếu mà bà cụ nói là cô bé có nước da đen bóng, đuôi tóc dài tới lưng cháy nắng chẻ ngọn thiếu bàn tay mẹ chải chuốt, cắt tỉa đang lui cui nấu cơm trong bếp. Em bưng ly nước mát lên mời khách, bẽn lẽn vì đôi tay, gương mặt, vạt áo lấm tấm bụi than và loang lổ nhọ nồi.

Hình ảnh Hiếu làm tôi nhớ đến bé Đoàn Thị Kim Tuyến. Chúng tôi đến nhà tầm giờ nấu cơm trưa, lúc Tuyến đang gồng mình với đám củi dừa âm ẩm trên bếp, khiến cho nồi cơm em đang nấu có nguy cơ bị “sình”. Trong gian bếp chật chội, khói cay xè mắt, Tuyến và cậu em út kể về nỗi vất vả, thiệt thòi trong những năm mẹ tảo tần buôn bán xa nhà. Xíu “vạch tội” chị: “Chị Tuyến gãi lưng, tắm rửa, kỳ cọ không êm bằng má, đêm mưa lại không chịu dẫn em đi tè khiến em phải... tè dầm!”. Còn Tuyến, nay đã là nữ sinh trung học, mẹ xa nhà từ lúc em mới vào cấp 2, vậy là em đang trải qua những năm tháng đầy mới mẻ của tuổi mới lớn mà không được thủ thỉ, tỉ tê với mẹ. Là con gái duy nhất trong nhà, em thay mẹ, vun vén mọi thứ. Tuyến bảo: “Anh Hai Vỹ học giỏi lắm, mấy lần anh suýt phải nghỉ học vì má bảo “đuối” không chạy ra tiền. Em ráng lo việc nhà cho tròn để má yên tâm mua bán đặng nuôi anh Hai vào đại học”…

Ở các thôn Phú Gia, An Đức, chợ quê người mua sắm đã tấp nập, vậy mà Chánh Liêm mùa xuân sao đến muộn màng. Trong những ngôi nhà, con trai bắc ghế quét mạng nhện, vệ sinh nhà cửa, con gái oằn tay giặt giũ, phơi phóng mùng mền. Bởi mẹ vắng nhà nên giờ này các em nhỏ chưa được hưởng cái thú theo mẹ đi chợ Tết hay lâng lâng trong niềm vui có quần áo mới.  Mẹ vắng nhà nên bé Tuyến, bé Hiếu biết gói bánh chưng, bánh tét khi mới học lớp 8.

Những cái bánh chưng không vuông vức, bánh tét không tròn trịa, bởi bàn tay các em không đủ sức, đủ độ khéo léo, thành thạo để siết chặt các vòng lạt hay canh miếng nhân đậu xanh, thịt mỡ cho chuẩn. Bánh tét, bánh chưng dẫu có khó làm, nhưng bù lại, lá chuối, lạt tre có sẵn ngoài vườn, nếp và đậu xanh từ nhà làm ra, các em háo hức đợi Tết rồi mày mò làm cho có không khí Tết, còn mọi thứ khác mua từ chợ thì “phải đợi má về”…

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hạnh phúc là được chăm lo cho gia đình  (11/01/2009)
Tặng quà tết cho trẻ em và người nghèo  (11/01/2009)
Triển khai nhiệm vụ biên phòng năm 2009  (11/01/2009)
Tổ chức Lễ hội kỷ niệm 50 năm Ngày khởi nghĩa Vĩnh Thạnh  (11/01/2009)
Hỗ trợ người nghèo Bình Định 40 tấn gạo ăn Tết  (11/01/2009)
18 ngư dân Bình Định gặp nạn trên biển  (11/01/2009)
“Mong đợi ngậm ngùi”  (10/01/2009)
Khen thưởng 2 công dân dũng cảm cứu người trong mưa lũ  (10/01/2009)
Ký kết Quy chế phối hợp về quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp  (09/01/2009)
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn trong quý 1.2009  (09/01/2009)
Trao 1.602 suất quà Tết cho đồng bào vùng cao  (09/01/2009)
Triển khai công tác năm 2009  (08/01/2009)
Tiếp tục tăng cường quản lý, chấn chỉnh việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt pháo  (08/01/2009)
244 hộ dân ở vùng nguy hiểm tự nguyện đến các khu tái định cư  (08/01/2009)
Với mục tiêu đào tạo hợp chuẩn quốc tế  (08/01/2009)