Tết quê dè sẻn
9:23', 14/1/ 2009 (GMT+7)

Mọi năm, sau khi gieo sạ xong vụ Đông Xuân là bà con nông dân đã lũ lượt đi chợ Tết. Sắm đồ Tết sớm sẽ được giá “nguội”, đỡ đồng nào hay đồng nấy. Thế nhưng năm nay, đã gần hai mươi tháng Chạp mà nông dân vẫn “hững hờ” với Tết. Cơn lũ muộn “cuỗm” sạch “đãy” song “đói cũng Tết…” thế là họ đành đổi Tết bằng… lúa trong bồ!

 

Thưa thớt hàng bánh tết ở chợ quê Thuận Nghĩa.

 

* Lũ “vét đãy” nông dân

Đã gần hai mươi tháng Chạp mà không khí ngày Tết vẫn cứ “ỡm ờ” ở các vùng quê. Thời điểm này những năm trước đi đến đâu cũng nghe thoang thoảng mùi cay cay của mứt gừng, mùi dìu dịu của rim dừa, mùi nồng nồng của nong kiệu phơi nắng… và, bước chân rậm rịch cùng tiếng cười nói của người đi chợ Tết trên khắp nẻo đường làng. Giáp tết năm nay không được như thế.

Bà Nguyễn Thị Phần (55 tuổi) ở thôn Tân Giản, xã Phước Hòa (Tuy Phước) than: “Năm nay sao mà khó khăn dồn dập, 3 đứa con tôi đi làm ở Sài Gòn bị thất nghiệp liên miên, chắc tại không có tiền nên gần đến Tết rồi mà chẳng nghe đứa nào nói đến chuyện về quê. Chồng tôi dù đã 60 tuổi vẫn ráng “cầm bay” (làm thợ nề) nhưng suốt mấy tháng cuối năm mưa dầm nên cũng thất nghiệp. Nhà có 7 sào ruộng thì mưa lũ gây sa bồi, bỏ trắng mất 3 sào, còn 4 sào thì bị hư giống phải sạ đi sạ lại. Chú bảo như vậy lấy tiền đâu mà sắm Tết”.

Bà Nguyễn Thị Rùng (57 tuổi) ở khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) tính toán chi li hơn: “Năm nay, dân nông nghiệp ai “làm” nhiều thì “chết” nhiều. Gia đình tôi làm 20 sào lúa và 7 sào đậu phộng; lúa thì bị hư giống phải sạ lại lần 2, chỉ tính tiền giống thôi đã mất đến gần 2 triệu; đậu phộng cũng hư, phải mất thêm một lượt giống tốn hơn 2 triệu nữa. Ấy là chưa kể phải thuê cày đất lại mất thêm 40.000đ/sào. Lũ lụt “ăn hớt” Tết của chúng tôi mất rồi!”.

Ông Lê Văn Đến - khối trưởng khối Thuận Nghĩa - cho biết thêm: “Dân ở đây trồng rau nổi tiếng khắp tỉnh với gần 40 ha; có 371 hộ thì gần như chừng ấy nhà trồng rau, chỉ trừ hộ già nua, bệnh tật. Mọi năm, riêng vụ rau tháng Chạp nhà nào cũng có mươi, mười lăm triệu đồng ăn Tết nhưng năm nay mưa lũ đã làm 2/3 diện tích bị hư trắng, số còn lại cũng chỉ thu “gỡ” giống hoặc… cho gà ăn. Loại rau nào làm nhanh nhất cũng phải mất một tháng mới cho thu hoạch nên có làm lại cũng không kịp Tết!”.

* Ăn tết... dè sẻn

Nói thì nói vậy chứ ông bà xưa đã có câu “Có đói cũng ngày Tết, có hết cũng ngày mùa” nên chẳng ai nỡ để căn nhà “nguội lạnh” trong ba ngày Tết. Nhưng giữa thời buổi “gạo châu củi quế” thì dù tằn tiện đến mấy chi phí cho cái Tết cũng mất bạc triệu. Chị Nguyễn Thị Nhàn tính toán chi tiêu Tết cho 2 vợ chồng với 2 đứa con: “Ít ra thì trong nhà cũng phải có cân thịt heo, cân xương, 3 con gà cúng ông bà 3 bữa Tết, quần áo giày dép cho 2 đứa nhỏ rồi tiền mua hạt dưa, bánh trái… chỉ chừng ấy đã phải mất đến 2 triệu đồng”.

Là “tính cho vui” vậy thôi chứ hiện nay chẳng mấy hộ nông dân có tiền mặt trong nhà vì đã “vét” cả để đầu tư lại cho vụ sản xuất Đông Xuân, mọi lo toan bây giờ đều “cậy” cả vào hạt lúa trong bồ. Vậy nên chị Phạm Thị Hằng lại có một “phép tính” khác: “Vụ 3 vừa qua bị mưa kéo dài không phơi được nên hạt lúa bị xâm đen hết, bây giờ muốn bán lúa để sắm đồ Tết, các nhà máy gạo cũng chỉ mua đến 3.000đ/kg.  Nhà tôi 5 người ăn ba bữa Tết tằn tiện cũng phải mất triệu rưỡi, tính ra là 500kg lúa, sạch bồ!”. Chị Hằng vừa bấm đốt tay vừa tính chua chát: “20 ký lúa chỉ “đổi” được 1 ký hạt dưa, 1 ký thịt heo mất thêm hơn 20 ký lúa nữa… ”.

Thế nhưng hiện nay những hộ còn lúa trong nhà mang ra bán để sắm Tết chẳng có là bao vì hầu hết thu nhập của nông dân là “của ruộng đắp bờ”. Vậy là phần lớn lại phải ăn Tết bằng cách… bán lúa non. Chị Lê Thị Sang vừa chọn mua cân bánh ngọt tại một hàng bánh Tết “mi ni” bày bán tại góc làng vừa than: “Những ngày này các chị hàng xáo (những người chuyên mua lúa) ở thôn Kiên Mỹ, xã Bình Thành (Tây Sơn) đi rảo khắp làng để đưa tiền mua lúa non. Ai muốn lấy bao nhiêu để sắm Tết họ cũng đưa, đến vụ thu hoạch phơi giê lúa sạch sẽ xong họ đến từng nhà cân lúa trừ nợ. Con nợ phải chịu mất 2 giá so với giá lúa thời điểm”.

Hình ảnh cụ Nguyễn Thị Lan (82 tuổi) ở Thuận Nghĩa đưa bàn tay run run chọn mua 20 chiếc bánh kem xốp để cho đứa cháu nội ăn Tết sao mà thương. Cụ Lan tâm sự: “Thằng con tui làm mấy sào rau giờ hư hết rồi. Không thấy vợ chồng nó nói gì đến Tết nhứt, thương thằng cháu nội mới 5 tuổi nên tui mua mớ bánh này làm Tết cho nó!”.

Năm cũ - năm con chuột – đã đi qua để lại bao dấu vết không vui ở làng quê, người dân vẫn náo nức đợi một năm mới - năm con trâu hiền hòa gần gũi - với niềm hy vọng mưa thuận gió hòa để năm sau lại được đón Tết vui hơn, sung túc hơn!

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
95% hội viên cựu chiến binh gương mẫu  (14/01/2009)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra việc “Ngư dân nhận tiền hỗ trợ xăng dầu bị trừ thuế”  (14/01/2009)
Biển động, hàng trăm tàu cá đánh bắt khơi xa phải nằm bờ  (14/01/2009)
Tặng nhà tình nghĩa và quà tết cho người nghèo, đối tượng chính sách  (14/01/2009)
Thưởng Tết cao nhất là 21 triệu đồng  (14/01/2009)
Bình Định có 2 trường THPT thuộc “top 200” trường THPT có điểm thi ĐH cao nhất năm 2008  (13/01/2009)
Tiếp tục triển khai các biện pháp phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu năm 2009  (13/01/2009)
Phê duyệt dự án trợ giúp người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam ở huyện Phù Cát  (13/01/2009)
Giảm 1.832 học sinh THCS  (13/01/2009)
Phối hợp làm án giữa 3 ngành đạt hiệu quả  (13/01/2009)
Còn nhiều khoảng trống  (13/01/2009)
Phần lớn các mục tiêu đạt và có khả năng vượt kế hoạch  (13/01/2009)
Tổ chức lễ tiễn quân nhân đã hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội  (13/01/2009)
Trợ giúp người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam ở Phù Cát  (12/01/2009)
Trao nhà tình nghĩa và tặng quà cho người nghèo  (12/01/2009)