* Điều tra của Ngọc Diên
Báo Bình Định đã đưa tin ngày 12.1.2009, về việc An Nhơn lúng túng với rác thải tồn đọng. Nguyên nhân chính của sự cố này là do bãi rác cũ ở thôn Phú Sơn, xã Nhơn Hòa đã đóng cửa vì quá tải và không đảm bảo vệ sinh môi trường, còn bãi rác tạm vừa mới xây dựng ở địa phận thôn khác thì người dân ở xóm lân cận không đồng tình, vì lo sợ bị ô nhiễm nguồn nước, nên chưa tập kết rác đến đây được. Vấn đề đặt ra là rác thải sinh hoạt cần phải có nơi tập trung để xử lý, chính quyền và ngành chức năng có quyền chọn lựa giải pháp, địa điểm thích hợp và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
|
Công trình bãi rác tạm tại núi Chà, thôn Trung Ái, xã Nhơn Hòa, cách nhà dân gần nhất là 970 mét.
|
* Chủ động khắc phục những thiếu sót cũ
Năm 1998, huyện An Nhơn bắt đầu hình thành bãi rác tại thôn Phú Sơn. Bãi rác này có diện tích khoảng 1.000 m2, cách khu dân cư không đến 300 mét, khối lượng rác thu gom trong ngày khoảng gần 40 m3, phương pháp xử lý rác là chôn lấp, không phân loại. Đến giữa năm 2008, bãi rác này đã quá tải, không đảm bảo vệ sinh môi trường, phát sinh nhiều ruồi muỗi và nước rỉ rác, nhưng cơ quan chức năng chưa xử lý kịp thời.
Phản ứng đầu tiên của người dân là vào ngày 21.10.2008, 25 hộ dân (khoảng 40 nhân khẩu) sống gần bãi rác thôn Phú Sơn đã tập trung ngăn chặn, không cho xe rác của các công ty vệ sinh trong huyện đến đổ rác. Việc phản ứng của người dân là chính đáng, nhưng cách phản ứng có phần quá khích, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Lãnh đạo UBND huyện, cùng các ngành chức năng và chính quyền, đoàn thể xã Nhơn Hòa trực tiếp đến Phú Sơn gặp dân để đối thoại. Sau đó, huyện An Nhơn quyết định đóng cửa bãi rác này vì đã quá tải. Đồng thời để khắc phục những tác động xấu đến môi trường, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng xử lý chất thải rắn; tiến hành chôn lấp số rác cũ, phủ đất trồng cây xanh; di dời rác về phía xa các hộ dân, phun thuốc diệt côn trùng và khử mùi; xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch cho thôn Phú Sơn ….
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và phòng ngừa khả năng xảy ra dịch bệnh trên địa bàn huyện, ngày 27.10, UBND huyện An Nhơn mời các ngành chức năng xây dựng phương án “Xây ô chôn lấp rác thải tạm thời” của huyện, tại khu vực núi Chà, xóm Trực Sơn, thôn Trung Ái, xã Nhơn Hòa. Phương án này được trình UBND tỉnh cho phép và có sự tham gia, khảo sát chọn vị trí của Sở TN&MT. Huyện cũng đã tổ chức các buổi tiếp xúc dân cư các vùng lân cận để công khai phương án đầu tư bãi rác tạm, chính thức đưa vào hoạt động từ đầu năm 2009.
|
Những bao rác ứ đọng trên các đường phố thị trấn Bình Định (trái) và...nhiều người đem rác ra đổ ở những đoạn đường vắng (phải).
|
Trong thời gian xây dựng bãi rác tạm ở núi Chà, huyện An Nhơn phải nhờ sự hỗ trợ của TP. Quy Nhơn, tạm thời được tập kết rác vào bãi Long Mỹ cho đến hết năm 2008. Tuy nhiên, do khoảng cách quá xa, việc phục vụ thu gom rác gặp nhiều khó khăn, trên địa bàn huyện phát sinh nhiều điểm tồn đọng rác, gây hôi thối và có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Cũng trong thời gian này, dù không tập kết rác tại bãi Phú Sơn, nhưng những nội dung đã hứa với dân trước đây UBND huyện vẫn đôn đốc thực hiện, như: xây dựng công trình nước sạch (dự án của Sở NN&PTNT), đóng cửa bãi rác và xử lý rác cũ (Bộ TN&MT hỗ trợ) và xây bờ kè sông Trường Thi (Bộ KH&ĐT hỗ trợ), với tổng đầu tư gần 20 tỉ đồng và đều thực hiện trong năm 2009.
* Cần có sự chung tay của người dân
Khi triển khai san ủi mặt bằng và đường sá vào bãi rác, một số người dân ở xóm Trực Sơn đã đào đường ngăn cản các thiết bị cơ giới, của đơn vị thi công là Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Thái Hòa (An Nhơn). UBND huyện và chính quyền, đoàn thể xã Nhơn Hòa tiếp tục vận động, giải thích để bà con hiểu mục đích xây dựng bãi rác tạm nhằm giải quyết cấp bách vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải trên địa bàn huyện; công khai các giải pháp phòng ngừa gây ô nhiễm tại bãi rác tạm và các cam kết của đơn vị thi công. Khi công trình gần hoàn thành đưa vào sử dụng ô chôn rác tạm thứ nhất (30m x 30m x 3m, bằng 1/3 tổng diện tích hố rác), thì từ cuối tháng 12.2008 đến nay, nhiều người dân xóm Trực Sơn tiếp tục phản ứng việc làm bãi rác tạm ở đây. Gần đây, hàng ngày có đến vài chục phụ nữ và có cả trẻ em thay phiên nhau canh gác đoạn đường dẫn vào bãi rác tạm; một số người khác đã xuống UBND tỉnh để khiếu nại. Nội dung đơn có phản ánh về nỗi lo sợ ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước của 105 hộ dân thuộc xóm Trực Sơn. Họ cho rằng, vị trí của bãi rác tại đầu nguồn nước, lại là bãi rác lộ thiên, không có hệ thống xử lý, nên khi trời mưa sẽ trôi chất thải xuống suối, dẫn về đồng ruộng, làm ảnh hưởng các giếng nước của xóm Trực Sơn.
Tại cuộc họp ngày 6.1.2009, Ban Thường vụ Huyện ủy An Nhơn đã nhận định: Sự phản ứng của người dân xóm Trực Sơn về nỗi lo ô nhiễm môi trường do rác thải là có căn nguyên từ vụ ô nhiễm môi trường ở bãi rác Phú Sơn. Tuy nhiên, khi lập dự án bãi rác tạm, huyện đã mời các ngành chuyên môn thăm dò, khảo sát, chọn vị trí, quan trắc môi trường một cách kỹ lưỡng; huyện cũng đã rất chú trọng đến việc phòng ngừa tác hại môi trường đối với việc xử lý rác thải. Lãnh đạo huyện rất quyết tâm xây dựng và hoàn thiện công trình này để tạm thời xử lý rác thải toàn huyện trong vòng 2 năm trước khi có dự án mới. Trong quá trình hoạt động bãi rác tạm sẽ có sự giám sát của các ngành chuyên môn và đại diện nhân dân vùng lân cận, để đề phòng các tác động môi trường. Nếu có sự cố về nguồn nước do bãi rác tạm gây ra, chính quyền sẽ lập tức xây dựng hệ thống nước sạch cho người dân sử dụng.
|
Ô chôn rác đầu tiên đã hoàn thành, đang tiến hành lót 2 lớp nhựa đáy trước khi chứa rác.
|
Ông Lê Kim Hùng- Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy An Nhơn, khẳng định: “Công trình bãi rác núi Chà, xã Nhơn Hòa nhằm phục vụ tạm thời lợi ích chung về vệ sinh môi trường của các khu dân cư tập trung trong huyện, nên cần có sự chung tay của chính quyền và nhân dân. Chính quyền và ngành chức năng có quyền chọn lựa phương án tối ưu, vị trí phù hợp để xây dựng công trình vì lợi ích chung và phải chịu trách nhiệm trước dân nếu để xảy ra những kết quả xấu. Tôi đề nghị bà con không nên có hành động quá khích, khi chính quyền đã làm tất cả những việc có thể, nhằm bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng, trong đó có xóm Trực Sơn”.
Thu gom tập trung rác và xử lý rác thải là việc mà bất cứ quốc gia, địa phương nào cũng phải làm; nhưng ở mỗi nơi đều có cách thức riêng để phù hợp với điều kiện không gian, thổ nhưỡng, kinh phí,… và nhất là công nghệ xử lý. Ở Bình Định hiện nay, có 2 phương pháp xử lý rác phổ biến nhất là: chôn lấp, một phần được phân loại làm phân compost và chôn lấp, không phân loại rác. Bãi rác núi Chà, do chỉ dùng tạm trong vòng 2 năm, chờ dự án mới quy mô hơn, nên phương pháp chôn lấp, có lót đáy chống thấm và xa khu dân cư là phù hợp và ít tác hại đến vệ sinh môi trường. Người dân xóm Trực Sơn có quyền đề đạt ý kiến và có quyền cử đại diện cùng với chính quyền tham gia giám sát công trình bãi rác tạm, với tinh thần bảo vệ lợi ích chính đáng khu dân cư Trực Sơn, vừa đảm bảo lợi ích cộng đồng. Mọi biểu hiện quá khích, tập trung đông người, lôi kéo cả trẻ em vào mục đích ngăn cản hoạt động của bãi rác tạm là trái với quy định của pháp luật.
Hiện nay, các khu dân cư tập trung trên địa bàn huyện An Nhơn mỗi ngày thải ra khoảng 50 m3 rác, chỉ cần tồn đọng một tuần lễ số rác thải ở các khu dân cư sẽ lên đến hàng trăm khối, nên nhu cầu có nơi để tập kết rác là hết sức cấp bách. Việc bố trí một bãi rác tạm tại xóm Trực Sơn là lựa chọn duy nhất của chính quyền huyện An Nhơn lúc bấy giờ. Vì lợi ích chung của công tác bảo vệ môi sinh, bà con xóm Trực Sơn nên ủng hộ chính quyền. Tuy nhiên, UBND huyện và các ngành chức năng phải có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh, sức khỏe và mọi sinh hoạt của người dân vùng phụ cận, không để lặp lại tình trạng ô nhiễm như bãi rác Phú Sơn.
Thuyết minh về dự án bãi rác tạm, ông Bùi Văn Chánh, Trưởng phòng TN&MT huyện An Nhơn cho biết: “Vị trí bãi rác tạm cách nhà dân gần 1 cây số và cách khe núi gần 200 mét. Hố chôn rác tạm đều ngăn thành các ô nhỏ, bọc lót 2 lớp nhựa đáy chống thấm, chung quanh có tường bao cao 5 mét, dày 5 mét, có rãnh thoát nước mưa riêng biệt; khi trời mưa sẽ căng bạt không để nước mưa chảy vào ô đựng rác; theo định kỳ sẽ phun chế phẩm EM5 diệt côn trùng và khử mùi; khi những ô rác nhỏ đầy sẽ đầm nén, phủ lớp đất dày 0,5 mét và trồng cây xanh. Với phương án này, chúng tôi cam đoan sẽ không xảy ra ô nhiễm nguồn nước, không ô nhiễm mùi và không để phát sinh côn trùng gây dịch bệnh”. | |