DỰ PHÒNG LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON:
Niềm tin cho mẹ, hy vọng cho con
15:32', 15/1/ 2009 (GMT+7)

Theo nghiên cứu, nếu không được dự phòng, tỉ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con khoảng 30%, ngược lại tỉ lệ này chỉ còn 3%. Vì vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những hoạt động ưu tiên của chương trình phòng chống AIDS.

 

Trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì điều quan trọng nhất là phụ nữ mang thai phải được xét nghiệm HIV sớm. Ảnh: T.Hiền

 

* Hạnh phúc là có thể...

Đến giờ, BS Nguyễn Thanh Truyền, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Phòng chống AIDS tỉnh vẫn không quên được hình ảnh và cảm giác hạnh phúc của một phụ nữ mang thai nhiễm HIV khi biết được kết quả xét nghiệm HIV của 3 con mình đều âm tính. Lấy chồng, chưa được hưởng hạnh phúc làm mẹ thì chị bị nhiễm HIV từ chồng. Cái thai trong bụng chưa biết nên giữ hay bỏ thì chị được tư vấn dùng thuốc điều trị HIV. Kết quả, đứa con chào đời lành lặn, không mang bệnh tật của mẹ. Một năm sau, chị lại mang thai và hai nhóc con song sinh cũng không nhiễm HIV.

Đây không phải là trường hợp nhiễm HIV được hưởng lợi từ chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Nhưng việc hỗ trợ thuốc điều trị ARV đối với người nhiễm đã góp phần làm giảm nguy cơ này. Đến tháng 4.2008, Bình Định mới chính thức triển khai chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Trung tâm Phòng chống AIDS tỉnh đã tổ chức 1 lớp tập huấn về cách phát hiện, cấp phát thuốc điều trị theo phác đồ và tư vấn cho 60 nhân viên y tế tuyến huyện, chủ yếu là BS sản khoa. Trước đó, một số BS của Trung tâm Phòng chống AIDS, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản và BVĐK tỉnh đã được tập huấn về phác đồ điều trị dự phòng và tư vấn.

HIV lây truyền từ mẹ sang con xảy ra ở cả ba giai đoạn: mang thai, chuyển dạ sinh nở và sau sinh khi đứa trẻ bú mẹ. Theo các nghiên cứu, ước tính ở giai đoạn mang thai nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con chiếm 5-10%, giai đoạn thai lớn cho đến khi chuyển dạ, sinh đẻ chiếm 10-20% và giai đoạn sau sinh nếu trẻ bú sữa mẹ nguy cơ lây nhiễm khoảng 15-35%.

Theo phác đồ của Bộ Y tế, nếu phát hiện và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, từ khi thai phụ mang thai ở tuần thứ 28 đến khi đẻ, thì tỉ lệ lây nhiễm giảm được rất nhiều, thậm chí có thể dưới 2%. Đến nay, Bình Định đã có 1 sản phụ được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và 1 trường hợp đang mang thai ở tuần 26.

* Đẩy mạnh dự phòng lây nhiễm mẹ sang con

Trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì điều quan trọng nhất là phụ nữ mang thai phải được xét nghiệm HIV sớm. Song, trước đây, tại các cơ sở y tế trong tỉnh, khâu sàng lọc và tư vấn cho bà mẹ mang thai về HIV vẫn còn hạn chế. Nhiều phụ nữ mang thai khi đến phòng sinh mới được tư vấn và xét nghiệm HIV. Đến lúc đó, theo phác đồ hiện nay của Bộ Y tế ban hành thì sản phụ chỉ được dùng một liều duy nhất Nevirapin 200 mg cho mẹ và sau đó sirô AZT cho con uống trong 4 tuần.

Đặc biệt, khi trẻ về nhà phải tiếp tục xét nghiệm khẳng định xem người mẹ có thật sự nhiễm HIV hay không (vì lúc trước mới chỉ là xét nghiệm sàng lọc nên chưa khẳng định được) nhưng vấn đề này hầu như vẫn chưa được các bệnh viện và sản phụ quan tâm. Tình trạng nhiều phụ nữ mang thai không được dự phòng lây nhiễm HIV đã dẫn đến những điều đáng tiếc. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Định có 645 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 9 trường hợp là trẻ em lây nhiễm HIV từ mẹ (5 trẻ đã tử vong), 3 trẻ dưới 18 tháng tuổi đang được theo dõi để làm xét nghiệm HIV.

Hiện nay, chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được tỉnh tăng cường và ưu tiên nhằm làm giảm tỉ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Để làm được điều này thì quan trọng hàng đầu là đội ngũ tư vấn ngay tại khoa sản các bệnh viện phải thật sự có chuyên môn và nhiệt tình để thuyết phục người bệnh chấp nhận làm xét nghiệm HIV tự nguyện. Đây chính là trở ngại của tỉnh ta bởi đội ngũ tư vấn HIV ở các bệnh viện vẫn còn nhiều hạn chế.

Mặt khác, thiếu nguồn lực cũng là trở ngại để triển khai rộng rãi chương trình này. Năm 2008, Trung tâm Phòng chống AIDS trích từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ Trung tâm chăm sóc Sức khỏe sinh sản tỉnh 1.000 test nhanh làm mẫu xét nghiệm HIV cho các sản phụ. Tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 3.000 test nhanh để hỗ trợ cho BVĐK tỉnh, BVĐK TP Quy Nhơn, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản, BVĐK các huyện đồng bằng.

Năm 2009, tỉnh đặt mục tiêu 100% bà mẹ mang thai phát hiện nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. Để làm được điều này, BS Nguyễn Thanh Truyền khẳng định: “Chúng ta cần phải tăng cường công tác tư vấn và sàng lọc phát hiện bệnh đối với sản phụ (cụ thể mở thêm 3 lớp tập huấn cho nhân viên y tế); nâng cao chuyên môn tư vấn và điều trị dự phòng; lãnh đạo các trung tâm y tế phải có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ với hệ thống phòng chống AIDS…”.

  • T.Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gắn công tác tư pháp với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương  (15/01/2009)
Vận động gây quỹ bảo trợ được gần 170 triệu đồng  (15/01/2009)
Tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc vận động  (15/01/2009)
Sẽ tạo việc làm mới cho 25.000 lao động  (15/01/2009)
Gần 500 ngàn USD chăm sóc mắt toàn diện  (15/01/2009)
Chất lượng đại biểu dân cử quyết định hiệu quả của tiếp xúc cử tri…  (15/01/2009)
Chủ tịch UBND tỉnh gặp mặt báo chí nhân dịp xuân mới  (15/01/2009)
Đại tá Nguyễn Trung Tâm được bổ nhiệm Giám đốc Công an tỉnh  (15/01/2009)
Hàng ngàn công nhân mất việc trước Tết  (15/01/2009)
Vì lợi ích chung của cộng đồng và môi sinh  (14/01/2009)
Tết quê dè sẻn  (14/01/2009)
95% hội viên cựu chiến binh gương mẫu  (14/01/2009)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra việc “Ngư dân nhận tiền hỗ trợ xăng dầu bị trừ thuế”  (14/01/2009)
Biển động, hàng trăm tàu cá đánh bắt khơi xa phải nằm bờ  (14/01/2009)
Tặng nhà tình nghĩa và quà tết cho người nghèo, đối tượng chính sách  (14/01/2009)