Tết đến…, thời gian chỉ còn đếm trên mấy đốt tay. Ngày cuối năm, lang thang dọc đường quê hương để nghe bước chân nàng Xuân đang chầm chậm về trong mỗi làng quê, trong mỗi gia đình…
|
Cúc vàng đợi Tết trong nhà vườn. (Ảnh: VT)
|
1. “Cúc Vĩnh Liêm, mai Háo Đức”. Từ lâu, làng mai Háo Đức (xã Nhơn An, huyện An Nhơn), làng cúc Vĩnh Liêm (thị trấn Bình Định, An Nhơn) đã vang danh khắp nơi. Từ sau rằm tháng Chạp, dọc quốc lộ 1A đi qua huyện An Nhơn, đã rục rịch những người mang mai ra bán. Những chậu mai dáng đẹp, hoa nở đúng Tết đã được đóng thùng, chuyển lên các chuyến xe, đổ đi khắp ngả, tô điểm cho vẻ đẹp của Tết quê hương. Cũng nằm bên quốc lộ 1A, vườn cúc hơn ngàn chậu của anh Bùi Văn Thảo ở làng cúc Vĩnh Liêm (thị trấn Bình Định, An Nhơn), như một tấm thảm vàng rực giăng giữa trời…
Ở các thị trấn tập trung đông dân cư như Ngô Mây (Phù Cát), Bình Dương (Phù Mỹ), Tam Quan (Hoài Nhơn)… cũng có những chợ hoa phong phú đủ loại, nhiều nhất là cúc và vạn thọ. Những người dân quê, dù Tết đến, trong nhà chẳng dư dả, vẫn cố kiếm cho được bình vạn thọ chưng trên bàn thờ ông bà. Trong màn mưa bụi, chênh vênh những dáng người bên mấy chậu hoa, cố lựa cho được một bình hoa phù hợp với túi tiền…
Ở Quy Nhơn, không khí Tết nhất chỉ được thấy rõ khi chợ hoa trên đường Nguyễn Tất Thành được bày ra. Đủ thứ hoa, từ các loại bình dân như cúc, vạn thọ, thược dược, đến các loại “quý tộc” hơn như ly ly, phong lan… từ khắp nơi đổ về. Sắc hoa níu chân người, làm cho bức tranh xuân thêm sống động…
2. Tranh thủ vài ngày cận Tết có chút nắng bà Nguyễn Thị Chanh ở thôn Hoà Hậu, xã Cát Hanh, Phù Cát tranh phơi phóng mớ nhang mới làm. Nhà bà là một trong số ít những gia đình còn làm nhang theo kiểu thủ công truyền thống. Những lọn nhang được bàn tay thoăn thoắt bày ra bên đường, như một tín hiệu mùa xuân. Ngày càng ít đi những lọn nhang làm bằng tay, gói bằng thiếp giấy đỏ, quyện hơi khói tâm linh bao đời của người phương Đông. Thời hiện đại, nhang làm bằng máy, mẫu mã phong phú, bao bì đẹp, giá cũng rẻ hơn; nhưng hương chẳng đậm đà, hơi chẳng ấm cúng như xưa...
Và cũng nhờ mấy ngày nắng vừa qua mà các làng nghề làm bún, bánh tráng "vớt vát" được chút đỉnh sau mấy đợt mưa trái mùa chẳng làm ăn gì được. Những vỉ bún số tám căng đầy trước hiên nhà, như một niềm vui, dẫu muộn màng, cũng đủ làm cho lòng người khấp khởi. May mà còn có vài ngày nắng, chứ như hôm nay 30 tháng Chạp trời lại mưa lay phay, lành lạnh…
|
Cuối năm tảo mộ để ông bà “cùng về” đón Tết với con cháu. (Ảnh: VT)
|
3. Những ngày gần Tết cũng là thời điểm mọi người tìm về với những ngôi nhà từ đường, nhà thờ của dòng họ để dự lễ chạp mả họ. Từ lâu lắm, chạp mả họ đã là một phong tục đẹp của người Việt. Ngày ấy, những người đàn ông trong họ xách cuốc đi dẫy cỏ, chăm chút nơi yên nghỉ của tổ tiên. Ở nhà, những người phụ nữ tất bật với công việc bếp núc. Và, sau giây phút thiêng liêng nhang khói bên bàn thờ, cả họ lại quây quần bên nhau, nghe hơi ấm tràn về trong tiết xuân…
Càng gần đến những ngày cuối năm, lòng người càng nôn nao, ai cũng muốn được sum họp bên gia đình. Mấy ngày gần Tết, chị dâu tôi tranh thủ đi mua sắm, từ bó lay ơn cắm bình, mấy cân trái cây bày mâm ngũ quả đến thùng bia, nước ngọt. 28 tháng Chạp, chị còn tất bật với công việc cuối năm ở công ty. Thế mà, tối về lại lục đục cả đêm dọn dẹp nhà cửa. Hôm sau, từ lúc tờ mờ chị đã hối chồng khẩn trương dậy chuẩn bị về quê ăn Tết. Chiếc taxi bảy chỗ dường như nhỏ hơn trước cơ mang nào là thùng giấy, thùng nhựa, bao bịch..., chị thì tủm tỉm cười, nghĩ đến hình ảnh ba má ở quê hãnh diện vì một cái Tết đủ đầy…
Tết là thời gian của những chuyến “hành hương”. Chẳng thế mà, năm nào người ta cũng ra rả chuyện vé tàu, vé xe. Em gái tôi, sau hơn năm năm học tập và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, đúc kết: “Chỉ có ai đã từng một lần khổ cực vì cái vé về quê ăn Tết mới thấu hiểu nỗi nỗi lòng của người trong cuộc.Và, cũng chỉ có những người thật sự khao khát cái hơi ấm bên nồi bánh tét đêm ba mươi, khao khát cái mùi nhang quyện với sương sớm sáng mồng một mới đủ kiên nhẫn chờ đợi, tranh nhau từng chiếc vé”. Có vé rồi, chặng đường về quê cũng còn lắm nỗi gian nan, với chuyện xe chật ních người, phải ngồi ghế “xúp”, với nhà ga đông người chẳng chen nổi bước chân…
Chiều 29 Tết, trên con đường đi từ Quy Nhơn về Hoài Nhơn, tôi đã gặp biết bao gia đình, bao khuôn mặt háo hức trên con đường về quê ăn Tết. Những chuyến xe hối hả chạy. Cơn mưa cuối năm vô duyên đổ xuống, một cặp vợ chồng trẻ loay hoay dùng áo mưa che cho đứa bé chưa đầy tuổi đang ngủ ngon lành. Không biết trong giấc mơ, cháu bé có tưởng tượng được không khí ngày Tết?
Bất chấp quãng đường xa xôi, mặc cho mưa gió ầm ào, từng chuyến xe vẫn hối hả đưa con người về với gia đình - bến đỗ ấm áp của mùa xuân…
|