|
Các tiết mục văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân. (Ảnh: Văn Lưu) |
20 giờ tối, tại đoạn đầu đường Nguyễn Tất Thành, vẫn còn nhiều người bày bán bao lì xì. Đông đảo người dân đi dạo chơi đã dừng xe lại để chọn mua cho mình những bao lì xì bắt mắt, dành tặng cho người thân và bạn bè nhân dịp đầu năm mới. Ở góc đường phía đối diện, lần đầu tiên xuất hiện một gian hàng nhỏ bán đèn trời ở Quy Nhơn, đã lôi cuốn khá đông người mua. 21 giờ đêm, khi chương trình Dạ hội giao thừa truyền thống còn chưa bắt đầu, thì tại Nhà Văn
hoá – Lao động tỉnh lần đầu tiên tổ chức một chương trình ca múa nhạc sôi động chào đón năm mới, với nhiều tiết mục hát múa đặc sắc thu hút đông đảo người dân đến xem.
22 giờ, Chương trình Dạ hội giao thừa đón Tết Kỷ Sửu chính thức bắt đầu tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Đến thưởng thức chương trình Dạ hội có các đồng chí lãnh đạo tỉnh:Vũ Hoàng Hà, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Phạm Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh... cùng đông đảo đại biểu và người dân. Phần khai hội diễn ra với không khí sôi động của “Hội lân mừng xuân” do Câu lạc bộ lân Kỳ Hoàn biểu diễn. Tiếng trống khai Xuân của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện đã được tiếp nối vang vọng bởi những âm thanh hào hùng của dàn trống chầu, do các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định biểu diễn. Tiếp đó là phần hội với chương trình nghệ thuật “Giai điệu mùa xuân” gồm hai phần chính: “Sắc xuân trên quê hương Bình Định”, “Khát vọng ngày xuân”. Phần “Sắc xuân trên quê hương Bình Định” đã mở đầu hết sức ấn tượng, với tiết mục múa “Mùa xuân chiến thắng - Ngày hội hoa đào” (biên đạo Nhật Huy), đã tái hiện lại hình ảnh: “Cùng đất trời mừng ngày hội Thăng Long. Khắp mọi nơi đón quân Tây Sơn anh hùng…”… khiến người xem dâng trào cảm xúc trong không khí chuyển giao của đất trời, cùng hướng đến kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùng 5 Tết Kỷ Sửu. Tiết mục múa “Ai về Bình Định mà coi” (biên đạo Hoàng Việt), là sự kết hợp giữa nghệ thuật múa và vũ đạo tuồng đã lột tả tâm trạng và tính cách nhân vật trong sân khấu tuồng, đồng thời giới thiệu các loại đào, kép sử dụng các loại binh khí trong tuồng cổ Bình Định. Hát hò đối đáp “Bình Định vào xuân” đã thông qua những làn điệu dân ca chân chất, ngọt ngào để giới thiệu về truyền thống văn hoá - lịch sử, tiềm năng phát triển kinh tế của quê hương. Truyền thống thượng võ của quê hương Bình Định đã được thể hiện qua các màn đồng diễn quyền, binh khí, đối luyện…hết sức đẹp mắt của các võ sĩ, võ sinh năng khiếu của Trung tâm TDTT Bình Định. Phần “Khát vọng ngày xuân” là những tiết mục đặc sắc, mang đậm không khí mùa Xuân như liên khúc hát múa “Người là niềm tin tất thắng - Đảng đã cho ta cả mùa xuân”, “Buôn làng em đón mùa xuân về”, “Đồng dao ngày xuân”… Khép lại chương trình là tiết mục “Hương sắc quê mình” rất hoành tráng, với số lượng ca sĩ, diễn viên tham gia lên đến hơn 200 người. Đúng 23 giờ 30 phút, khi chương trình Dạ hội giao thừa vừa kết thúc, pháo hoa đã được bắn lên trên bầu trời Quy Nhơn, chào đón Xuân Kỷ Sửu đang về. Lẫn trong sắc màu rực rỡ của pháo hoa, là ánh lửa của những chiếc đèn trời được người dân thả lên, mang theo những ước nguyện và lời cầu chúc trước thềm năm mới…
|
Các tiết mục văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân. (Ảnh: Văn Lưu) |
Không chỉ có người Bình Định vui xuân, có mặt tại khách sạn Hải Âu, anh George Adams (quốc tịch Anh) hồ hởi khoe: “Tôi cùng vợ đến Việt Nam trong tour du lịch cuối năm. Đây là năm đầu tiên chúng tôi đón Tết của người Việt. Không khí ở đây thật tuyệt vời. Hy vọng tôi sẽ được đến Quy Nhơn nhiều hơn nữa để được ăn bánh tét củ kiệu, uống rượu Bàu Đá và thăm quan các điểm du lịch xinh đẹp”. Một số người nước ngoài đến làm việc tại Bình Định và khách du lịch ghé qua Quy Nhơn trong dịp Tết và cùng vui đón giao thừa.
Thời khắc giao thừa vừa trôi qua, đông đảo người dân đã đổ ra đường xuất hành đầu năm. Các ngôi chùa lớn trong thành phố như chùa Long Khánh, Lộc Uyển, Tâm Ấn Tự…đông nghẹt khách đi lễ chùa. Tại các công trình mới khánh thành trong dịp Festival Tây Sơn – Bình Định 2008 như hoa viên Quang Trung, hồ phun nước nghệ thuật có rất đông người dân đến ngồi chơi và chụp hình lưu niệm. Năm nay con đường Xuân Diệu mới mở nằm trải dài theo bờ cát biển, đã trở thành nơi đi dạo lí tưởng. Còn gì sảng khoái hơn khi những giờ phút đầu năm mới được đi trong ánh đèn lung linh, trong tiếng sóng vỗ rì rào, đón ngọn gió xuân trong lành mát lạnh…Để phục vụ khách đi chơi đầu năm, rất nhiều quán ăn, quán cà phê ở Quy Nhơn đã mở cửa đón tiếp đến cho đến tận sáng.
|
Múa “Mùa xuân chiến thắng - Ngày hội hoa đào”. (Ảnh: HT) |
|
Múa “Ai về Bình Định mà coi”. (Ảnh: HT) |
|
Tiết mục đồng diễn võ thuật. (Ảnh: HT) |
|
Khách nước ngoài xem chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân. (Ảnh: Văn Lưu) |
* Bắn pháo hoa đón chào năm mới (ảnh Văn Lưu, Lê Cường)
Tây Sơn chờ mùa lễ hội vui. Càng cận Tết, không khí mua sắm tại Tây Sơn càng trở nên náo nhiệt và đông đúc. Đặc biệt, ngay từ tờ mờ sáng ngày 30, chợ Phú Phong đã đông nghịt người đi mua sắm. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ hàng hoá của các tiểu thương lại chậm. Cô Nguyễn Thị Lý, một tiểu thương buôn bán trái cây nhận xét: “Năm nay người mua không mạnh tay như mọi năm nên mua bán ế ẩm lắm! 30 Tết rồi mà hàng còn đọng quá trời nè!”.
Tình hình ế ẩm trên một phần do tác động chung của đời sống kinh tế khó khăn nên người dân mua sắm Tết dè xẻn. Một người đi chợ Tết cho biết: “Nhà tôi họ hàng con cháu đông nhưng năm nay mía đường thất bát, ruộng thì sạ đi sạ lại nên tốn kém quá. Mấy đứa con đi làm ở Sài Gòn thì không dư bao nhiêu nên ăn Tết tiết kiệm thôi”. Trong khi đó nhiều loại hàng hoá lại tăng giá khá cao trong dịp Tết, chẳng hạn một ký thịt heo đùi ngày thường 120 ngàn đồng giờ lên đến 180 ngàn đồng, quýt Thái cũng lên đến 20 ngàn đồng, đến cả hoa cũng mắc.
Trong khi tình hình mua sắm Tết không mấy khởi sắc thì người Tây Sơn vẫn hướng về một mùa lễ hội vui Kỷ niệm 220 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử. Cho đến đầu giờ chiều ngày 30 Tết, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất và Bảo tàng Quang Trung chỉ còn việc chờ đợi đón khách thập phương về trẩy hội. Sự kiện được đón chờ nhất ở Tây Sơn ở thời điểm này vẫn là màn trình diễn 109 chiếc trống trận của các nghệ nhân nhà hát tuồng Đào Tấn, nghệ nhân Bảo tàng Quang Trung và các em học sinh vào ngày mồng 5 Tết.
Ngay trong mùa lễ hội năm nay, Trung tâm VH-TT huyện Tây Sơn cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao khác ngay tại địa phương để nhân dân chào xuân ấm áp niềm vui. Trong các ngày mồng 4, 5, 6 âm lịch tại SVĐ Tây Sơn sẽ diễn ra hội thi đối kháng võ cổ truyền Tây Sơn với lực lượng võ sỹ hùng hậu đến từ 4 tỉnh, thành trong khu vực. Tại các xã, các hoạt động bóng chuyền, bóng đá, trò chơi dân gian cũng đã được lên kế hoạch rất chi tiết.
Chính vì thế mà người dân Tây Sơn trong những giờ phút đón giao thừa chào năm mới đã khởi sắc gần như đã xua tan sự ảm đạm về một năm “Con Tý” không mấy thuận lợi để đón mừng một năm mới “Con Trâu” tràn đầy niềm vui và phấn khích.
|
Nhà Bảo tàng Quang Trung chuẩn bị đó khách về dự Kỷ niệm 220 chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. (Ảnh: KV) |
Đêm giao thừa ở Phù Mỹ không mưa, gió hanh nhẹ làm đỡ phần nào cái se se lạnh ngày cuối đông. Tại các điểm bán hoa xuân ở ngả 3 Tam Tượng (xã Mỹ Châu); ngả 3 Bình Dương (Thị trấn Bình Dương) ngả ba Nhà Đá (xã Mỹ Hiệp); ngã tư Chánh Trạch (xã Mỹ Thọ) chợ An Lương (xã Mỹ Chánh)... nhất là điểm Hội chợ Hoa xuân Trung tâm Thị trấn Phù Mỹ dòng người đi xem hội, mua hoa đông nghịt. Người mua được hoa hớn hở đưa hoa về nhà kịp trưng bày đón giao thừa, càng làm cho bức tranh quê ngày Tết thêm ấm áp.
Gia đình cụ Đinh Ngọc Giữ (thôn Trà Quang Nam, Thị trấn Phù Mỹ), tết này tuổi cụ đã 80 nhưng vẫn cứng cáp nói cười giòn tan bên con cháu làm ăn lập nghiệp khắp nơi gần xa kéo về cúng kính tổ tiên nhân dịp Tết cổ truyền. Quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm, rồi phút giao thừa không thể bỏ qua nề nếp các con trả hiếu mừng tuổi, lì xì cha mẹ sống khoẻ, sống lâu; ông bà mừng tuổi các con, cầu mong “chân cứng đá mềm”, mừng các cháu ngoan ngoãn, học hành tấn tới... Không chỉ gia đình cụ Giữ mà truyền thống sum họp chúc Tết ông bà, con cháu trong đêm giao thừa vẫn còn lưu giữ lại nhiều gia đình ở Phù Mỹ.
|
Ông bà họp mặt con cháu cùng đón giao thừa đã trở thành truyền thống ở gia đình cụ Giữ. (Ảnh: XL) |
Tại huyện Hoài Nhơn, đêm giao thừa trời quang mây tạnh, dòng người đổ ra đường để mua sắm Tết khá đông. Khi kim đồng hồ đã nhích sang 21 giờ mà chợ hoa tại Thị trấn Tam Quan và thị trấn Bồng Sơn hãy còn nhiều người dạo mua hoa. Có lẽ do năm nay đời sống kinh tế phần nào khó khăn nên mọi người chi tiêu tiết kiệm. Giá một bình hoa lay- ơn vào buổi chiều khoảng 70.000 đồng nên ít người mua buộc chủ hoa phải hạ giá xuống còn 1/3 nên lượng hoa gần đến giao thừa đã bán hết. Anh Nguyễn Minh Cường, quê ở xã Hoài Hảo cho biết: “Tôi đi xa quê vào Sài Gòn làm ăn cả năm, tết mới về nhà, năm nay làm ăn không được suôn sẻ như mọi năm nên tôi mua sắm cho gia đình cũng dè xẻn bớt…”. Khi thời gian nhích dần đến thời điểm của năm mới, người ra đường đi hái lộc đông hơn mọi năm. Qua một năm làm ăn chật vật, mọi người lại trông đợi nhiều vào năm mới qua những cành lộc hái được.
Tại huyện miền núi An Lão, do năm nay huyện có tuyến xe buýt chạy từ An Lão xuống Bồng Sơn, bên cạnh đó có cả những chuyến xe khách lên tới xã An Vinh nên chiều 30 tết, những người dân từ các xã An Vinh, An Hưng… đi xe xuống Hoài Nhơn mua sắm tết khá đông, đã hơn 19 giờ tối mà sức mua không hề giảm.
Vĩnh Thạnh: Tết vui đại ngàn. Mới 18 giờ 30 phút ngày 30 Tết, nhân dân làng M2 (xã Vĩnh Thịnh) đã tập trung đông đủ tại nhà rông của làng để đón năm mới. Mỗi gia đình mang đến nhà rông một ghè rượu. Tiếng cồng chiêng vang động núi rừng, các cô thiếu nữ uyển chuyển trong điệu xoang như giờ phút giao thừa đang đến sớm ở làng vùng cao này. Chưa năm nào, nhân dân làng M2 ăn Tết vui và phấn khởi như năm nay. Ông Đinh Nhớ, 67 tuổi phấn khởi nói: “Tết năm nay, nhà nào cũng có nước sạch về đến tận gia đình. Uống rượu ghè không còn phải đi lấy nước nữa. Cảm ơn Đảng và Chính phủ đã quan tâm, dân làng mình phấn khởi lắm”.
Không khí đón Tết ở làng M2 thật nhộn nhịp, nhà nào cũng chuẩn bị có từ hai đến năm ghè rượu, thịt khô và các loại bánh. Được Nhà nước quan tâm, nhà nào cũng được hỗ trợ một suất quà nên bà con nơi đây ăn Tết càng vui hơn. Sau khi đón Tết tại nhà rông, đồng bào Bana nơi đây tiếp tục đánh cồng chiêng, cả làng kéo đến từng gia đình uống rượu, chúc nhau năm mới sức khoẻ, cái rẫy nhiều lúa, đàn trâu, đàn bò ngày càng nhiều hơn.
Hình ảnh làng M2 đón Tết:
|
Đánh trống mừng năm mới. (Ảnh: LV) |
|
Đón giao thừa tại nhà rông. (Ảnh: LV) |
|
Uống rượu cần mừng xuân. (Ảnh: LV) |
|
Tết này có đầy đủ bánh kẹo. (Ảnh: LV) |