Tết quê
16:31', 30/1/ 2009 (GMT+7)

1.

Chợ hoa Tết ở quê không có những cành ly ly, những giò phong lan sang trọng, cũng chẳng có những chậu mai thế đắt tiền. Nhiều nhất là cúc vàng và vạn thọ. Cúc để chưng ở giữa nhà, cạnh bàn tiếp khách; vạn thọ cắm bình bàn thờ, đặt ở mồ mả. Nội tôi bảo, chẳng biết từ bao giờ, người nhà quê vẫn giữ quan niệm, ngày Tết, dù thiếu trước hụt sau, bữa cơm không đủ thịt mỡ dưa kiệu, cái áo không tinh tươm còn chịu được, chứ bàn thờ ông bà không có bình vạn thọ là thấy thiêu thiếu, thấy có tội với người đã khuất. Vì vậy, nhà nào không trồng được, Tết đến lại nháo nhào cố tìm cho được mấy cây vạn thọ. Còn nhớ, cách đây hai năm, trước Tết chừng nửa tháng, trời bỗng đổ mưa lớn, nước ngập khắp nơi. Vạn thọ không chịu được úng, chết hơn phân nửa, số còn lại không đủ bán Tết. Chiều hai chín Tết, anh em tôi phải dạo lên chợ hoa thị trấn, tìm mãi cũng chỉ thấy mấy cây èo uột, bông nhỏ, nở không đều. Đang thất vọng thì một bà lão mang ra dăm cây vạn thọ trồng trong vườn nhà. Bốn chục ngàn hai cây, anh tôi nhanh tay lấy, dù biết giá ấy không rẻ chút nào. Tết năm ấy, khách vào nhà nhìn thấy bình vạn thọ trên bàn thờ ba tôi, lại trầm trồ…

 

Sáng mồng Một Tết, mọi người lại đổ về nghĩa địa thắp hương tưởng nhớ người đã khuất. (ảnh: N.V.T)

 

Năm nay, tôi mang về bình ly ly để bàn nước, căn nhà xem chừng sáng sủa hơn. Ai cũng xuýt xoa, ở quê, nhà nào có bình ly ly chưng Tết là “đại gia” lắm, bởi khi miếng ăn cái mặc còn là gánh nặng, ít người dám bỏ ra hơn hai trăm ngàn sắm một bình hoa. Nhiều người phải đợi đến giữa đêm ba mươi mới lên mua hoa cho rẻ, dù biết khi ấy chẳng còn những chậu hoa tươi, hoa đẹp…

2.

Quê tôi có chợ Ân, nhiều người đọc lệch là chợ “Ăn”. Chợ nằm gần trung tâm xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn). Dù đời sống người dân quê đã có nhiều đổi thay, bộ mặt của chợ cũng đã sửa sang sạch sẽ  hơn, nhưng trong tôi vẫn nguyên vẹn ký ức về những phiên chợ Tết nghèo. Những năm tôi còn đi học, nhà túng thiếu, Tết nào ba má con cũng xẻ thịt heo để bán kiếm tiền sắm sanh Tết nhất. Đó là những cái Tết cơ cực. Nhất là ba ngày giáp Tết, phải thức dậy từ nửa đêm, làm quần quật đến mờ sáng, rồi chở thịt lên chợ. Tôi đứng phụ má, làm việc lặt vặt, như cạo giò cho sạch lông, chặt xương, bỏ thịt vào bịch ni lông, thối tiền… Nhờ những lần đứng chợ như thế, tôi quan sát được cách người nhà quê đi chợ Tết. Người khá giả một chút, đi từ sáng sớm, chọn mua mấy khổ thịt đùi, mấy ký chả. Người khá giả không có nghĩa là thoải mái trong chuyện giá cả, họ trả treo sát sạt. Người nghèo thì đến giữa trưa mới ló mặt đến chợ. Với họ, miếng ba chỉ được mắt một chút cũng đủ làm mâm cúng ông bà. Có người nghèo quá, đợi đến chợ gần tan mới lân la đến gần, thẹn thùng nhón mấy khoanh ruột già, mấy miếng phổi vụn. Chừng hơn mười ngàn, cũng có cả ký lòng về xào nghệ cho bữa cơm Tết đạm bạc. Họ đi chợ trưa, không chỉ tìm thịt vừa túi tiền eo hẹp, mà còn nhìn mặt người bán, bởi không phải ai cũng bán cho họ với giá rẻ… Hai năm rồi, tôi không đứng chợ Tết. Nghe nội kể, giờ cũng ít người còn tìm mua của thừa đồ thẹo ấy nữa…

 

Ngày Tết, với trẻ quê, những chuyến xe ngựa vẫn còn nguyên sức hấp dẫn. (ảnh: N.V.T)

 

3.

Từ tờ mờ sáng mồng Một, đã nghe tiếng í ới rủ nhau đi thăm mả. Trẻ con xúng xính áo mới, người lớn chuẩn bị nhang đèn, tất bật kéo nhau ra nghĩa địa. Còn nhớ, cách đây hơn 5 năm, để đến được nghĩa địa, người ta phải lội qua sông. Có năm nước lớn, người lớn phải cõng trẻ con. Giờ đường sá được bê tông thẳng tắp, cảnh lội sông thăm mả chỉ còn trong ký ức… Mồ mả ông bà, có ngôi to đẹp, kiêu hãnh; có cái giản đơn, khép mình lặng lẽ. Người đi viếng, có người đi ô tô, xe máy; có kẻ đi xe đạp hay cuốc bộ. Nhưng, vẫn chung một tấm lòng của người sống với người đã khuất. Những ngôi mộ được nhổ cỏ, lau chùi sạch sẽ, cắm hoa, thắp đèn, đơm trái cây, hương khói nghi ngút… Người lớn thắp nhang. Những đứa trẻ cũng bắt chước ba mẹ chắp tay, thành kính lầm rầm khấn vái. Lúc ấy, như có một sợi dây vô hình ràng buộc giữa hai cõi âm dương, vô tình níu kéo con người đến gần nhau hơn…

Tết đến, những gia đình lớn thường chọn một ngày làm ngày sum họp cả anh em dòng họ. Nhà bạn tôi là mồng Hai. Mọi người làm gì thì làm, cứ đến gần trưa mồng Hai là tập trung về. Anh chị Hai ở TP Hồ Chí Minh ra, anh Ba, anh Bốn ở Quy Nhơn về, rồi gia đình cô Ba, cô Bốn, ông Tám… Dễ đến hơn hai chục người. Các bà, các chị tất bật nấu nướng, các ông ngồi bên chén rượu tám chuyện ngày xuân. Mấy đứa trẻ cả năm mới được gặp nhau, thoả sức chơi đùa. Bữa ăn ngày Tết bày ra, kéo dài từ trong nhà ra đến ngoài hiên. Ai cũng thấy ngon miệng, không chỉ vì lát bánh tét, khoanh chả, thẩu kiệu… mà còn vì không khí gia đình ấm áp. Bạn tôi kể: “Ba và nội rất coi trọng buổi họp mặt này. Năm nào có một gia đình vắng mặt là mất vui, nên ai cũng cố thu xếp về đúng ngày”…

Ở thành phố, ngày Tết có nhiều địa chỉ giải trí hấp dẫn như sân khấu ca nhạc, rạp chiếu phim, công viên… Ở quê, điểm đến ưa thích nhất của mọi người, nhất là trẻ con, vẫn là hội chợ xuân. Ở đấy, có những đoàn ca nhạc tạp kỹ với đủ thứ “thập cẩm”, từ ca nhạc, ảo thuật, xiếc đến rút thăm trúng thưởng, các trò chơi… Hấp dẫn nhất đối với bọn trẻ con là  những chuyến xe ngựa. Trên một khoảnh đất rộng, bằng phẳng, những con ngựa gỗ treo trên vòng xoay được bày ra. Những đứa trẻ từ hai, ba tuổi là đã có thể ngồi một mình. Chỉ một ngàn đồng cho mỗi chuyến, đứa trẻ đã chễm chệ ngồi trên một chú ngựa, tay nắm chặt “cương”, thoả sức lắc, thoả sức cưỡi. Những vòng quay cứ nối nhau theo tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ hồn nhiên…

Tết quê bình dị, nhưng ai dám bảo không vui…

  • Như Văn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát huy khí thế chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa trong sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay  (30/01/2009)
Lễ dâng hương - dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung   (30/01/2009)
Diễn ra nhiều hoạt động vui xuân, đón Tết  (29/01/2009)
Khắp nơi rộn rã đón giao thừa   (26/01/2009)
Bí thư Tỉnh uỷ thăm và tặng quà một số đơn vị trực tết   (26/01/2009)
Đêm Gala Dinner cho người nước ngoài Tại KS Hải Âu  (25/01/2009)
Đi dọc đường xuân  (25/01/2009)
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt kiều bào về quê đón Tết  (24/01/2009)
Mùa xuân Nhơn Châu  (24/01/2009)
Giúp đồng bào nghèo vui Tết, đón xuân mới  (24/01/2009)
Lãnh đạo tỉnh thăm và chúc Tết các tổ chức, chức sắc tôn giáo  (24/01/2009)
Lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn  (24/01/2009)
Thêm một trường THPT đạt chuẩn quốc gia  (23/01/2009)
Hàng ngàn đồng bào được hỗ trợ để đón Tết  (23/01/2009)
Cho Quy Nhơn tươi sắc xuân  (23/01/2009)