Người mẹ sinh con mới hơn một tháng tuổi thì mất. Vì hoàn cảnh gia đình, người cha đã đem đứa con gái út cho Cô nhi viện. Câu chuyện đau lòng ấy đã được những người trong gia đình giấu kín cho đến gần 70 năm sau. Và rồi, nhờ sự nỗ lực của những đứa cháu, cuối cùng “dì út” cũng đã được tìm thấy...
|
Bà Mai (người trùm khăn) đứng giữa hai anh trai và chị gái của mình sau gần 70 năm lưu lạc. Ảnh: Thu Hà
|
* Dứt lòng lìa núm ruột
Khoảng năm 1940, một sản phụ ở thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), đã sinh một bé gái kháu khỉnh. Sinh nở thiếu thốn, lại thêm phần lo lắng khi chồng bị giặc Pháp bắt, người mẹ trẻ đã lìa đời, để lại 4 con nhỏ, trong đó, có bé gái sơ sinh. Nhà nghèo, em khát sữa, bà Trần Thị Sáng, là con gái đầu, lúc đó 13 tuổi, hàng ngày bế em đi bú chực hàng xóm. Không đủ, chị phải lấy nước cơm hòa với đường cho em uống. Thiếu sữa mẹ, đứa bé ngày một ròi rọp…
Người cha trở về, thấy con ngày một suy kiệt mà chẳng biết làm sao, đành đem con đi cho, để con còn được sống. Một sớm mai, người cha và chị gái đã đưa bé út, khi ấy mới một tháng mười ngày tuổi, chưa được đặt tên, vào Cô nhi viện Kim Châu (nay là Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh).
Sự kiện đau lòng ấy đã được “người lớn” giữ kín suốt mấy chục năm qua. Người cha, từ lâu đã là người “thiên cổ”. Nhưng, những người con còn lại, càng về già càng trăn trở về đứa em đã bị cho đi. Sau một trận ốm nặng, bà Sáng đã kể lại cho các con của mình nghe về “dì út” với hy vọng, chúng sẽ thay mẹ tìm dì, không biết đang lưu lạc phương nào.
Ông Võ Thiện Đức, 54 tuổi, con của bà Sáng, kể lại: “Thương mẹ, bọn tôi cố gắng tìm manh mối. Nhưng đã gần 70 năm, vật đổi sao dời, lúc cho Cô nhi viện, dì lại chưa có tên... Chúng tôi đã làm hồ sơ gởi chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” nhờ tìm giúp, nhưng hồ sơ cần phải bổ sung thêm... Đang bế tắc, thì người em của tôi ở Lâm Đồng điện về, bảo nó vẫn có linh tính là dì hiện vẫn còn sống và đang sống rất gần chúng tôi…”.
Ông Đức về Kim Châu (thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn) hỏi thăm những người đã từng sống ở Cô nhi viện thời ấy. Họ đều đã trên dưới 70 tuổi nên ký ức lúc nhớ, lúc quên. Kiên trì và qua nhiều lần lên xuống, cuối cùng, ông Đức đã lần ra được tung tích của hai người phụ nữ sống cùng thời ấy. Người đầu tiên không phải. Người thứ hai tên là Mai. Mùng ba Tết năm nào, bà Mai cũng về Kim Châu. Từ “đầu mối” này, ông Đức đã dò hỏi được địa chỉ của bà Mai tại một con hẻm nhỏ, đường 31.3, Quy Nhơn.
“Ban đầu mọi người còn nghi ngờ vì tuổi của bà Mai không khớp với tuổi của dì. Nhưng rồi, mọi nghi ngờ đều tiêu tan khi bà Mai lên gặp cậu Năm của tôi, ở quê. Hai người rất giống nhau, từ cái trán, cái miệng đến nụ cười. Chắc chắn là dì tôi rồi. Cháu và dì sống trong cùng thành phố chứ đâu xa” - ông Đức vui mừng kể lại.
* Niềm vui buổi trùng phùng
Hôm tôi đến tìm, bà Mai vẫn còn trong trạng thái “lâng lâng khó tả”. Bà kể: “Ở Cô nhi viện, tôi được các souer đặt tên là Nguyễn Thị Tuyết Mai. Hồi nhỏ, ngày lễ, Tết, các bạn ở cô nhi viện đều được gia đình đón về vui chơi. Còn tôi, tuyệt nhiên chưa bao giờ thấy ai đến thăm hỏi cả. Đôi lúc, tôi cũng buồn tủi lắm… Trong mơ, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ có ngày mình được gặp lại họ hàng ruột thịt như ngày nay”.
24 tuổi, bà Mai được Cô nhi viện cho “ra đời”. Bà lấy chồng rồi về Quy Nhơn sống. Không hẹn mà gặp, chồng bà cũng là con nuôi. Trước khi lấy bà Mai, ông cũng nhận một đứa trẻ mới sinh, bị bỏ rơi về làm con nuôi. Bà Mai hiện có 8 người con. Mùng ba Tết năm nào, bà cũng dẫn con cái về Kim Châu thắp nhang cho những người trước ở cùng Cô nhi viện, nay đã khuất.
Ngày 27.9 vừa qua, họ Trần đã làm lễ “Mừng ngày đoàn tụ” tại thôn Quảng Nghiệp để nhận lại người con lưu lạc gần 70 năm qua. Bà Mai được đổi lại họ thành Trần Thị Tuyết Mai. Chị Dung, con gái thứ hai của bà Mai, tâm sự: “Lâu nay, chị em tôi cũng muốn đi tìm người thân cho má nhưng… đúng là “tìm kim đáy bể”. Vậy mà, không ngờ… Thế là từ nay, chị em tôi cũng có “gốc gác đằng ngoại” như ai. Có dì, có cậu, có anh, có em. Mừng lắm!”.
|