Nơi cơn bão đi qua
8:4', 4/10/ 2009 (GMT+7)

Tôi đến xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, một ngày sau cơn bão đổ bộ vào đây. Nắng vàng rực rỡ, gió hiu hiu thổi. Tiết trời thật thanh bình… Nhưng trên đường đi, lâu lâu, tôi lại gặp một cây to ngã ra giữa đường. Những căn nhà tốc mái, những đống đổ nát hiện ra dưới những thân dừa, tàu lá tả tơi. Những ruộng lúa, luống mì ngã rạp. Những vườn chuối xác xơ. Ngay cả những cây điều, cây me cứng cáp cũng không thể trụ vững trước gió bão.

 

Hội Chữ thập đỏ Bình Định và Siêu thị Co.op Mart Quy Nhơn thăm, tặng quà cho một gia đình có nhà bị sập trong cơn bão số 9. Ảnh: T.X.C

 

* Đi theo dấu bão

Đã từng lên Cát Sơn nhiều lần, nhưng có lẽ, đây là chuyến đi đáng nhớ nhất của tôi. Chủ tịch UBND xã Võ Văn Nguyên dường như chưa hết bàng hoàng: “Nhanh quá, bất ngờ quá. Toàn xã có 4 nhà sập hoàn toàn, 162 ha lúa ngập nặng, tính ra thiệt hại hàng tỉ đồng. Song thiệt hại kinh tế có lớn mấy cũng không thể so sánh với sự mất mát tính mạng con người. Huyện Phù Cát có 3 người chết do bão, thì Cát Sơn đã có 2 người”.

Ông Nguyên kể, đến tờ mờ sáng, ngày 29.9, ông mới nhận được tin báo có 2 người bị gió quật chìm sõng trên hồ Hội Sơn. Xã huy động toàn bộ sõng, áo phao cứu hộ lên hồ Hội Sơn ứng cứu. 6 giờ sáng, 7 chiếc sõng đầu tiên rời bờ, đi chưa được hai chục mét, một chiếc đã bị gió đánh lật, may mà những người cứu nạn đều mặc áo phao nên được cứu ngay. Lần thứ hai, 17 chiếc sõng cùng ra tìm kiếm. Cũng may, chiếc dầm nổi lên, giúp những người cứu hộ xác định được vị trí sõng bị lật. Sau gần 4 giờ đồng hồ quần đảo, sục sạo, thi thể của 2 anh Cao Sơn Hùng (32 tuổi, ở thôn Thạch Bàn Tây) và Nguyễn Thành Linh (38 tuổi, ở thôn Hội Sơn) mới được đưa vào bờ.

 

Một cây điều bị bão quật ngã nằm ngang đường từ Cát Lâm lên Cát Sơn.

 

Trong các nạn nhân bị chết do bão số 9 gây ra ở tỉnh ta, nhiều người bị nạn khi đang đi thuyền, sõng trên đầm, hồ. Khi họ mất tích, việc tìm kiếm rất khó khăn. Như trường hợp 2 chị em dâu Trương Thị Xưa và Lê Thị Khen, ở thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ. Sáng 29.9, 2 bà đi đánh cá trên đầm Trà Ổ, bị sóng lớn đánh chìm, mất tích. Đến chiều cùng ngày, mới tìm thấy thi thể của bà Lê Thị Khen. Còn thi thể của bà Trương Thị Xưa, đến chiều 2.10 mới tìm thấy ở xã Mỹ Thắng.

Rạng sáng ngày 1.10, tại TP Quy Nhơn, sau 2 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu nạn mới tìm được thi thể anh Dương Văn Bình (ở khu vực 5, phường Lê Hồng Phong). Trước đó, sáng 29.9, anh Bình cùng mẹ là bà Trương Thị Lần đang bơi sõng thì bị nước lũ và gió thổi mạnh làm lật sõng. Nhân dân địa phương đã cứu được bà Lần, còn anh Bình thì bị nước cuốn trôi mất tích.

* Nỗi đau còn lại

Khi tôi đến thăm nhà, 2 đứa con của anh Linh đã đi chặn bò. Căn nhà nhỏ rách bươm sau cơn bão… Vợ anh Linh, chị Nguyễn Thị Hồng ra tiếp khách. Đôi mắt chị ráo hoảnh, khô khốc, cứ nhìn chằm chằm vào 2 bàn tay nắm chặt nhau. Chị thu người trên ghế, trả lời mấy câu hỏi của tôi bằng một giọng đều đều, vừa đủ thông tin cần thiết, không kể lể gì hơn. Tôi không dám hỏi gì nhiều, sợ chị mệt. Cũng không dám xin chụp một tấm ảnh, sợ lại làm chị đau lòng…

Chị Hồng trụ vững, lo đám tang cho chồng; còn chị Trâm, vợ anh Cao Sơn Hùng thì đã ngã quỵ từ khi nghe tin dữ. Ông Cao Văn Súng, cha ruột, và ông Nguyễn Văn Đồng, cha vợ anh Hùng, đứng ra lo đám tang cho con. Ông Súng cho hay, hai đứa cháu nội của ông còn nhỏ quá, đứa trai 8 tuổi, đứa gái mới 5 tuổi; mẹ chúng thì chẳng gượng dậy nổi, nên chắc vợ chồng ông phải ở lại chăm sóc con dâu và cháu nội. Anh Hùng là đảng viên, từng là cán bộ phụ trách thể dục - thể thao của xã. “Vợ chồng nó hay lam hay làm, mới sửa được cái nhà khang trang, sắm được máy cày, máy xay mì. Thằng Hùng đang mua thùng xe chở nông sản, chưa kịp đem về, vậy mà…”- ông Súng nghẹn ngào.

 

Đoàn cứu trợ Báo Sài Gòn Giải Phóng và Chi hội Y Bác sĩ từ thiện Tâm Việt thăm gia đình anh Dương Văn Bình.

 

Gần trưa ngày 2.10, cùng Đoàn cứu trợ của Báo Sài Gòn Giải Phóng và Chi hội Y Bác sĩ từ thiện Tâm Việt, tôi đến thăm nhà anh Dương Văn Bình. Căn nhà nhỏ xíu nằm bên đường ray xe lửa. Thi thể anh Bình vừa được mai táng ban sáng. 2 con anh, Dương Hoàng Long (6 tuổi) và Dương Quá Hải (28 tháng tuổi), còn quá nhỏ để nhận ra mất mát quá lớn vừa đổ ập xuống gia đình mình. Cu Hải cứ chạy vòng quanh, cười ngặt nghẽo khi thấy mẹ cúi lạy trước bàn thờ.

Nhìn cu Hải, chợt nghĩ đến 2 đứa con gái của anh Võ Văn Chung, ở thôn Tài Lương 4, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn. Bão làm gãy cột điện trước nhà, dây điện rơi trúng vào người anh Chung. Cả nhà chỉ sống nhờ mấy sào ruộng, quanh năm túng thiếu. Vợ anh Chung bị bệnh cột sống, anh lại còn người mẹ già đã ngoài tám mươi tuổi... Anh ra đi, gia đình sẽ ra sao khi không còn ai “chống đỡ”. Và 2 con gái, đứa học lớp 4, đứa lớp 1, mai đây sẽ không bao giờ còn thấy bóng hình cha…

Những đôi mắt còn quá thơ ngây, những bờ vai còn quá non nớt để gánh chịu nỗi đau quá lớn…

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tỉnh ta được Chính phủ hỗ trợ 20 tỉ đồng và 1.400 tấn gạo  (04/10/2009)
Tăng cường công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm  (03/10/2009)
Hỗ trợ nạn nhân bão số 9  (03/10/2009)
Tổ chức vui tết Trung thu cho thiếu nhi  (03/10/2009)
Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam  (03/10/2009)
Kỷ niệm 30 năm thành lập trường và đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ  (03/10/2009)
Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân  (03/10/2009)
Tìm được gia đình sau gần 70 năm  (03/10/2009)
Nhanh chóng giám định, bồi thường thiệt hại do bão số 9  (02/10/2009)
Tìm thấy 2 thi thể nạn nhân bão số 9  (02/10/2009)
Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi  (02/10/2009)
Lãnh đạo tỉnh làm việc với đoàn công tác tỉnh Đắk Nông  (02/10/2009)
Tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 9, nâng cao ý thức đối phó bão, lũ  (02/10/2009)
500 em khuyết tật vận động sẽ được phẫu thuật chỉnh hình  (01/10/2009)
Giảm giờ làm, tăng thu nhập  (01/10/2009)