Từ năm học 2009-2010, việc xét tuyển giáo viên (GV), nhân viên ngành GD-ĐT đã được phân cấp cho Sở GD-ĐT và UBND các huyện, thành phố. Nhờ đó, việc tuyển dụng đã được tiến hành nhanh hơn. GV mới, về nhận nhiệm sở đúng thời gian, đã giúp các trường chủ động trong sắp xếp kế hoạch dạy học.
|
Nhiều GV tiếp tục được học tập, nâng cao trình độ, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giảng dạy. Ảnh: N.Q
|
* Nhiều GV có trình độ Thạc sĩ
Vài năm trước đây, nếu như số GV có trình độ Thạc sĩ trong ngành GD-ĐT tỉnh đếm được trên đầu ngón tay, thì bây giờ, GV có trình độ Thạc sĩ đã không còn là “của hiếm”. Trong năm học này, Sở GD-ĐT cũng đã tuyển được 5 GV có trình độ Thạc sĩ cho các trường. Chẳng hạn như, Trương Anh Thuận, tốt nghiệp đại học loại giỏi, Thạc sĩ ngành Lịch sử, được xét tuyển về Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Quy Nhơn); Lê Thị Thanh Hương, GV Lịch sử, có trình độ Thạc sĩ, được tuyển cho Trường THPT Phù Mỹ 1 (Phù Mỹ); Nguyễn La Thăng, Thạc sĩ Toán học về Trường THPT Tăng Bạt Hổ (Hoài Nhơn)…
Anh Phùng Đình Hùng, tốt nghiệp ngành Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Huế và là Thạc sĩ ngành lý luận và phương pháp giảng dạy, về giảng dạy tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Hoài Nhơn), cho biết: “Tốt nghiệp đại học, tôi dạy hợp đồng 1 năm tại Huế để chờ thi cao học, nhằm có cơ hội tốt hơn trong tìm việc làm sau này. Nhờ vậy, sau khi lấy được bằng Thạc sĩ, tôi đã được tuyển dụng làm giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, tôi phải trở về quê (ở Hoài Sơn, Hoài Nhơn) để phụng dưỡng mẹ, nên đã xin về dạy hợp đồng tại Trường THPT Lý Tự Trọng từ học kỳ 2 năm ngoái. Năm nay, tôi đăng ký xét tuyển vào Trường và đã được toại nguyện…”.
Trường THPT Lý Tự Trọng là một ngôi trường vùng sâu, mới được thành lập những năm gần đây. Vậy mà hiện nay, Trường đã có 3 GV đã và đang học cao học. “Có kiến thức, trình độ nhất định về bộ môn và phương pháp sư phạm, tôi đã tự tin hơn trong giảng dạy !” – anh Hùng nói.
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn năm nay cũng tuyển khá nhiều GV cho các ngành: Văn, Sinh, Địa, Sử, Thể dục, Tin học, Toán, Tiếng Anh… Ông Phạm Quang Bắc, Hiệu trưởng Trường, cho biết: “Do yêu cầu dạy chuyên, nên Trường chủ trương chỉ tuyển GV tốt nghiệp đại học loại giỏi, có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ càng tốt, để dần thay thế những GV dạy chưa tốt”.
* Nguồn GV: vẫn môn thừa, môn thiếu
Ngày 17.3.2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính, sự nghiệp. Theo Quyết định này, năm nay, Sở GD-ĐT đã trực tiếp xét tuyển GV, nhân viên các đơn vị trực thuộc cho ngành mình. Đây cũng là năm đầu tiên, các GV, nhân viên thuộc các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp (TT GDTX-HN) được xét tuyển vào biên chế.
Năm nay, toàn tỉnh có 352 hồ sơ đăng ký xét tuyển ngạch GV, nhân viên các trường THPT và các TT GDTX-HN. Hồ sơ được nhận ngày 31.8 thì đến ngày 21.9, Hội đồng Xét tuyển GV của Sở GD-ĐT đã công bố kết quả và ra quyết định cho GV về trường đã trúng tuyển nhận công tác. Có 203 GV, nhân viên đã trúng tuyển vào các trường THPT công lập, trong đó, có 58 GV, nhân viên của các TT GDTX-HN.
Nhìn chung, số lượng GV được tuyển mới đã đảm bảo kế hoạch dạy học của các trường. Tuy nhiên, vẫn có những bộ môn nguồn GV rất dồi dào như: Thể dục, Lịch sử, Tin học, Tiếng Anh… Do đó, Trường THPT số 1 Phù Cát cần 1 GV Thể dục nhưng có 7 người đăng ký; Trường THPT Hùng Vương cần 1 GV Thể dục nhưng có 4 hồ sơ đăng ký dự tuyển... Ngược lại, có những môn cần nhiều GV nhưng không có nguồn để tuyển như: Giáo dục quốc phòng, Địa lý… Đặc biệt là nhân viên y tế học đường, hiện 7 trường có nhu cầu tuyển dụng, nhưng không có một ai đăng ký.
Ngoài thực hiện Quy chế xét tuyển với thứ tự ưu tiên như UBND tỉnh đã quy định, Sở GD-ĐT đã ban hành thêm quy định, những thí sinh tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy sẽ được ưu tiên xét tuyển trước so với những thí sinh mới tốt nghiệp hệ cao đẳng nhưng điểm xét tuyển cao hơn. Điều này đã khắc phục được tình trạng, nhiều thí sinh thi đại học không đậu, xuống học cao đẳng, trình độ thấp hơn nhưng khi xét tuyển lại có cơ hội lớn hơn. Trong khi đó, khi tuyển vào, ngành lại phải tiếp tục cho đi học để... “nâng chuẩn”.
Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: Năm nay, Sở GD-ĐT được chủ động về thời gian nên quá trình xét tuyển đã diễn ra nhanh hơn. Về cơ bản, đội ngũ GV mới tuyển dụng đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Các năm trước, hầu hết số GV được tuyển mới, sau một năm dạy học tại các trường, đều đã được tuyển vào biên chế chính thức.
|