Cơ quan chuyên môn nhận định, “mục tiêu” tấn công của đại dịch cúm A/H1N1 sẽ thay đổi vào mùa Đông, tập trung ở người già, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính, thay vì nhóm đối tượng học sinh như hiện nay.
|
Người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính là “mục tiêu” tấn công của cúm A/H1N1 trong mùa Đông. Ảnh: Thu Hiền
|
* Nguy cơ bội nhiễm cao
Đến ngày 7.10, Việt Nam đã có 20 bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong, tập trung ở các trường hợp đã có bệnh lý nền như: suy thận, suy tim, bệnh ác tính, béo phì và phụ nữ mang thai.
Tại Bình Định, tính từ đầu vụ dịch đến nay, đã có 2.482 trường hợp nghi và nhiễm cúm A/H1N1 được cách ly điều trị tại các bệnh viện. Hiện vẫn còn 272 trường hợp được cách ly điều trị. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đang điều trị 15 bệnh nhân, BVĐK khu vực Bồng Sơn: 100, BVĐK khu vực Phú Phong: 14, Trung tâm Y tế huyện Phù Cát: 75, An Nhơn: 33 và Hoài Ân: 26 bệnh nhân. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình dịch cúm A/H1N1 đã lắng xuống, nhất là tại các trường học. Đồng thời, các bệnh viện cũng không ghi nhận ca bệnh nặng, không có bệnh ở các đối tượng nguy cơ. Dịch không còn bùng phát lớn, lây lan nhanh, từ trường này sang trường khác như trước đây.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, dịch vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, dự báo đỉnh dịch vào tháng 11, 12 tới - là thời điểm mùa Đông, nhiệt độ thấp, thuận lợi cho vi-rút cúm A/H1N1 phát triển và lây lan.
Nếu không có các xét nghiệm đặc hiệu để phân biệt chính xác các loại cúm, thì trên lâm sàng, những biểu hiện của cúm A/H1N1 cũng không có gì khác so với cúm mùa thông thường. Đó là sốt cao, đau đầu, tiết dịch mũi họng, mệt mỏi, đau nhức cơ thể... bệnh thường lui sau 5-7 ngày. Đối với người cao tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, do hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm, chỉ cần có cơ hội tiếp xúc, là vi-rút cúm A/H1N1 có thể xâm nhập vào cơ thể. Hơn nữa, đây là bệnh lây qua đường hô hấp, nên càng dễ bị lây nhiễm. Và nguy hiểm nhất chính là những biến chứng; nếu không được điều trị và chăm sóc dinh dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng thì dễ dẫn đến suy hô hấp.
Các bác sĩ còn nhấn mạnh, không chỉ có vi-rút cúm A/H1N1 mới gây ra những biến chứng và nguy cơ bội nhiễm, mà các vi-rút cúm mùa khác, đều có thể dẫn đến những biến chứng nặng, nếu bệnh cúm ở các đối tượng trên không được phát hiện sớm và điều trị đúng. Vi-rút cúm A/H1N1 có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mạn tính sẵn có.
* Xét nghiệm: chờ điều phối của Bộ Y tế
Cuối tháng 9, Viện Pasteur Nha Trang thông báo, không còn sinh phẩm làm xét nghiệm để chẩn đoán cúm A/H1N1. Điều này đã gây khó khăn cho công tác chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm bệnh nhân cúm A/H1N1. Đặc biệt, với những chùm ca bệnh xuất hiện sau thời điểm này.
Trước tình hình này, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện, phân lập bệnh nhân điển hình để điều trị bằng thuốc đặc hiệu Tamiflu. Còn những trường hợp nghi nhiễm cúm, chỉ cần điều trị theo triệu chứng lâm sàng. Điều này đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Việc sàng lọc dựa vào yếu tố dịch tễ và lâm sàng. Với những chùm ca bệnh, các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử, các triệu chứng bệnh của bệnh nhân. Ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh: Bất kể một loại thuốc nào, càng dùng đại trà thì khả năng kháng thuốc càng cao. Do đó, việc cho phép dùng Tamiflu để điều trị cho bệnh nhân phải được cân nhắc kỹ, thông qua hội chẩn của từng bệnh viện.
Không lo thiếu thuốc Tamiflu, song thực tế hiện nay cho thấy, tại một số trường học ở huyện Phù Mỹ và Hoài Nhơn, dịch cúm A/H1N1đã xuất hiện rải rác, không thành chùm ca bệnh, nên việc đưa ra quyết định điều trị qua yếu tố dịch tễ và lâm sàng cũng rất khó khăn. Bởi hiện có nhiều loại vi-rút gây bệnh cảnh tương tự nhau, nên không xét nghiệm thì không biết có mắc cúm A/H1N1hay không. Hơn nữa, với bệnh nhân nghi ngờ mắc cúm A/H1N1 có bệnh lý tim mạch, viêm phổi… mà không xét nghiệm thì không thể can thiệp điều trị thích hợp. Nếu bệnh nhân có tử vong cũng không xác định được liệu có mắc cúm A/H1N1 hay không. Và cũng không thể xác định được tỷ lệ kháng thuốc. Về vấn đề này, ông Hùng cũng cho biết, phải chờ ý kiến điều phối từ Bộ Y tế, vì vượt quá khả năng của tỉnh.
Ông Lê Quang Hùng cho biết: Ngành Y tế tập trung vào công tác chuẩn bị điều trị cho những ca bệnh nặng; tiếp tục duy trì công tác giám sát, tập trung vào các trường học, công sở, đặc biệt, chú ý đến bệnh nhân có nguy cơ cao. Trong điều trị, các bệnh viện phải lưu ý những ca bệnh rơi vào nhóm phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người mắc bệnh mạn tính. Khi có ca bệnh nặng, thì gánh nặng đặt trên vai ngành Y tế rất lớn, khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế rất cao. |
|