Chợ tre
8:28', 11/10/ 2009 (GMT+7)

Cứ 5 ngày, chợ tre ở thôn Chánh Thiện, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, nhóm một lần, vào các ngày mùng 3, mùng 8, 13, 18... Đây là chợ tre duy nhất ở Phù Mỹ, với nguồn tre được chuyển từ nhiều làng quê khác như xã Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp, Mỹ Quang, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Tài...

 

                       Buổi chiều trước phiên chợ, tre đã được “tập kết” về chợ.

 

* Một nét quê

Chợ tre họp từ tờ mờ sáng đến khoảng 9 giờ. Để kịp phiên chợ, từ chiều tối hôm trước, tre từ khắp nơi đã tập trung về chợ.

Chị Dương Thị Thu Tài, 44 tuổi, ở thôn Trung Thứ, xã Mỹ Chánh Tây, một mình một chiếc xe đạp cũ kỹ, nhưng chở tới 3 cây tre lớn. Chị bảo, con đường từ thị trấn Phù Mỹ về xã Mỹ Chánh đang tu sửa, chở được mấy cây tre đến chợ vất vả gấp bội.

Cụ Sáu Trinh, 72 tuổi, ở xã Mỹ Chánh Tây, từng đi chợ tre từ năm còn 5, 6 tuổi, nhớ lại: “Chợ này có từ thời Pháp thuộc, từ ông nội đến cha tôi đều chặt tre trong vườn đi bán ở chợ tre... Người bán lẫn người mua tre đều phải vác tre trên vai, sang hơn một chút là chở bằng xe ngựa. Hồi xưa, chợ tre gắn với các địa danh Cầu Đá, An Xuyên, Gò Me… giờ thì họp ổn định ở chợ An Lương”.

Không chỉ tre cây, cả gốc tre bây giờ cũng có người mua. Gốc tre to có thể bán tới 10 ngàn đồng/gốc; tre cây loại thẳng, mắt nhỏ, lóng dài bình quân 15-20 ngàn đồng/cây, cá biệt có loại tre to, da vàng, ruột đặc, bán đến 28 ngàn đồng/cây. Ở chợ tre, tre được sắp xếp rất trật tự. Tre cây to, dài thì xếp giữa chợ, gốc theo gốc, ngọn đằng ngọn. Tiếp theo là những cây tre nhỏ, ngắn, tre “điếc” không lớn nổi. Gốc tre được xếp sau cùng, ngay sát bờ rào. Để không bị nhầm lẫn, người ta khắc tên chủ tre lên thân tre, hoặc dùng những ký hiệu như gạch chéo, khoanh tròn… Phiên chợ đông có trên hai, ba trăm lượt người mua bán. Mỗi phiên chợ, lượng tre gốc, tre cây tiêu thụ phải lên tới hàng ngàn.

Những năm gần đây, đã có những người đến chợ chiều tối hôm trước mua gom tre, để sáng hôm sau bán lại. Theo chị Nguyễn Thị Loan, ở thôn Mỹ Hội, xã Mỹ Tài, ở chợ tre Phù Mỹ bây giờ có khoảng 10 người buôn tre. Người có tre đem tới chợ, bán lại cho người buôn, được tiền ngay, đỡ công đứng bán, nên việc mua bán sang tay trong đêm cũng nhộn nhịp lắm. Mỗi phiên chợ, bình quân từ 200-300 cây tre “qua tay” chị Loan. Người phụ nữ 43 tuổi này đã có 17 năm trong nghề. Ban đầu, chị mua tre ở chợ, rồi thuê xe ngựa chở đến khắp nơi bán lại. Cách đây 6 năm, chị đã sắm được chiếc xe công nông chuyên chở tre.

 

                                      Mẹ con cùng đến chợ.

 

Chợ cũng tạo điều kiện để những người chuyên chặt tre, chở thuê tre có việc làm. Trừ chi phí, mỗi phiên chợ, những người chở thuê cũng kiếm được 80-100 ngàn đồng...

Cuộc sống hiện đại, bê tông sắt thép tràn ngập khắp nơi, nhưng cây tre chưa dễ bị thay thế. Ông Trịnh Lên, ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, cứ chờ đến phiên chợ lại mua 5-7 cây tre về đan thúng bán cho người đi biển. 75 tuổi, ông đã có thâm niên hơn ba chục năm trong nghề. Hồi xưa, ông còn khỏe, mua nhiều, phải thuê xe chở về. Ông vừa lựa tre, vừa nói: “Làm thúng, tre thường cắt khúc nên cũng không cần tre thẳng. Nhưng phải tuyển cho được gốc tre “dày cơm” (ruột nhỏ) để làm vành cho cứng cáp; lại phải chọn được thân tre “mỏng cơm”, mềm mại để dễ uốn”.

Tre còn để đan thúng, sõng, rổ, rọ heo, làm đó, giỏ đánh bắt cá. Người nuôi tôm dùng tre thả chà (kết thành bè thả giữa hồ cho tôm núp tránh nắng). Các công ty thủy lợi mua gốc tre để đắp đê…

Tre còn đất sống, nhiều người có thêm thu nhập từ cây tre, nên phiên chợ tre cứ đông vui nhộn nhịp, từ năm này sang năm khác...

* Chuyện nhặt từ những phiên chợ

Tre khoảng 3 năm tuổi thì bán được. Cứ tưởng việc chặt tre, vác tre, chở tre… là chuyện của đàn ông. Thế nhưng, ở chợ tre Phù Mỹ, có rất đông phụ nữ. Các chị, các cô, các bà cũng xông xáo, xốc vác không kém cánh mày râu. Và “đánh vật” với mớ tre, họ cũng bị tre kẹp buốt nhức, bị xóc dằm tre đến chảy máu. Nhưng vì miếng cơm manh áo, họ đành chấp nhận. Như chị Tài, để chuẩn bị cho phiên chợ, chị và con gái phải tự chặt tre, rồi chở đến chợ bán. Nhà chị chỉ có 4 sào ruộng mà tới 8 miệng ăn, mỗi phiên chợ bán vài cây tre cũng giúp nồi cơm đầy đặn hơn.

 

                                                    Chở tre đến chợ.

 
 
Một lần đến chợ, tôi không thể quên hình ảnh 2 mẹ con người phụ nữ liêu xiêu trong buổi chạng vạng hôm ấy. Với chiếc xe đạp cũ, 2 mẹ con chị chở tới 8 gốc tre cùng mấy cây tre đặc đến chợ. Tre chất trên yên xe, cột hai bên thân xe, trĩu nặng. Mẹ dắt, con đẩy. Đến chợ, con vịn xe, mẹ dỡ tre xuống. Đưa tay áo quệt mồ hôi, chị nói trong hơi thở mệt nhọc: “Sáng mai, phải nộp tiền học cho thằng con. Cứ trễ hạn nộp tiền là nó khóc mãi”. Cách đây mấy năm, chồng chị hái dừa bị té, giờ chỉ quanh quẩn trong nhà, chẳng làm gì ra tiền.

Sáng hôm sau, tôi gặp một cụ già đã 74 tuổi, ngồi bệt bên đống tre. Từ nhà ông ở thôn Trung Thành 1, xã Mỹ Quang, đến chợ tre hơn 18 cây số. Cả ngày hôm qua, ông phải đi 2 chuyến mới chở hết 5 cây tre đến chợ. Nói chuyện hồi lâu, ông mới kể chuyện gia đình. Cậu con trai bị chứng tâm thần phân liệt, ngoài ba mươi tuổi mà vẫn cứ lơ ngơ như đứa trẻ. Bám ruộng bám đồng không đủ sống, nên cứ đến phiên chợ tre, ông lại chặt tre chở đi bán. Mỗi chuyến đi về của ông mất gần 3 tiếng đồng hồ.

Cũng như các chợ khác, chợ tre cũng lao xao cảnh mua bán, trả treo. Thế nhưng, theo các cụ cao niên gắn bó với chợ tre hơn nửa đời người, ở chợ tre, chưa từng xảy ra cãi vã, xô xát vì giành giật bán, mua…

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
CLB Nữ Doanh nhân tỉnh chuẩn bị “lên” Hội  (10/10/2009)
Ủng hộ tỉnh ta 70 triệu đồng khắc phục hậu quả cơn bão số 9  (10/10/2009)
Tổ chức Đại hội thi đua quyết thắng  (09/10/2009)
Tặng quà cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 9  (09/10/2009)
Bình Định hỗ trợ Kon Tum khắc phục hậu quả bão số 9  (09/10/2009)
Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Biên giới quốc gia  (09/10/2009)
Hai bên cùng có lợi  (08/10/2009)
Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất  (08/10/2009)
Nhiều tổ chức, cá nhân thăm, tặng quà cho người dân bị thiệt hại do bão số 9  (08/10/2009)
Tháng cao điểm vì người nghèo  (08/10/2009)
Quốc hội cần nâng cao chất lượng xây dựng luật  (08/10/2009)
“Mục tiêu” tấn công sẽ thay đổi  (08/10/2009)
Giao lưu các CLB Nữ doanh nhân trong và ngoài tỉnh  (07/10/2009)
Sà lan cát trôi dạt trên biển  (07/10/2009)
Chỉ tuyển được 80/331 chỉ tiêu nguyện vọng 3  (07/10/2009)