Cuối năm 2009, Công ty cổ phần Xây dựng 47 bắt đầu tiếp cận nguồn lao động dồi dào tại các bản làng người dân tộc thiểu số ở Vân Canh để vận động họ đăng ký xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Malaysia. Song bước đi đầu tiên ấy gặp không ít trở ngại…
|
Lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người đăng ký xuất khẩu lao động. |
* Trăm cái khó
Theo Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, Nhà nước sẽ đầu tư hơn 4.700 tỉ đồng hỗ trợ người dân ở 61 huyện nghèo (trong đó, tỉnh ta có 3 huyện: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh), để phấn đấu đến năm 2020, đưa 100 ngàn lao động đi làm việc ở các nước, góp phần giảm 19% số hộ nghèo ở các địa phương thuộc Đề án.
Các chính sách hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ 100% kinh phí cho người lao động nghèo, người dân tộc thiểu số và hỗ trợ 50% kinh phí cho các đối tượng khác thuộc 61 huyện nghèo, để học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia XKLĐ; cho người lao động vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi XKLĐ.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Vân Canh, cho biết: Tuy chế độ hỗ trợ cho người XKLĐ rất tốt, nhưng số người tham gia rất ít. Kế hoạch năm 2009, Phòng được phân bổ 300 triệu đồng để cho vay hỗ trợ XKLĐ, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có hồ sơ nào xin vay.
Trong tháng 11.2009, cùng Huyện Đoàn Vân Canh và cán bộ các xã, Công ty cổ phần Xây dựng 47 đã thành lập Ban vận động, “cơm đùm cơm nắm” đến từng bản làng xa xôi để vận động bà con tham gia XKLĐ. Kết quả, chỉ có hơn 100 người đăng ký. Khi tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên huyện, chỉ có 20 người tham gia. Đến ngày 16.10, chỉ có 13 người xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm thủ tục khám sức khỏe. Tại Vĩnh Thạnh và An Lão, tình hình còn “bi đát” hơn. Cả 2 huyện chưa tới chục người đăng ký; trong khi hiện tại, 3 huyện miền núi của tỉnh ta có gần 10 ngàn lao động chưa có việc làm, hoặc việc làm không ổn định.
Theo ông Vinh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do cách làm ăn của một số công ty môi giới XKLĐ. “Họ không đảm bảo quyền lợi cho bà con. Cá biệt, có công ty còn làm ăn theo kiểu “đem con bỏ chợ”, trốn tránh trách nhiệm khi có vấn đề trở ngại với người lao động”- ông Vinh bức xúc nói.
Cùng chung suy nghĩ với ông Vinh, ông Phạm Văn Lịch, Trưởng phòng Dịch vụ XKLĐ (Công ty cổ phần Xây dựng 47), bày tỏ: “Chính cách làm “ăn xổi ở thì” khiến người lao động mất lòng tin. Chúng tôi là người đi sau, nên chịu ảnh hưởng rất lớn”.
Ngoài ra, cũng còn nguyên nhân từ phía người lao động. Ông Lê Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp, cho biết: “Tuy hoạt động xúc tiến XKLĐ trên địa bàn xã triển khai rất bài bản, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có ai đăng ký. Nhiều thanh niên kết hôn sớm, không muốn xa nhà, ngại phải bắt đầu cuộc sống mới ở nơi xa lạ. Người chưa kết hôn lại chưa đủ tuổi lao động. Đó là chưa kể những hạn chế về trình độ học vấn, tiếp thu những kiến thức mới rất chậm”.
|
Thành viên Ban vận động đang vận động bà con người dân tộc thiểu số xuất khẩu lao động. |
* Phải làm cho dân tin
Cách đây 3 năm, có hai anh em ở làng Canh Tân (xã Canh Thuận) cùng XKLĐ sang Malaysia. Người anh làm việc chăm chỉ, hết thời hạn 3 năm đã về nước. Còn người em tự ý bỏ việc, hiện đang thất nghiệp, tiền không có, giấy tờ cũng không, “kẹt” ở nước bạn, đi không được, ở không xong.
Ông Nguyễn Văn Vinh kể cho chúng tôi nghe chuyện 2 lao động bị cho về nước trước thời hạn, một người ở xã Canh Vinh, một ở thị trấn Vân Canh. Trong đó có một người mới đi XKLĐ được một năm thì bị trả về. Không được doanh nghiệp đưa đi bồi thường hợp đồng, anh này đổ thừa, trách móc ngân hàng “lừa” mình, nợ ngân hàng vẫn chưa trả hết.
Là người gắn bó lâu năm với bà con miền núi, ông Nguyễn Trọng Sang, cán bộ văn hóa - thông tin xã Canh Thuận, cho rằng: “Đoàn vận động đã tuyên truyền về cơ hội việc làm, chính sách ưu đãi của Nhà nước; giới thiệu về phong tục tập quán, nền công nghiệp của Malaysia; giới thiệu về Công ty cổ phần Xây dựng 47… Song cái bà con cần nhất là nhìn thấy những người thực tế thành công khi đi XKLĐ”.
Trước khi triển khai kế hoạch tuyển lao động ở các huyện miền núi tham gia XKLĐ, Công ty cổ phần Xây dựng 47 đã đưa một lao động ở Tuy Phước sang làm việc ở Ma Cao; 2 người ở Tuy Phước, 1 người ở Tây Sơn sang Malaysia. “Đợt này, dù số lượng có ít, Công ty vẫn cố gắng đưa đi thành công, tạo uy tín với bà con miền núi”- ông Lịch khẳng định.
Chúng tôi xin mượn lời ông Lê Hồng Nguyên, Trưởng làng Hà Văn Dưới, xã Canh Thuận, để kết lại bài viết này: “Tôi cũng mong bà con thay đổi nhận thức, cố gắng tìm công việc ổn định, có lương cao để cải thiện kinh tế cho gia đình, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Song các công ty cũng phải cố gắng không để bà con chịu thiệt thòi, nếu có rủi ro xảy ra thì công ty phải chịu trách nhiệm cùng phối hợp giải quyết. Làm gì cũng phải có chữ tín!”.
|