Sau 3 tuần triển khai, các cơ sở y tế đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc thực hiện các quy định mới theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
|
Các cơ sở y tế và người bệnh đang rối với các quy định của Luật BHYT dù đối tượng lúc này mới chỉ là trẻ em dưới 6 tuổi và học sinh, sinh viên. Ảnh: T.H
|
* Rắc rối cùng chi trả vượt tuyến
Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, cho biết: Ngoài bệnh nhi của các xã trên địa bàn huyện, Trung tâm còn tiếp nhận khám và điều trị cho một số bệnh nhi đến từ các xã Phước Hưng, Phước Quang của huyện Tuy Phước. Theo Luật BHYT mới, ngoại trừ trường hợp cấp cứu, số bệnh nhi này buộc phải chi trả phần viện phí khám chữa trị tại Bệnh viện theo diện vượt tuyến.
Bệnh viện phải tự xem xét chủ thẻ BHYT thuộc đối tượng nào mà tính toán miễn phí hoặc trừ đi chi phí đồng chi trả 5-20%, hay đóng thêm 30-70%. Tất cả những tỉ lệ đồng chi trả này phụ thuộc vào việc bệnh nhi vượt tuyến nào trong khâu khám chữa bệnh (KCB). Đây là một khó khăn cho nhân viên làm công tác hành chính, mất thời gian cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.
Luật BHYT đã được triển khai từ ngày 1.10.2009. Đến thời điểm này, các cơ sở y tế đang rất rối với lượng bệnh nhân đăng ký KCB BHYT hiện nay. Anh Man Đức Luyến, Phó Trưởng phòng Tài chính-Kế toán, Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, phân tích: “Vì phần mềm giám định của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vẫn chưa hoàn thành, trong khi phần mềm HMIS vốn sử dụng lâu nay, không kết nối được với BHYT, nên tất tần tật mọi thủ tục thanh quyết toán KCB đều phải làm… bằng tay. Mặc dù đến thời điểm này, thủ tục thanh toán cho nhóm đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi đã được Sở Y tế và BHXH hướng dẫn cụ thể, nhưng BHXH tỉnh chýa tổ chức tập huấn cho người trực tiếp thực hiện. Vì thế, từ đầu tháng 10 đến nay, chúng tôi “bám” theo Luật và các Thông tư, Nghị định hướng dẫn để thực hiện”.
Để thực hiện khâu thanh toán cho từng nhóm đối tượng, theo từng mức phí quy định đối với bệnh nhân KCB vượt tuyến, các cơ sở y tế buộc phải bổ sung thêm nhân sự cho bộ phận kế toán viện phí. Theo một lãnh đạo bệnh viện, đơn vị này phải tuyển thêm 2/3 nhân sự phục vụ bộ phận thanh quyết toán. Điều này đồng nghĩa với việc bộ phận phi chuyên môn “phình” to ra khá nhiều, nhưng thực tế, nếu không tuyển thì không có người để làm. Thêm người, nhưng việc quản lý công việc, tính chính xác của bộ phận tài chính làm bằng tay không hề đơn giản.
Bác sĩ Hà Thúc Chí, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: đối với trẻ em dưới 6 tuổi, BHXH tỉnh đã thống nhất với Sở Y tế về phân tuyến điều trị. Ở TP Quy Nhơn, trẻ được KCB ở cả 3 nơi là trạm y tế, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ở các huyện, trẻ được KCB ở trạm y tế và Trung tâm Y tế huyện. Hai Bệnh viện Đa khoa khu vực là Phú Phong (huyện Tây Sơn) và Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) cũng tiếp nhận điều trị trẻ ở các vùng lân cận địa bàn 2 huyện này. Riêng việc thanh toán các dịch vụ y tế và thuốc men điều trị cho nhóm đối tượng này, trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của BHXH Việt Nam, thì vẫn được thực thanh, thực chi. Trẻ v«n được sử dụng thẻ KCB miễn phí, giấy khai sinh, giấy chứng sinh, hoặc giấy xác nhận của UBND xã, phường để KCB cho đến ngày 31.12.2009.
* Tuyến dưới “giữ” bệnh nhân?
Mặc dù quyết liệt triển khai Luật song các bệnh viện cũng như bệnh nhân, vẫn còn nhiều băn khoăn. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt, việc Luật quy định mức trần chi phí BHYT và chi trả BHYT trong trường hợp chuyển tuyến điều trị nếu làm không khéo rất dễ gây bất lợi cho bệnh nhân không được thụ hưởng kịp thời dịch vụ y tế cao ở các bệnh viện tuyến tỉnh và cơ sở y tế chuyên khoa.
Băn khoăn này được bác sĩ Lê Thái Bình chia sẻ. Song bác sĩ Bình cũng cho rằng, sở dĩ có tình trạng tuyến dưới “giữ” bệnh nhân vì khi chuyển tuyến điều trị, tuyến dưới phải chi trả quỹ BHYT cho tuyến trên. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế, hay tuyến trên “lơi tay” trong các chỉ định dịch vụ y tế, thì cơ sở điều trị tuyến dưới “lãnh đủ”.
Tâm lý thông thường, không người dân nào đăng ký KCB ban đầu ở các cơ sở y tế chuyên khoa. Vì thế, rất dễ xảy ra tình trạng tuyến dưới “giữ” bệnh nhân BHYT điều trị để… giữ quỹ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người tham gia BHYT.
Về vấn đề này, ông Hà Thúc Chí, cho biết: BHXH tỉnh đã thống nhất với Sở Y tế cho phép các trạm y tế được chuyển viện bệnh nhân trực tiếp lên các bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa tuyến tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các cơ sở KCB trong tỉnh (trừ Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã chấp nhận phương thức thanh toán cho những bệnh nhân KCB theo diện tự chọn. Bệnh nhân thanh toán cho bệnh viện số chi phí phần trăm tự trả, chi phí còn lại sẽ được BHXH chi trả cho các bệnh viện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo hiểm y tế đến cộng đồng
(BĐ) - Đó là ý kiến của các đại diện các sở, ban, ngành đoàn thể tham gia hội thảo triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), do Bảo hiểm Xã hội tỉnh tổ chức vào sáng 21.10, tại Quy Nhơn.
Theo ông Huỳnh Quang Trắc, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Luật BHYT được triển khai từ ngày 1.10.2009 quy định áp dụng cho 28 nhóm đối tượng. Lộ trình từ nay đến năm 2014 sẽ có 80-85% dân số hưởng chính sách BHYT và chỉ còn 15-20% dân số thuộc nhóm đối tượng tự nguyện tham gia BHYT. Luật BHYT quy định nhiều điểm mới, trong khi đó nhận thức của người có thẻ BHYT chưa được đồng thuận theo quy định của Luật. Do đó, để triển khai thực hiện Luật BHYT trên địa bàn tỉnh đúng quy định, cần có sự phối hợp của các ngành, đoàn thể.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích một số khó khăn trong bước đầu thực hiện Luật; đồng thời nhấn mạnh phải tăng cường công tác tuyên truyền Luật BHYT đến từng người dân trong cộng đồng; cũng như việc tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
|
|