|
Vợ xa nhà, chồng sẽ khổ hơn khi phải một mình chăm sóc, dạy dỗ con. Ảnh chỉ có tính minh họa |
Mô hình gia đình chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ, nuôi con đang dần thay đổi trong xã hội hiện đại. Ngày nay, vì mưu sinh, công việc, hay học hành, không ít bà vợ đã phải rời xa gia đình giao phó con cái, việc nhà cho chồng. Thay vì những hòn vọng phu như phụ nữ thời trước, nhiều đức ông chồng đã “đổi ngôi” thành “hòn vọng... thê”.
* “Gà trống” nuôi con
Tính đến nay, anh Ngọc Tuyển xa vợ đã hơn mười năm có lẻ. Vì gia đình khó khăn, vợ anh đi xuất khẩu lao động sang Nhật từ cuối năm 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, đứa con đầu mới vào lớp ba, đứa sau còn đang học mẫu giáo. Thời vợ mới đi xa, anh nấu thức ăn khi thì mặn chát, lúc nhạt thếch. Có đêm nhớ vợ, anh Tuyển nằm khóc rưng rức như đứa trẻ. Cùng với thời gian, anh Tuyển dần đảm nhiệm mọi công việc của vợ. Nhưng đến khi con gái dậy thì, anh lúng túng không biết làm sao, phải sang nhờ hàng xóm chỉ cho con gái cách chăm sóc cơ thể, giữ vệ sinh trong những ngày “có tháng”.
Việc vợ đi làm xa nhà, trở thành người kiếm tiền chủ lực trong gia đình, nay không còn là chuyện hiếm ở các vùng quê trong tỉnh. Chẳng hạn như ở 2 xã Cát Tường và Cát Nhơn (huyện Phù Cát), phụ nữ vào TP Hồ Chí Minh mua bán ve chai, bán trái cây dạo… rất đông. Một năm, họ chỉ có mặt ở nhà vài tháng vào những dịp ngày mùa, giỗ chạp, cuối năm. Việc đồng áng, chăm sóc con nhỏ đều phải nhờ vào chồng; ông bà nội, ngoại.
Lại cũng có nhiều ông chồng xa vợ vì vợ bận đi học, công tác xa nhà. Anh Nguyễn Định, công nhân cơ khí, có vợ học đại học đã gần 5 năm, cho biết: Có tháng, anh phải chia sẻ đồng lương ít ỏi của mình để hỗ trợ đột xuất cho vợ. Vì vậy, anh Định tranh thủ làm ngoài để trang trải mọi sinh hoạt trong gia đình. Nhưng theo anh, nỗi khổ “cày thêm” không thấm gì khi một mình phải “đánh vật” với con nhỏ lúc ốm đau; đưa đón con đi học trong khi giờ giấc công nhân của anh khá nghiêm ngặt. Trừ lúc lễ, Tết có vợ ở nhà nấu nướng, còn lại, hai cha con chỉ ăn “cơm bụi”.
Khỏe hơn, vì không phải lo con cái, nhưng anh Trần Quang, trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn ở Quy Nhơn, lại than thở vì nỗi tốn kém đài thọ cho vợ đi học và nỗi cô đơn một mình. Vợ anh học cao học ở Hà Nội, mang theo cả con nhỏ để tiện chăm sóc. Vợ anh có lương, nhưng không đủ trang trải tiền thuê nhà, thuê người giúp việc và các khoản chi tiêu đắt đỏ ở Thủ đô, nên tháng nào, anh Quang cũng phải gởi thêm tiền cho vợ.
* Vì ngày mai tươi sáng
“Vợ xa nhà, nỗi khổ chăm sóc con cái dồn lên đầu mình nhưng vì tương lai mà, đành phải chấp nhận thôi…”- anh Phước, nhân viên kỹ thuật, có vợ đang đi học cao học ở Úc, nói. Tâm sự của anh Phước có lẽ cũng là tâm sự chung những “hòn vọng thê” thời hiện đại. Ngoài nỗi khổ công việc, con cái, họ còn đèo thêm nỗi buồn….. nhớ vợ.
Anh Phước tâm sự, cả hai vợ chồng anh đều rành về vi tính nên thường “nói chuyện” trực tiếp với nhau qua mạng Skype. Cuộc trò chuyện của họ còn có sự góp mặt của cô con gái đang học lớp một ở nhà. Tuy nhiên, vì lệch múi giờ (4 tiếng) nên vợ chồng anh chỉ nói chuyện vào những ngày cuối tuần cho tiện.
Sau 5 năm gắng gượng, đầu tư cho vợ đi học, anh Định sắp sửa thở phào vì chỉ còn vài tháng nữa là vợ anh tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh. Đã có lúc anh chao đảo, suýt bị “say nắng” bởi một cô gái “thật lòng” với mình, nhưng anh đã dừng lại kịp thời. “Tôi nửa đùa nửa thật kể cho vợ nghe, thì cô ấy bảo: em biết tính anh đàng hoàng nên mới yên tâm mà đi học chứ. Nghe cô nói vậy, tôi thấy vui lắm. Bụng bảo dạ may mà mình...”- anh Định kể lại.
Tuy nhiên, trong thực tế, không phải “hòn vọng thê” nào cũng có thể “dừng lại đúng lúc” như anh Định. Theo các chuyên gia tâm lý, đàn ông khó chịu đựng việc thiếu thốn tình cảm hơn phụ nữ. Bởi vậy, họ rất cần sự động viên, an ủi khích lệ từ bà xã và các thành viên còn lại trong gia đình. Điện thoại, email, chat hay những chuyến thăm nhà (nếu có điều kiện) sẽ là sợi dây gắn chặt tình chồng vợ.
Cũng có trường hợp người vợ đã biến chồng thành hòn vọng… lê thê, như anh Tuyển chẳng hạn. Khi chị đi đứa út mới vào mẫu giáo, giờ nó đã học lớp 12 mà mẹ vẫn chưa về. Vợ anh vẫn đều đặn gửi tiền về cho chồng xây nhà, mua đất, nhưng hỏi khi nào về thì chị ậm ừ, hẹn lần lữa hết năm này sang năm khác. Chỉ tội cho anh Tuyển, ôm nỗi sầu lẻ bóng trong ngôi nhà to đùng.
|