“Mẫu số chung” của thế hệ trưởng làng mới ở các làng người dân tộc thiểu số tỉnh ta là trình độ học vấn khá cao, làm kinh tế giỏi, năng nổ, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm. Và dù còn rất trẻ, nhưng họ đã tạo được uy tín nhất định trong cộng đồng…
|
Trưởng làng Đinh Văn Khách (phải) là người luôn đi đầu trong đổi mới sản xuất, phát triển kinh tế ở Cà Bưng. Ảnh: N.V.T
|
* Làm được thì bà con mới nghe
Ai đã từng đến làng Cà Bưng (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) 10 năm trước, giờ quay lại, ắt hẳn không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu của mảnh đất này. Góp công không nhỏ vào sự đổi thay ấy chính là người trưởng làng trẻ tuổi Đinh Văn Khách. Tuy chỉ học hết lớp 5, nhưng với sự cần cù, thêm một chút “máu liều” (như anh Khách thừa nhận), anh đã làm nên những kỳ tích ở ngôi làng nhỏ này.
Năm 2002, Đinh Văn Khách là người đầu tiên ở Cà Bưng trồng mì cao sản. Trước đó, bà con trong làng chỉ trồng toàn mì gòn để nấu rượu dùng trong gia đình. Hai năm sau, cũng chính anh là người đầu tiên ở làng thuê đất trồng keo. Anh tâm sự: “Nghỉ học sớm, mình đi làm rừng thuê, học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăm sóc rừng. Sau đó, nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, mình được tiếp thêm niềm tin để đứng ra trồng rừng”. Sau cây keo, anh Khách cũng là người tiên phong trong đổi mới chăn nuôi với đàn dê gần năm chục con.
Bây giờ, anh Đinh Văn Khách đã có 10 ha keo gần khai thác, 13 ha keo từ 1 đến 2 năm tuổi. Đàn dê của anh mỗi năm xuất ba lần, mỗi lần thu được gần 10 triệu đồng. Năm 2004, anh Khách là người đầu tiên ở làng Cà Bưng xây nhà ngói, sắm tivi… “Mình phải làm tốt, hiệu quả thì bà con mới nghe và làm theo!”- anh Khách nói.
Trẻ hơn anh Khách 3 tuổi, nhưng về làm ăn kinh tế, anh Đinh Văn Dũng, Trưởng làng Hà Văn Trên, không hề kém cạnh. Mỗi năm, anh Dũng thu được 25 đến 30 triệu đồng từ trồng mì, mía, keo; nuôi bò, heo…. Anh còn mở cửa hàng tạp hóa cho vợ đứng bán. Tháng 7.2008, giữa ngôi làng nổi tiếng sạch sẽ, nền nếp Hà Văn Trên, căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi của anh Dũng đường hoàng mọc lên…
Sau khi tái định cư, đời sống của người dân tộc thiểu số rất khó khăn. Vì vậy, vấn đề cấp thiết là phải ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Trong hoàn cảnh ấy, những người trẻ tuổi được trang bị kiến thức mới, cùng với lòng nhiệt tình, đã tạo nên những cuộc bứt phá, giúp họ tạo được niềm tin trong cộng đồng. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng nhiều người tuổi đời còn trẻ nhưng đã được bầu làm trưởng làng.
Ở xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, hiện tại có đến 4 trưởng làng tuổi từ 26 đến 36. Đó là Đinh Văn Thành, Trưởng làng Kà Te (trẻ tuổi nhất, sinh năm 1983); Mai Văn Bình, Trưởng làng Hà Lũy; Đinh Văn Dũng, Trưởng làng Hà Văn Trên và Đinh Văn Khách, Trưởng làng Cà Bưng (lớn tuổi nhất, sinh năm 1974). Trong số đó, có 3 người là đảng viên (Đinh Văn Dũng, Đinh Văn Thành và Mai Văn Bình). Ở xã Canh Hiệp, kết quả bầu trưởng làng vào tháng 8.2008, có 3 người dưới 30 tuổi được bầu làm trưởng làng các làng Canh Giao, Hiệp Tiến và Hiệp Hưng. Ở huyện An Lão, Vĩnh Thạnh cũng đã bắt đầu xuất hiện thế hệ trưởng làng trẻ tuổi đầy hứa hẹn. Trong lúc chính quyền địa phương đang nỗ lực trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo cơ sở, đây là một tín hiệu đáng mừng…
|
Nhà văn hóa làng Cà Bưng (xã Canh Thuận, Vân Canh). Ảnh: Văn Lưu
|
* Nhọc nhằn “trưởng làng 8X”
Hầu hết các trưởng làng trẻ đều có trình độ học vấn cao so với cộng đồng. Trừ anh Khách mới học hết lớp 5, còn anh Dũng đã tốt nghiệp THPT, anh Nguyễn Văn Thanh (Trưởng làng Canh Giao, xã Canh Hiệp) tốt nghiệp THCS… Có trình độ học vấn là điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận khoa học kỹ thuật, đổi mới sản xuất, làm quen với công việc nhanh hơn.
Ông Lê Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp, cho rằng: “Để được người dân tin tưởng bầu vào chức vụ cao nhất của làng, đầu tiên người đó phải biết làm kinh tế giỏi, nhiệt huyết, có tinh thần tập thể, vì cộng đồng. Như Trưởng làng Canh Giao Nguyễn Văn Thanh, nổi trội trong cộng đồng bởi sức trẻ, lòng nhiệt tình. Để đến được xã dự họp, phải đi bộ một ngày đường, nhưng anh Thanh hiếm khi đến muộn”.
Tuy nhiên, theo ông Trường, đa phần trưởng làng còn thiếu kinh nghiệm, nóng nảy trong xử lý công tác, việc hòa giải ở cơ sở còn gặp khó khăn. Trong các lễ hội, trưởng làng trẻ chưa rành phong tục nên không thể chủ trì được. Nhiều người không chịu nổi sức ép công việc, đã xin nghỉ. Như trường hợp của Trưởng làng Hiệp Hưng, hơn một tháng sau khi “lên chức” đã xin nghỉ, xã phải tạm thời bổ nhiệm lại trưởng làng cũ.
Đến Cà Bưng, tôi được nghe người dân kể về tính nóng nảy của Trưởng làng Đinh Văn Khách. Hồi mới lên làm Trưởng làng, Khách muốn xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới. Song nhiều hủ tục ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con, không phải muốn xóa lúc nào cũng được. Đã hơn một lần, nói bà con không nghe, đang họp giữa nhà rông, anh Khách chạy về nhà, lấy lửa châm lên khắp mình để… “hạ hỏa”. Gặp anh Khách, tôi hỏi chuyện ấy có thật không, anh cười, gật đầu xác nhận.
Để giúp các trưởng làng trẻ tuổi khắc phục hạn chế về kinh nghiệm trong công tác vận động bà con, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chánh Văn phòng UBND xã Canh Thuận, cho biết: “Ngoài sự tích cực học hỏi, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm của các trưởng làng trẻ, UBND xã đã cử cán bộ xuống tận làng hỗ trợ, giúp họ quen việc. Tôi tin rằng, họ sẽ “cứng cáp”, hơn, đủ sức đảm đương nhiệm vụ của mình”.
Ở một số làng, đằng sau mỗi trưởng làng trẻ tuổi luôn có sự ủng hộ, “hậu thuẫn” của một người cao tuổi có uy tín trong làng (thường là người trưởng làng cũ). Với Trưởng làng Hà Văn Trên Đinh Văn Dũng, có cụ Nguyễn Bum; với Trưởng làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh), có cụ Đinh K’Răng… Những già làng kỳ cựu này có tư tưởng đổi mới, luôn ủng hộ những thay đổi tích cực, sẽ là “điểm tựa” vững chắc cho lớp “hậu bối” của mình…
|