Nữ công nhân nuôi con mọn
7:28', 25/10/ 2009 (GMT+7)

Một ngày của những bé con có bố mẹ là công nhân ở KCN Phú Tài thường bắt đầu từ khi trời mờ sáng. 5 giờ 30 phút các em phải rời nhà để đến nhà trẻ, 6 giờ 30 phút tối mới được mẹ đón về, vì bố mẹ các em phải thường xuyên tăng ca. Và cũng có những bé vài tháng mới được gặp mặt bố mẹ một lần, vì được gởi cho ông bà ở quê chăm sóc.

 

Một nhóm trẻ gia đình trông giữ các cháu bé là con của công nhân làm việc tại KCN Phú Tài. Ảnh: N.S

 

* Nhìn từ nhà trẻ

Tại một nhóm trẻ gia đình ở khu tái định cư thuộc khu vực 5, phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn), 5 cháu bé đang ngồi chơi đồ hàng trên chiếc chiếu trải giữa nhà. Thấy tôi bước vào, bé nhỏ nhất chừng hơn 1 tuổi bật khóc khiến bà Thi, chủ nhóm trẻ, vội vàng dỗ dành và “đuổi” khách ra ngoài vì bé cứ tưởng là mẹ mình nên khóc đòi. Chừng 10 phút sau, bé nín khóc và ngủ ngon lành.

Bà Thi kể: “Cháu bé này mới 13 tháng tuổi và tôi giữ nó cũng mới chỉ một tháng nay thôi. Bố mẹ nó đều là công nhân gỗ, quê ở Hoài Nhơn, vào đây làm công nhân. Trước khi gởi con ở đây, mẹ nó đã đi 3 - 4 chỗ gởi trẻ, nhưng nơi nào, người ta cũng không nhận vì cháu quá bé. Mẹ nó năn nỉ tôi nhờ trông con giúp, để đi làm kiếm chút tiền tiêu Tết, nên tôi nhận lời”.

Ngoài em bé trên, những bé còn lại ở nhóm trẻ nhà bà Thi đều có bố mẹ làm ở KCN Phú Tài. Bé thì bố mẹ đều làm gỗ, bé thì mẹ làm gỗ, bố làm đá, bé thì mẹ làm gỗ, bố làm thợ hồ… 5 giờ 30 phút sáng, các bé được mẹ đưa đến nhà trẻ với quần áo, sữa và thức ăn sáng, để mẹ kịp vào ca lúc 6 giờ. Trưa, các cháu ăn cơm tại nhà trẻ; chiều,  có khi là 5 giờ chiều, cũng có khi đến 6 giờ 30 phút, các cháu mới được bố mẹ đón về nhà cho ăn.

Ngoài bà Thi, ở khu tái định cư này còn 3 - 4 nhóm trẻ gia đình khác, nhóm đông nhất trông giữ gần 20 cháu. Điểm chung của những nhóm trẻ gia đình này là đều giữ con của công nhân làm việc tại KCN Phú Tài. Mức giá giữ trẻ cũng khá mềm so với ở trung tâm thành phố, 350 - 500 ngàn đồng/trẻ/tháng tùy độ tuổi. Do nhu cầu gởi trẻ lớn và cũng không thể lấy tiền công cao vì thu nhập của công nhân không nhiều, một số nhóm trẻ gia đình không đầu tư phòng ốc nhưng vẫn nhận nhiều trẻ và việc chăm sóc chỉ dừng lại ở cho ăn và “giữ” trẻ. Nhiều bà mẹ công nhân vẫn biết chuyện này, nhưng đành tặc lưỡi.

Chị V., công nhân gỗ ở KCN Phú Tài, tâm sự: “Chỗ tôi gởi con chật chội lắm, lại thiếu ánh sáng, chủ nhà còn bán quán ở đằng trước. Biết vậy, nhưng đành chịu, vì nếu tìm chỗ tốt hơn thì cao tiền hơn. Mà lương hai vợ chồng công nhân chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, tiền nhà trọ đã hết 200 ngàn, tiền gởi con 350 ngàn, rồi ăn uống, thuốc men, đi lại nữa…”.

* Mẹ yêu con lắm, nhưng...

Mẹ phải làm tăng ca, không có nhiều thời gian để chăm sóc con; lương thấp, không có điều kiện để cho con những thứ tốt nhất - đó là tình cảnh của những công nhân có con nhỏ. Chị Xuân, một công nhân gỗ, cho biết: “Đa số công nhân thường phải tăng ca. Chỉ chị nào có con nhỏ dưới 12 tháng, hoàn cảnh neo đơn, làm đơn xin không tăng ca thì mới được chấp thuận cho làm một ca. Mà làm một ca thì lương chẳng bao nhiêu…”.

Khó khăn về vật chất đã khiến nhiều bà mẹ là công nhân không có điều kiện chăm con một cách tốt nhất, dù tình yêu thương dành cho con là vô bờ. Kể về những nỗi nhọc nhằn của công nhân khi có con mọn, chị Minh (phường Ngô Mây, Quy Nhơn) nhớ lại: “Tôi không có tiền mua sữa ngoài cho con uống thêm, nên có lần, tôi đi làm, con gái khát sữa khóc dữ quá, mẹ tôi nhai cơm cho cháu ăn, dù lúc đó cháu mới 3 tháng tuổi. May là cháu không bị sao”.

Với những công nhân không có điều kiện vừa chăm con vừa đi làm thì sự lựa chọn tốt nhất là gởi con về quê nhờ ông bà nội hoặc ông bà ngoại cháu chăm giúp. Từ đây, đã có những giọt nước mắt mẹ nhớ thương con hàng đêm và những tình cảnh bi - hài diễn ra khi gặp lại: con xa mẹ lâu quá nên lạ mẹ, không chịu cho mẹ ẵm… Dù vậy, các công nhân nữ không còn lựa chọn nào khác, nếu muốn vừa có tiền, vừa an tâm về con cái.

Việc chăm sóc con nhỏ, với các bà mẹ là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp vất vả gấp bội phần so với những phụ nữ khác là vậy.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trưởng làng tuổi 30  (25/10/2009)
“Hòn vọng thê”  (24/10/2009)
Những kết quả bước đầu   (23/10/2009)
Tặng quà cho người nghèo bị thiệt hại do bão số 9   (23/10/2009)
Vẫn còn lúng túng  (22/10/2009)
Phát huy vai trò tích cực trong doanh nghiệp  (22/10/2009)
Phát hiện 100 bao xương trâu, bò trong Nghĩa trang Bùi Thị Xuân  (22/10/2009)
Vùng biên giới biển có những bước phát triển đáng kể  (22/10/2009)
Hội CTĐ các cấp đã được củng cố, phát triển, hoạt động ngày càng hiệu quả  (22/10/2009)
Đình chỉ 12 bến đò hoạt động không có giấy phép  (21/10/2009)
Tặng quà cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 9  (21/10/2009)
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Hội LHPN tỉnh nhân ngày 20.10  (21/10/2009)
Trao quà cho học sinh vùng lũ  (20/10/2009)
Cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho người nghèo  (20/10/2009)
Nhặt “sạn” sách giáo khoa Lịch sử lớp 10  (20/10/2009)