KỶ NIỆM 45 NĂM TÀU KHÔNG SỐ CHỞ VŨ KHÍ VÀO BẾN LỘ DIÊU:
Nhớ mãi một con tàu
7:42', 26/10/ 2009 (GMT+7)

Cách đây 48 năm, ngày 23.10.1961 đoàn vận tải biển được thành lập, có nhiệm vụ chi viện vũ khí và người cho các chiến trường miền Nam bằng đường biển. Bắt đầu từ đây xuất hiện “Những con tàu không số” lúc ẩn lúc hiện như những câu chuyện thần thoại với những kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, một nét đặc sắc, độc đáo sáng tạo của chiến tranh nhân dân, một sự phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

 

Các cựu chiến binh Đoàn tàu không số năm xưa bên khu di tích Tàu không số ở Lộ Diêu. Ảnh: Hồng Vân

 

Trên 10 năm vận chuyển, chiến đấu trên vùng biển của Tổ quốc luôn luôn đương đầu với địch và sóng to gió lớn, càng gặp khó khăn nguy hiểm, cán bộ càng bình tĩnh dũng cảm, mưu trí; chiến sĩ càng ngoan cường linh hoạt, trên dưới đoàn kết một lòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Hàng trăm chuyến vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí, hàng vạn cán bộ chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam vào 19 bến của 9 tỉnh duyên hải miền Nam trong điều kiện kẻ địch có ưu thế tuyệt đối về hải quân, không quân, trinh sát điện tử và tổ chức ngăn chặn đánh phá quyết liệt, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị 2 lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong những chiến công đó, tàu không số chở vũ khí vào bến Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn) rạng sáng ngày 31.10.1964, là một trong những con tàu như vậy.

Mùa đông năm 1964, vũ khí cho chiến trường khu 5 trở nên cấp bách. Vào được các bến khu 5 là vô cùng khó khăn, mặc dù con đường trên biển so với đường bộ có ngắn hơn một nửa. Nhưng ngược lại vùng biển khu 5 đa số là bến ngang, trống trải không có kênh rạch, rừng cây rậm rạp như các bến ở Nam Bộ, các cửa sông cạn hẹp. Khu 5 là vùng sát giới tuyến, nằm sát quốc lộ số 1 nên hệ thống ra đa tàu chiến máy bay địch kiểm soát dày đặc; đồn bốt địch ken dày, có nhiều hải thuyền, tàu chiến địch tuần tra kiểm soát

Sau khi nắm tình hình hoạt động của địch, cân nhắc mọi việc có liên quan, Bộ Tư lệnh hải quân quyết định: bến đầu tiên vào khu 5 là bến Lộ Diêu và tàu 401 nhận nhiệm vụ khó khăn này.

Tàu 401 đóng theo dạng tàu đánh cá miền Nam, trọng tải 35 tấn, tàu có 12 người, thuyền trưởng là ông Phạm Vạn (quê Quảng Ngãi), 2 thuyền phó là ông Trần Phấn và ông Trần Phi Khanh tức Trần Ngọc Mỹ (đều là người Bình Định), chính trị viên là ông Đặng Văn Thanh (quê Bình Thuận - được tuyên dương Anh hùng LLVTND ngày 1.1.1967) cùng 8 thủy thủ người Nam Bộ và Khu 5, trong số này có ông Lê Văn Nốt người quê Lôï Diêu, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn).

Ngày 15.9.1964, lễ tiễn đưa các thủy thủ tàu 401 vào bến Lộ Diêu tiến hành tại cảng Bính Động (Hải Phòng), ngày hôm sau tàu chở 33,203 tấn vũ khí rời bến. Hôm đó, gió đông bắc tràn về mạnh. Ra đến đảo Long Châu sóng lên đến cấp 7, mọi người đều say sóng, gió càng ngày càng mạnh, phải quay lại. Ngày 10.10, tàu xuất phát lần thứ hai, lần này tàu lại gặp bão, tàu đành trú tạm tại đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Ngày 25.10, tàu lại nhổ neo tiếp tục hành trình, rồi vượt qua vĩ tuyến 17, gặp tàu của hạm đội Mỹ. Chúng bám theo tàu 401 và không ngờ “Việt cộng” táo bạo đến như vậy.

Trưa ngày 31.10, tàu 401 trên đường chuyển hướng vào bến Lôï Diêu, thì bị máy bay của hải quân Mỹ bám theo, thuyền phó Trần Phấn phất cờ “ba que” ra hiệu tàu đánh cá. Sau nhiều lần quần đảo nhòm ngó, thấy không có gì khả nghi, quân Mỹ bỏ đi. Đến 12 giờ đêm hôm đó tàu bắt được bến, song máy tàu lại trục trặc, nửa tiếng sau máy được sửa, tàu tiếp tục hướng vào bờ.

 

Tàu không số chuyển vũ khí vào Nam (ảnh tư liệu - N.P chụp lại).

 

4 giờ sáng ngày 1.11.1964, tàu mới tới được bến Lộ Diêu, sóng ở bãi ngang rất lớn, việc bốc dỡ hàng gặp nhiều khó khăn, trời lại sắp sáng, đồn bốt địch ở gần, anh em quyết định cho tàu vào thật gần bờ và chỉ một loáng tàu đã mắc cạn. Trời sáng hẳn, không có cách gì khác đành bốc dỡ hàng ban ngày. Một sự hợp đồng rất nhịp nhàng giữa anh em tàu và người dân địa phương, người nào việc nấy khẩn trương bốc dỡ 33,203 tấn vũ khí lần lượt được chuyển xuống ghe nhỏ chở vào bến cất giấu an toàn, đúng nơi quy định, đồng thời tổ chức một bộ phận tung tin có một “tàu cá” bị mắc cạn để đánh lạc hướng địch.

Tàu bị hư hỏng nặng không thể trở lại miền Bắc, nên được đốt cháy, xóa mọi dấu vết, còn kẻ địch cho rằng đó là một vụ hỏa hoạn do dân đánh cá nên chúng không chủ tâm điều tra.

Theo lệnh trên, thuyền trưởng và báo vụ của tàu ở lại Lộ Diêu, còn 10 anh em đi bộ vào Vũng Rô (Phú Yên) chờ tàu của đoàn vào đón ra Bắc tiếp tục làm nhiệm vụ vận chuyển.

Tàu 401 vào Lộ Diêu được báo cáo cụ thể với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng chỉ thị: “Không sử dụng bến Lộ Diêu nữa, tìm bến mới ở Phú Yên, vì Phú Yên đang cần vũ khí”.

Vượt qua bao nhiêu gian khổ và hiểm nguy, tàu 401 chở trên 33 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu, đã góp phần cùng quân và dân Bình Định làm nên chiến thắng Đồi 10-Hoài Châu (1964), An Lão (12.1964), đèo Nhông Dương Liễu (2.1965)...

  • Nguyễn Dậu

(Nguyên cán bộ Đoàn tàu không số, Trưởng Ban liên lạc hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bình Định)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tặng quà cho người dân bị thiệt hại do bão số 9  (25/10/2009)
Nữ công nhân nuôi con mọn  (25/10/2009)
Trưởng làng tuổi 30  (25/10/2009)
“Hòn vọng thê”  (24/10/2009)
Những kết quả bước đầu   (23/10/2009)
Tặng quà cho người nghèo bị thiệt hại do bão số 9   (23/10/2009)
Vẫn còn lúng túng  (22/10/2009)
Phát huy vai trò tích cực trong doanh nghiệp  (22/10/2009)
Phát hiện 100 bao xương trâu, bò trong Nghĩa trang Bùi Thị Xuân  (22/10/2009)
Vùng biên giới biển có những bước phát triển đáng kể  (22/10/2009)
Hội CTĐ các cấp đã được củng cố, phát triển, hoạt động ngày càng hiệu quả  (22/10/2009)
Đình chỉ 12 bến đò hoạt động không có giấy phép  (21/10/2009)
Tặng quà cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 9  (21/10/2009)
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Hội LHPN tỉnh nhân ngày 20.10  (21/10/2009)
Trao quà cho học sinh vùng lũ  (20/10/2009)