Nâng tầm một trường nghề
8:55', 27/10/ 2009 (GMT+7)

Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông Lâm Trung bộ (gọi tắt là Trường Cao đẳng Nghề Trung bộ) được thành lập tháng 3.2007 trên cơ sở nâng cấp từ Trường Dạy nghề NN&PTNT Trung bộ. Trong vai trò mới, Trường đang nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng trường trọng điểm quốc gia.

 

Một tiết học lý thuyết của học sinh lớp Trắc địa địa hình. Ảnh: N.Q

 

* Đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu xã hội

Trường Cao đẳng Nghề Trung bộ có quy mô lớn và lịch sử lâu đời, bởi được hợp nhất từ 3 trường dạy nghề của Bộ NN&PTNT đóng trên đất Bình Định (Trường Công nhân kỹ thuật Lâm nghiệp Trung ương 2, ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn; Trường Dạy nghề xây dựng, ở xã Cát Tân và Trường Cơ khí nông nghiệp 4, ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát).

Hiện Trường Cao đẳng Nghề Trung bộ đang thực hiện chức năng đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; tham gia phổ cập nghề cho người lao động; dạy kỹ thuật và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông…

Sau 5 năm hợp nhất, Trường đã đào tạo được 6.512 học sinh (HS) hệ dài hạn và 8.458 HS hệ ngắn hạn. Từ 9 nghề đào tạo (năm 1990), đến năm học này, Trường đã tuyển sinh ở 9 nghề cao đẳng và 15 nghề trình độ trung cấp. Cơ cấu ngành nghề cơ bản đáp ứng yêu cầu của người học và xã hội. Trong đó, nhóm ngành cơ khí và kỹ thuật điện tăng nhiều nhất. Trường đã mở ra nhiều phương thức đào tạo linh hoạt, đáp ứng yêu cầu người học, như bên cạnh đào tạo tập trung tại trường, còn liên kết với các địa phương, các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo, tổ chức đào tạo tại cơ sở gắn với việc làm… Bên cạnh đó, mỗi năm, Trường đầu tư 4-5 tỉ đồng để trang bị thiết bị phục vụ đào tạo.

Ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ được xác định là hoạt động quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn rất lớn với các trường nghề. Trong thời gian qua, Trường đã triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để tạo giống cây con và đưa vào chương trình đào tạo; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy; đưa các kỹ thuật mới, công nghệ cao như hàn TIG, MIG, MAG…, hệ thống phanh ABS, lập trình PLC, thi công bằng phương pháp đầm lăn… vào chương trình đào tạo.

Trường đã liên kết đào tạo và cung ứng lao động cho các công ty như Tổng Công ty Xây dựng 47, Công ty Sông Đà, các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Nhơn Hội, các nông lâm trường, các doanh nghiệp chế biến gỗ… để gửi HS đến thực tập. Việc này, không chỉ giúp cho Trường khắc phục được khó khăn về trang thiết bị, máy móc, mà công tác đào tạo cũng sát với thực tiễn hơn…

* Phấn đấu “thương hiệu mạnh”

Trường Cao đẳng Nghề Trung bộ đang nỗ lực với mục tiêu trở thành trường nghề trọng điểm quốc gia, có thương hiệu mạnh trong nước và khu vực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển thương hiệu “Cao đẳng Nghề Trung bộ” rộng rãi trong cả nước, khu vực và quốc tế. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Chiến lược phát triển Trường từ 2009-2015 và tầm nhìn đến 2020; và phê duyệt quy hoạch hạ tầng cơ sở vật chất cho Trường. Ông Nguyễn Văn Lục, Phó Hiệu trưởng Trường, cho biết: “Trường sẽ được đầu tư khoảng 350 tỉ đồng để thực hiện các chiến lược phát triển trong từng giai đoạn. Trước mắt, trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2011, trung tâm của Trường sẽ được chuyển về Cơ sở 1 (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) cùng với việc mở rộng diện tích từ 5,1 ha lên 20 ha và đầu tư xây dựng hệ thống nhà làm việc, giảng đường, ký túc xá, thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng sản xuất… hiện đại, đáp ứng việc mở rộng quy mô đào tạo (đến năm 2015, đạt khoảng 5.000-5.500 HS-SV).

Với thuận lợi của một trường cao đẳng nghề đào tạo đa ngành, đa nghề, đa cấp và có quy mô đào tạo lớn của ngành NN&PTNT ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Trường đã đặt ra các mục tiêu đột phá trong phát triển đào tạo, đổi mới chương trình, tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới, mở rộng quy mô ngành nghề đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo. Đồng thời, mở rộng các hình thức đào tạo theo hướng đa dạng hóa, để thu hút người học và tăng khả năng cạnh tranh của Trường.

Để thực hiện những mục tiêu đặt ra, Trường xác định, việc nâng tầm đội ngũ giáo viên được ưu tiên hàng đầu. Nếu năm 2006, Trường chưa có giáo viên nào có trình độ Thạc sĩ, thì đến nay, đã có 29 cán bộ quản lý, giáo viên đang học cao học và đã có học vị Thạc sĩ… Mỗi năm, đã có vài trăm lượt giáo viên được tập huấn để nâng cao năng lực giảng dạy… 

35 năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện-Xây dựng và Nông Lâm Trung bộ đã đào tạo được khoảng 24 ngàn công nhân kỹ thuật và trên 15 ngàn học viên hệ ngắn hạn, bồi dưỡng, nâng bậc thợ. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm đạt trung bình từ 80% đến trên 85%; có một số nghề không đủ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Đến nay, quy mô đào tạo của Trường đạt 3.700 HS-SV với 20 nghề đào tạo từ sơ cấp đến cao đẳng nghề.

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 17,2%  (27/10/2009)
Tuổi trẻ Bình Định vì biển, đảo Tổ quốc  (27/10/2009)
Mỗi địa phương, đơn vị, cá nhân phải gắn thực hiện Cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ chính trị cụ thể của mình  (27/10/2009)
Tặng quà cho đồng bào bị thiệt hại do bão số 9  (26/10/2009)
Quy định mới về cán bộ, công chức cấp xã  (26/10/2009)
Nhớ mãi một con tàu  (26/10/2009)
Tặng quà cho người dân bị thiệt hại do bão số 9  (25/10/2009)
Nữ công nhân nuôi con mọn  (25/10/2009)
Trưởng làng tuổi 30  (25/10/2009)
“Hòn vọng thê”  (24/10/2009)
Những kết quả bước đầu   (23/10/2009)
Tặng quà cho người nghèo bị thiệt hại do bão số 9   (23/10/2009)
Vẫn còn lúng túng  (22/10/2009)
Phát huy vai trò tích cực trong doanh nghiệp  (22/10/2009)
Phát hiện 100 bao xương trâu, bò trong Nghĩa trang Bùi Thị Xuân  (22/10/2009)