Hiện nay, cơ hội học nghề tại các trung tâm dạy nghề cũng như cơ hội việc làm cho người lao động đang mở ra khá rộng. Thế nhưng, hầu hết các trung tâm dạy nghề đang gặp khó trong việc thu hút học viên, bởi người lao động không mấy mặn mà với việc học nghề.
|
Các học viên đang học nghề may. Ảnh: Văn Lực
|
Những năm gần đây, các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh luôn được đầu tư về quy mô và chất lượng. Việc đào tạo nghề cũng đã có sự chuyển dịch theo yêu cầu của thị trường với cơ cấu ưu tiên là dịch vụ - công nghiệp- nông nghiệp. Thêm vào đó, hình thức tuyển sinh cũng hết sức đơn giản, học viên lại được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ sau khi tham gia học nghề. Tuy nhiên, người lao động lại không mấy mặn mà với việc học nghề tại các trung tâm. Việc này đang là bài toán nan giải của các trung tâm dạy nghề.
Bà Lê Thị Kim Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm và Dạy nghề (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết: Trung tâm đang đào tạo các nghề may công nghiệp, may dân dụng, điện dân dụng, điện tử và gò hàn. Cái khó nhất vẫn là vấn đề tuyển sinh. Muốn có học viên, Trung tâm phải đến tận các xã, thôn để tuyển; rồi cho học viên ở miễn phí tại khu nội trú; học viên là con gia đình chính sách còn được hỗ trợ 150 ngàn đồng/tháng.
Bên cạnh đó, để giải quyết khó khăn đầu vào, Trung tâm đã liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân các nghề mộc dân dụng, mộc nội thất và may. Ngoài ra, Trung tâm cũng liên kết với Trường Trung cấp Công nghiệp tàu thủy Đà Nẵng mở các lớp dạy nghề đóng và sửa chữa tàu thủy. Với những nỗ lực đó, Trung tâm tạm giải quyết được khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Theo bà Chi, việc coi trọng bằng cấp mà chưa quan tâm đến vai trò, vị trí của nghề nghiệp, của công nhân kỹ thuật trong xã hội là khó khăn lớn nhất khiến các trung tâm dạy nghề khó tuyển học viên. Thực tế này không chỉ tồn tại ở tỉnh ta, mà trong cả nước. Hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vẫn không mặn mà với việc học nghề.
Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ với khoảng 30 học sinh đang học lớp 12, thì có đến 28 ý kiến cho rằng sẽ chọn thi các trường đại học, cao đẳng. Các em còn cho biết, học nghề chỉ là sự lựa chọn cuối cùng hoặc giải pháp tình thế… Các bậc phụ huynh cũng cùng suy nghĩ. Theo họ, cho con em mình bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng vẫn là mục tiêu tối thượng sau 12 năm đèn sách. Chính tư tưởng “trọng thầy, khinh thợ” này đã góp phần không nhỏ vào vấn đề người lao động không mặn mà với việc học nghề.
Trước thực tế này, để có học viên, ngoài các chế độ đãi ngộ, các trung tâm dạy nghề còn thông qua các phiên giao dịch việc làm hoặc tới trực tiếp các địa phương để tuyển sinh. Nhiều trung tâm còn cho mở cơ sở dạy nghề lưu động tại huyện để thu hút lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số, đến học nghề.
Theo thống kê của các trung tâm dạy nghề, phần lớn các học viên ra nghề đều có việc làm ổn định. Dù vậy, người lao động vẫn thờ ơ với việc học nghề. Thiết nghĩ, để cải thiện tình hình, cần phải thay đổi cách nghĩ trong việc lựa chọn nghề nghiệp của người lao động cũng như phụ huynh học sinh. Cần để họ thấy rằng chọn được một nghề phù hợp với năng lực bản thân sẽ tốt hơn nhiều so với việc phải vào đại học, cao đẳng bằng mọi giá, để rồi khi ra trường lại phải chạy ngược chạy xuôi tìm việc. Bên cạnh đó, các trung tâm dạy nghề cũng cần mở thêm nhiều ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
|