Quy định một số đối tượng bệnh nhân phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh với Bảo hiểm xã hội của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã khiến bệnh nhân và cơ sở y tế lo lắng.
|
Bệnh nhân nghèo, cận nghèo, mắc bệnh mạn tính gặp khó với quy định cùng chi trả. - Trong ảnh: Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại BVĐK khu vực Phú Phong. Ảnh: Thu Hiền
|
* Đã nghèo còn... gặp eo
Ngày 27.10, có mặt tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, chúng tôi bắt gặp không ít ánh mắt buồn của các bệnh nhân. Hầu hết trong số họ đều là các bệnh nhân nghèo hoặc cận nghèo. Với họ, việc phải chạy thận nhân tạo định kỳ đã là một khó khăn, thách thức lớn, thì nay, với việc phải cùng chi trả từ 5% - 20% chi phí khiến càng khó khăn hơn.
Một bệnh nhân nữ, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), cho biết: “Tôi mua BHYT tự nguyện, một tháng phải trả 2 - 4 triệu đồng tiền chạy thận trong khi bảo hiểm đã thanh toán 2/3. Thật sự, khoản tiền 20% là quá lớn so với gia đình, e khó đủ sức để chịu đựng lâu dài”.
Theo quy định của Luật BHYT, việc bệnh nhân cùng chi trả với BHYT được thực hiện theo 2 mức: 5% chi phí khám chữa bệnh với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật, người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số; 20% chi phí khám chữa bệnh sử dụng cho các đối tượng còn lại. Như vậy, không chỉ đối tượng bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, mà cả những bệnh nhi nghèo vừa vượt ngưỡng 6 tuổi, những hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cũng là những đối tượng đang rất lo lắng khi phải cùng chi trả BHYT.
Hầu hết những người chạy thận nhân tạo ở BVĐK tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người trong số đó đến từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Ngãi… Ông Nguyễn Đình Quang, quê ở Quảng Ngãi vào Bình Định để chạy thận nhân tạo, chia sẻ: “Đa phần, bệnh nhân mắc bệnh này phải chạy thận nhân tạo dù không rơi vào diện nghèo thì hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Với chi phí 800 ngàn đồng/lượt chạy thận, mà một tuần phải chạy đến 3 lần, thì bệnh nhân lấy tiền đâu để trả”.
Còn gia đình cháu Nguyễn Thành Vương, 16 tuổi, ở xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, hoảng hốt khi nghe đến chuyện phải cùng chi trả viện phí. Ba của Vương tâm sự: “Tôi vừa mới mua bảo hiểm cho cháu, nhưng chưa có thẻ, nên 2 tuần nay đã tiêu tốn hết 5 triệu đồng. Nhà làm nông, 6 miệng ăn, dù cật lực “cày” quanh năm cũng không đủ ăn, nói chi đến tiền chữa bệnh…”.
* Nguy cơ bệnh nhân bỏ điều trị
Bác sĩ Trương Quang Đạt, Giám đốc BVĐK khu vực Phú Phong, lo ngại nhiều bệnh nhân nghèo, cận nghèo sẽ không thể thanh toán nổi và sẽ bỏ dở việc điều trị. Ông Đạt phân tích: Một bệnh nhân chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, với chi phí khoảng 6-8 triệu đồng/tháng thì phải cùng chi trả 300-400 ngàn đồng/tháng (nếu chi trả 5%) hoặc 1,2-1,6 triệu đồng/tháng (nếu chi trả 20%). Nhìn con số đơn thuần thì chi phí này chưa phải là lớn lắm, nhưng nếu tính quãng thời gian điều trị cả đời, thì đây quả là một gánh nặng cho bệnh nhân. Vì thế, nhiều người không nghèo, nhưng vào viện điều trị được một thời gian cũng thành khó khăn.
Đó là chưa kể, đối với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn, quỹ BHYT khống chế mức thanh toán tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu. Trong khi thực tế có nhiều loại bệnh nặng, chi phí điều trị lên đến cả trăm triệu đồng/đợt. Nếu áp quy định này vào, thì tính ra, bệnh nhân tham gia BHYT vẫn phải thanh toán phần lớn viện phí. Bởi 40 tháng lương tối thiểu chỉ tương đương 26 triệu đồng (tính theo mức lương cơ bản hiện hành). Như vậy, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thanh toán mức cao nhất là 26 triệu đồng/đợt điều trị.
Dù hiện nay, thẻ BHYT của các đối tượng phải cùng chi trả nói trên vẫn còn giá trị và chưa phải cùng chi trả, nhưng nhiều giám đốc bệnh viện đã rất lo ngại. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh, cho biết, trong khoảng 20 ngàn người có thẻ BHYT của Vân Canh thì hết 15 ngàn thẻ rơi vào diện hộ nghèo, cận nghèo và 13 ngàn thẻ là của đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc thực hiện quy định cùng chi trả với đồng bào dân tộc thiểu số là… cực khó.
Cùng chi trả là một biện pháp tình thế để bệnh nhân và thầy thuốc cân nhắc hơn, tránh lạm dụng khi kê đơn và sử dụng thuốc; đảm bảo công bằng tương đối giữa các nhóm đối tượng. Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều trường hợp vào viện điều trị, bệnh viện phải cấp thêm tiền ăn thì lấy đâu để cùng chi trả BHYT. Vì vậy, Nhà nước nên có chính sách trợ giúp viện phí để hỗ trợ những bệnh nhân này.
|